Như báo Nhà báo và Công luận đã đưa tin, đầu năm 2012, con trai bà Thủy là anh Dương Đức T. tốt nghiệp đại học, do chưa có việc làm ổn định nên gia đình bà muốn tìm một công việc nào đó phù hợp cho con trai mình. Cùng thời điểm đó, ông Chu Đức Tình là người trong họ hàng với bà Thủy về quê chơi và giới thiệu rằng có nhiều “mối quan hệ” có khả năng xin được việc cho con trai bà Thủy vào Tổng cục Hậu cần – Bộ Công an. Vì tin tưởng tuyệt đối vào ông Tình, từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2016, bà Thủy đã nhiều lần giao tiền cho ông Tình ở nhà riêng để lo việc cho con trai với tổng số tiền là 890.000.000 đồng (Tám trăm chín mươi triệu đồng).
Sau khi nhận tiền từ bà Thủy, ông Tình và bà Hòa (vợ ông Tình) đã chuyển tiền qua tay cho rất nhiều người để xin việc cho con bà Thủy. Cụ thể, ông Tình, bà Hòa đã chuyển tiền cho ông Phạm Huy Anh trú tại ngõ 112 Thái Thịnh - Hà Nội. Sau đó ông Phạm Huy Anh lại chuyển tiền cho ông Đặng Hồng Đăng trú tại 133 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội. Ông Đặng Hồng Đăng đã nhận tiền nhiều lần từ tay vợ chồng ông Tình, bà Hòa và ông Phạm Huy Anh với số tiền gần 1 tỷ đồng. Mỗi lần nhận tiền của ông Tình bà Hòa hoặc của ông Phạm Huy Anh, ông Đăng đều viết giấy biên nhận tiền.
Giấy ông Đặng Hồng Đăng biên nhận tiền từ gia đình ông bà Tình Hòa và ông Phạm Huy Anh để cam kết xin được việc cho con trai bà Thủy.
Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua mặc dù hứa hẹn rất nhiều lần nhưng ông Đặng Hồng Đăng vẫn chưa xin được việc cho con trai bà Thủy. Đến đầu năm 2016, vợ chồng ông Tình bà Hòa đã công khai cho gia đình bà Thủy biết là không thể xin được việc cho con trai bà như đã cam kết, còn số tiền mà bà Thủy giao cho ông Tình để xin việc thì “biệt vô âm tín”.
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Đào Tơ, Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Huy cho rằng: “Hành vi của những người liên quan (ông Tình, bà Hòa, ông Phạm Huy Anh và ông Đặng Hồng Đăng) thể hiện dấu hiệu lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Tại điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999, người nào có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị khời tố. Hành vi gian dối ở đây là tạo niềm tin cho những người bị hại, vì không có chức năng, nhiệm vụ quyền hạn gì để quyết định một người vào vị trí của cơ quan hành chính nhà nước. Hành vi thứ hai là hành vi chiếm đoạt tài sản sau khi người bị hại tin vào lời nói của người gian dối và đã chuyển tiền, thì người gian dối đã thực hiện xong hành vi phạm tội ”.
Luật sư Nguyễn Đào Tơ, Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Huy chia sẻ.
Luật sư Nguyễn Đào Tơ chia sẻ thêm, theo quy định của Luật tố tụng hình sự năm 2015 nếu trường hợp Cơ quan công an nhận được đơn tố giác của người dân thì Cơ quan công an phải tiến hành xác minh thu thập chứng cứ và xác định các hành vi đó có đủ căn cứ cấu thành tội phạm hay không. Trong thời hạn là 20 ngày, nếu hết thời hạn 20 ngày thấy vụ việc có dấu hiệu phức tạp thì có thể gia hạn thêm nhưng không quá thời gian là 2 tháng. Tuy nhiên, trong vụ nhận tiền chạy việc vào Bộ Công an này dư luận có quyền đặt câu hỏi: Cơ quan điều tra quận Đống Đã đã thực hiện nghiêm túc quy định của Luật tố tụng 2015 hay chưa? Khi mà người dân đã nộp đơn hơn 2 năm nay mà vẫn chưa có kết quả gì.
Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.
Nhóm phóng viên