(CLO) Sáng 8/9, tại Nhà Quốc hội, UBTV Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, thảo luận về 2 dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và dự án Luật về Hội.
[caption id="attachment_119904" align="aligncenter" width="600"]
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách[/caption]
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của 2 dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và dự án Luật về Hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trong nhiệm kỳ này, UBTV Quốc hội sẽ tăng cường tổ chức các hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận kỹ về những nội dung trình Quốc hội, đặc biệt là những nội dung còn có ý kiến khác nhau, góp phần nâng cao chất lượng các văn bản, nội dung trình Quốc hội.
Chiều 8/9, thảo luận về dự án Luật về Hội, đa số đại biểu tán thành với dự thảo, cho rằng không áp dụng Luật này đối với các tổ chức chính trị-xã hội: MTTQ Việt Nam, Liên đoàn lao động, Hội nông dân, Hội LHPN Việt Nam...
Cho rằng dự thảo Luật về Hội nhưng không đưa ra khái niệm rõ ràng thế nào là hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu ý kiến, quy định trong dự thảo còn mù mờ, luật điều chỉnh tổ chức phi Chính phủ nước ngoài nhưng trong nước lại không, nhiều quy định không thống nhất cách hiểu trong toàn bộ luật dẫn đến luật có ra đời cũng khó điều chỉnh.
Cũng theo ông Nguyễn Sỹ Cương, cán bộ, công chức là người của Chính phủ nhưng lại lập ra các tổ chức phi Chính phủ; vừa làm việc của Chính phủ, vừa làm việc của tổ chức phi Chính phủ sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ quản lý nhà nước.
“Công chức của Cục An toàn thực phẩm tham gia hiệp hội sữa, cán bộ ở Bộ Công Thương cấp phép về phân bón nhưng lại tham gia hiệp hội phân bón... thì “vừa đá bóng vừa thổi còi”, ông Nguyễn Sỹ Cương nói.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn - đại diện cơ quan soạn thảo lý giải bản thân cán bộ, công chức cũng là công dân và về mặt nguyên tắc họ có quyền lập hội nhưng còn chịu sự điều chỉnh của Luật cán bộ công chức. Để rành mạch, minh bạch giữa quản lý nhà nước với các hoạt động xã hội, Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu, sẽ nghiên cứu thêm về giới hạn quyền thành lập hội với những người tham gia vào hoạt động công vụ.
TS Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam) cho rằng vấn đề lớn phát sinh trong hoạt động của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp hiện nay là hoạt động theo xu hướng hành chính hoá, kém hiệu quả, rất hình thức và sử dụng một nguồn lớn ngân sách.
Với chủ trương giảm dần bao cấp với các tổ chức hội đặc thù mà theo tinh thần tự chủ, tự trang trải, ông Giao cho rằng nên tạo cơ chế như trao quyền hoạt động gây quỹ, nhận viện trợ phi chính phủ và sự hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam trên nguyên tắc minh bạch “để họ sống được, đỡ bám nguồn sữa mẹ ngân sách”.
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng: nhiều đại biểu không nhất trí với quy định về điều kiện để một tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo phải hoạt động ổn định trong 10 năm. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban cho rằng, việc quy định tổ chức có đăng ký hoạt động tôn giáo sau một thời gian hoạt động ổn định mới được xem xét công nhận tổ chức tôn giáo là cần thiết nhằm kiểm nghiệm thực tế hoạt động của tổ chức trước khi công nhận, bảo đảm tổ chức tôn giáo hoạt động ổn định, tồn tại lâu dài. Vì thế, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng, quy định thời gian hoạt động ổn định của tổ chức là 5 năm.
[caption id="attachment_119905" align="aligncenter" width="500"]
Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi[/caption]
Không tán thành với quan điểm của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc quy định như vậy làm cho người ta có cảm giác luật đặt ra rào cản đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Ông Bùi Sỹ Lợi đặt câu hỏi, căn cứ nào để đưa ra thời hạn hoạt động ổn định của tổ chức đó là 5 năm? Có phải đại biểu không đồng ý thời hạn 10 năm nên dự thảo Luật “cưa đôi” còn 5 năm? Vậy nếu có ý kiến đề nghị là 1 năm hay 3 năm thì có được không?
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nên quy định rõ ràng các tiêu chí, điều kiện cụ thể để thành lập một tổ chức tôn giáo. Nếu tổ chức nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đó thì xét công nhận là tổ chức tôn giáo chứ không nên đặt ra những quy định mang tính chất rào cản như vậy.
Một số nội dung khác các đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ hơn như một số hành vi bị cấm trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng: hành vi kích động bạo động, mê tín dị đoan; một số lễ hội mang tính bạo lực, phản cảm mang tính hủ tục...
Sáng mai (9/9), các đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ tiếp tục cho ý kiến vào dự thảo Luật về Hội.
T.Toàn