Vương quốc Anh trở lại chương trình khoa học Horizon Europe: Dấu hiệu hàn gắn sau Brexit

Chủ nhật, 10/09/2023 11:09 AM - 0 Trả lời

(CLO) Thủ tướng Anh Rishi Sunak mới đây xác nhận, Vương quốc Anh sẽ quay trở lại chương trình nghiên cứu khoa học hàng đầu châu Âu, Horizon Europe. Một động thái mà ông Sunak ca ngợi là “phù hợp cho đất nước”.

Sự trở lại được mong chờ

Vương quốc Anh đã đạt thỏa thuận tham gia lại chương trình tài trợ nghiên cứu khoa học trị giá 85 tỷ bảng (tương đương 120 tỷ USD) của Liên minh châu Âu có tên EU Horizon. Thỏa thuận đã được ký kết sau cuộc gọi giữa Thủ tướng Anh, Rishi Sunak và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, vào tối thứ Tư 6/9 vừa rồi.

Theo một tuyên bố của Phố Downing, Vương quốc Anh cũng sẽ tham gia lại Chương trình Vệ tinh quan sát Trái đất Copernicus của EU, chương trình này rất quan trọng trong việc theo dõi các sự kiện thời tiết trong mùa hè này, bao gồm cả cháy rừng trên khắp châu Âu.

vuong quoc anh tro lai chuong trinh khoa hoc horizon europe dau hieu han gan sau brexit hinh 1

Việc Anh tham gia lại chương trình Horizon Europe được đánh giá là một thắng lợi chính trị của Thủ tướng Rishi Sunak. Ảnh: WSJ

EU cũng đã đồng ý với đề xuất của Vương quốc Anh về việc nước này không tham gia lại Chương trình Euratom (một chương trình tài trợ bổ sung cho Horizon Europe, bao gồm nghiên cứu và đổi mới hạt nhân). Thay vào đó, Anh sẽ theo đuổi chiến lược năng lượng nhiệt hạch trong nước.

Về phần mình, Ủy ban Châu Âu (EC) cho biết: “Thỏa thuận ngày hôm nay vẫn hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận hợp tác và thương mại EU-Anh (TCA). Vương quốc Anh sẽ được yêu cầu đóng góp tài chính cho ngân sách EU và phải tuân theo tất cả các biện pháp bảo vệ của TCA”.

Được biết, Vương quốc Anh sẽ đóng góp trung bình khoảng 2,6 tỷ bảng mỗi năm cho Horizon Europe và Copernicus, bắt đầu từ tháng 1/2024. Phố Downing cho biết điều này cũng sẽ “cung cấp không gian để thúc đẩy sự tham gia của các nhà nghiên cứu Vương quốc Anh tiến hành các hoạt động kêu gọi tài trợ trước khi chúng tôi bắt đầu chi trả cho chương trình”.

Niềm vui cho cộng đồng khoa học

Thỏa thuận đưa Anh trở lại với chương trình Horizon Europe là động thái được cộng đồng khoa học ở Anh vốn từng hưởng lợi rất lớn từ nguồn tài trợ này, đặc biệt hoan nghênh. Thủ tướng Sunak hôm thứ Năm tuần trước cũng cho biết, các nhà khoa học Anh có thể bắt đầu nộp đơn xin tài trợ từ chương trình EU Horizon.

“Chúng tôi đã làm việc với các đối tác EU của mình để đảm bảo rằng đây là thỏa thuận phù hợp với Vương quốc Anh, mở ra những cơ hội nghiên cứu tuyệt vời và cũng là thỏa thuận phù hợp cho người nộp thuế ở Vương quốc Anh”, ông Sunak nói thêm.

Sir Adrian Smith, Chủ tịch Hiệp hội Hoàng gia London về Nâng cao Kiến thức tự nhiên, (Học viện khoa học Quốc gia của Anh, hay thường được gọi ngắn gọn là Hiệp hội Hoàng gia), mô tả thông báo này là “tin tức tuyệt vời không chỉ đối với Vương quốc Anh mà còn đối với các nhà khoa học trên khắp EU và đối với tất cả người dân châu Âu”.

Michelle Mitchell, CEO của Cancer Research UK, tổ chức nghiên cứu ung thư lớn nhất thế giới có trụ sở tại London, cho biết: “Cộng đồng nghiên cứu sẽ nhẹ nhõm hơn khi sự bất ổn trong hai năm rưỡi qua đã chấm dứt”.

“Gần 3/4 số nhà nghiên cứu ung thư trả lời cuộc khảo sát của chúng tôi đều nói rằng nguồn tài trợ từ EU là quan trọng đối với công việc của họ. Nó cho thấy sự trở lại với Horizon Europe quan trọng như thế nào đối với tương lai của nghiên cứu ung thư”, bà Michelle Mitchell nói thêm.

Theo số liệu của báo Wall Street Journal, kể từ khi Anh rời khỏi Horizon Europe, chính phủ nước này đã phê chuẩn hơn 2.000 đề nghị tài trợ trị giá 1,05 tỷ bảng cho các nhà nghiên cứu để giúp họ duy trì nguồn tài chính. Và, khoản tài trợ đó sẽ hết hạn trong tháng này.

Dấu hiệu tan băng

Sự trở lại của Anh với các chương trình khoa học của EU có thể xem như dấu hiệu hàn gắn sau Brexit, sự kiện chứng kiến Anh rời khỏi khối vào năm 2020. Khi ấy, với việc Anh “ly hôn” khỏi EU, nước này cũng đã bị loại khỏi chương trình Horizon Europe trong ba năm.

Theo dự kiến ban đầu, thời điểm để Vương quốc Anh quay trở lại chương trình được xác định là tháng 2/2023 khi Khuôn khổ Windsor đã được thống nhất, nhưng các cuộc đàm phán vẫn kéo dài về các điều khoản tài chính chính xác. Do đó, đã có lúc cộng đồng khoa học tại Vương quốc Anh rất bi quan về Horizon Europe.

vuong quoc anh tro lai chuong trinh khoa hoc horizon europe dau hieu han gan sau brexit hinh 2

Trước Brexit, Vương quốc Anh là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ Horizon Europe. Ảnh: Guardian

Nhưng bây giờ, băng đã tan, khi châu Âu cũng rất chào đón sự trở lại của Anh. Chủ tịch EC, Ursula von der Leyen cho biết: “EU và Vương quốc Anh là những đối tác và đồng minh chiến lược quan trọng, và thỏa thuận ngày hôm nay đã chứng minh điều đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục đi đầu trong nghiên cứu và khoa học toàn cầu”.

Natalie Loiseau, nữ nghị sĩ châu Âu người Pháp, và một trong những nhà lãnh đạo của Hội đồng đối tác nghị viện Anh - EU cũng bày tỏ sự lạc quan sau sự kiện này. Phát biểu với báo The Guardian, bà Loiseau nhận định thỏa thuận này là một dấu hiệu của “một bầu không khí tin cậy được khôi phục”.

Các nhà phân tích chính trị nhận định, việc Anh tái gia nhập Horizon là một chiến thắng chính trị đối với Thủ tướng Sunak, người đã cố gắng cải thiện mối quan hệ giữa Vương quốc Anh hơn với châu Âu mà không gây ra bất kỳ sự phản đối lớn nào trong Đảng Bảo thủ của mình.

Những nỗ lực nhằm cải thiện tình hình diễn ra vào lúc phần lớn công chúng Anh bày tỏ sự hối hận về việc đã bỏ phiếu rời khỏi EU, khi họ phải vật lộn với lạm phát cao và triển vọng nhiều năm tăng trưởng thấp. Một cuộc thăm dò của YouGov vào tháng 6 cho thấy nếu cuộc trưng cầu dân ý về Brexit được tổ chức tuần trước, 55% người Anh sẽ bỏ phiếu ở lại khối.

Tuy nhiên, theo nhà các nhà phân tích, bất chấp mọi tiếc nuối về Brexit, khả năng Vương quốc Anh sớm tái gia nhập EU là rất nhỏ. Thay vào đó, trọng tâm là làm cho Brexit hoạt động tốt nhất có thể và hạn chế thiệt hại kinh tế từ các rào cản thương mại với đối tác thương mại chính của Vương quốc Anh.

Nguyễn Khánh

Bình Luận

Tin khác

Rachel Reeves: Từ nữ kỳ thủ đến Bộ trưởng Tài chính Anh

Rachel Reeves: Từ nữ kỳ thủ đến Bộ trưởng Tài chính Anh

(CLO) Bà Rachel Reeves đã trở thành nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Vương quốc Anh. Và bước đi đầu tiên của nhà vô địch cờ vua trẻ một thời này sẽ là cố gắng thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Tiêu điểm Quốc tế
Chiến thuật du kích của Hamas và mối nguy sa lầy với Israel trong chiến sự Gaza

Chiến thuật du kích của Hamas và mối nguy sa lầy với Israel trong chiến sự Gaza

(CLO) Hàng loạt tên lửa tấn công vào Israel và giao tranh nổ ra ở khu phố trung tâm của Gaza City cho thấy nguy cơ về một cuộc xung đột kéo dài ở dải đất này.

Tiêu điểm Quốc tế
Bạo loạn ở Kenya và gánh nặng nợ nần của các quốc gia châu Phi

Bạo loạn ở Kenya và gánh nặng nợ nần của các quốc gia châu Phi

(CLO) Các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn của người dân Kenya nhằm phản đối dự luật tăng thuế đang cho thấy một vấn đề sâu xa hơn: Đó là gánh nặng nợ nần của quốc gia Đông Phi này, cũng như ở châu Phi nói chung.

Tiêu điểm Quốc tế
Bầu cử Vương quốc Anh và nỗi hối hận về Brexit

Bầu cử Vương quốc Anh và nỗi hối hận về Brexit

(CLO) Khi Vương quốc Anh bước vào cuộc bầu cử vào tuần này (4/7), đa số cho rằng việc rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) là một sai lầm và mang lại ít lợi ích cũng như những vấn đề mới.

Tiêu điểm Quốc tế
Người dân Palestine sống trong rác và nước thải dưới cái nóng thiêu đốt ở Gaza

Người dân Palestine sống trong rác và nước thải dưới cái nóng thiêu đốt ở Gaza

(CLO) Trong cái nóng ngột ngạt của mùa hè, người Palestine đang phải chịu đựng mùi hôi thối của rác rưởi và nước thải, một thực tế đáng sợ không kém gì những cơn đói cồn cào hoặc âm thanh của bom đạn trong chiến tranh.

Tiêu điểm Quốc tế