Vượt gian khó, bám đường, thông tuyến!

Thứ sáu, 01/01/2021 14:06 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong mưa gió, không quản ngại những hiểm nguy cận kề, những cán bộ, công nhân viên ngành GTVT đã làm việc như những con thoi chạy đua với thời gian, “bám đường, thông tuyến”, nỗ lực khắc phục sự cố để các tuyến đường thông suốt sớm nhất, để người dân đi lại thuận tiện, sớm ổn định cuộc sống sau bão lũ.

Không nằm ngoài dự đoán, năm 2020 thực sự là một năm của những trận thiên tai dị thường. Bão chồng bão, lũ nối lũ, những trận sạt lở, mưa lớn, động đất… ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt cuộc sống, trong đó “khúc ruột miền Trung” là nơi phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn cả. Cả nước đã chung tay san sẻ, khắc phục những hậu quả ấy. Trong đó, không thể không kể đến những cán bộ, công nhân viên ngành giao thông vận tải. Trong mưa gió, không quản ngại những hiểm nguy cận kề, họ đã làm việc, như những con thoi chạy đua với thời gian, “bám đường, thông tuyến”, nỗ lực khắc phục sự cố để các tuyến đường thông suốt sớm nhất, để người dân đi lại thuận tiện, sớm ổn định cuộc sống sau bão lũ.

Tất cả vì đồng bào miền Trung ruột thịt

Từ cuối tháng 9, đặc biệt trong tháng 10 năm 2020, đã có 5 cơn bão (số 5, 6, 7, 8, 9) và 2 áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào các tỉnh miền Trung và Bắc Tây Nguyên gây ra mưa lớn, lũ lịch sử. Mưa lũ dị thường khiến mực nước trên các sông đều đồng loạt vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999.

Các đợt “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” đã gây ra nhiều vụ sạt lở đất, trong đó có rất nhiều vụ nghiêm trọng, như tại Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên Huế), Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Hướng Hóa (Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân và cán bộ, chiến sỹ.

Là người trực tiếp chứng kiến những thiệt hại mà mưa bão gây ra và có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục các sự cố nghiêm trọng, chia sẻ với PV Báo Nhà báo & Công luận, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ xúc động: “Tất cả gói gọn trong 2 từ bàng hoàng và xót xa”.

Đợt mưa lũ lịch sử đã khiến hệ thống đường giao thông qua các tỉnh miền Trung bị hư hỏng nghiêm trọng

Đợt mưa lũ lịch sử đã khiến hệ thống đường giao thông qua các tỉnh miền Trung bị hư hỏng nghiêm trọng

Bàng hoàng vì sức tàn phá, hậu quả khủng khiếp của thiên nhiên gây ra và xót xa trước hình ảnh đồng bào ta đang bị vùi lấp dưới đất lạnh. Điều này không chỉ khiến những người cán bộ, công nhân ngành giao thông vận tải nói riêng mà tất cả lực lượng cứu hộ cứu nạn thêm động lực, quyết tâm khắc phục hậu quả sạt lở, nối lại các tuyến đường huyết mạch và sớm tìm kiếm được các nạn nhân mất tích.

Bộ GTVT cũng đã có nhiều ý kiến chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, chính quyền địa phương chủ động ứng phó, tiến hành khắc phục các sự cố do mưa lũ gây ra, đảm bảo giao thông, giảm thiểu thiệt hại xuống mức thấp nhất.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ (ngoài cùng bên trái) trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục sự cố sạt lở tại tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ (ngoài cùng bên trái) trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục sự cố sạt lở tại tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây

Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) Hoàng Thế Tùng nhớ lại, ngay sau khi xảy ra sự cố vào ngày 13/10, 6h sáng ngày 14/10, tất cả các lực lượng cứu hộ cứu nạn gồm ngành giao thông, quân đội, công an,... đã có mặt tại Sở chỉ huy tiền phương (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền). Đến 10h, đoàn đã di chuyển tới vị trí cách Trạm Kiểm lâm sông Bồ khoảng 1-2km và trước mặt là một điểm sạt lở lớn cuối cùng. Thứ trưởng Lê Đình Thọ cùng đoàn cứu nạn tức tốc men theo nền đường cũ đi bộ vào để tiếp cận hiện trường một cách sớm nhất.

Băng qua những tán cây rừng, hình ảnh hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng dần dần mở ra với sự tan hoang đến rợn người. Cả một vùng rộng lớn bị san phẳng bởi khoảng 2 triệu mét khối cây cối, đất cát, bùn nhão và những tảng đá lớn, độ sâu vùi lấp từ 2 - 3 mét khiến công tác xác định vị trí, tìm kiếm các nạn nhân mất tích gặp rất nhiều khó khăn.

Quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh Nguyễn Vũ Quý trực tiếp tại hiện trường mở đường cứu nạn từ ngày đầu tiên cho hay, đường 71 hầu như bị phá hủy, biến dạng, đất đá sạt trượt, địa hình phức tạp và thường trực nguy hiểm.

Những tuyến đường tan hoang sau mưa lũ.

Những tuyến đường tan hoang sau mưa lũ.

Máy móc chuyên dụng của các đơn vị thi công liên tục được tăng cường. Anh em lái xe hầu như ăn ngủ tại chỗ hoặc các điểm dã chiến. Ngày thông được vào tiểu khu 67, mọi người nhìn nhau đến bật khóc trước khung cảnh quá đỗi tang thương. Chẳng ai nói với ai, anh em lại bắt tay vào công việc, lên máy xúc, máy ủi tiếp tục mở đường đến Rào Trăng.

Những người yêu cầu như con, quý đường như máu

Mỗi năm, có đến hàng chục cơn bão lớn nhỏ đổ bộ vào nước ta gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt là các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục quản lý đường bộ II (Tổng cục đường bộ Việt Nam) Trần Quang Thanh, năm 2020 mưa lũ đã gây ra sạt lở, hư hỏng và thiệt hại nặng nề nhất tới hệ thống đường giao thông do Cục quản lý đường bộ II quản lý từ trước đến nay.

Tại vị trí chân cầu Tà Lềng thuộc Km257+600 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (thuộc xã Tà Long, huyện DaKrong, tỉnh Quảng Trị) xảy ra sự cố sạt lở taluy âm có độ sâu khoảng 5 mét, dài 20 mét cùng nhiều vết nứt đã xuất hiện. Nhiều mét phòng hộ mềm cùng mặt đường đổ sập xuống lòng sông tạo hiện tượng “hàm ếch” gây mất an toàn giao thông và tiềm ẩn nguy cơ đứt đường.

Cán bộ, công nhân viên ngành giao thông làm việc bất kể ngày đêm, mưa gió quyết tâm nối lại các tuyến đường giao thông huyết mạch trong thời gian sớm nhất.

Cán bộ, công nhân viên ngành giao thông làm việc bất kể ngày đêm, mưa gió quyết tâm nối lại các tuyến đường giao thông huyết mạch trong thời gian sớm nhất.

Hàng loạt xe chở đá hộc, lưới thép, máy xúc đã được điều động tới hiện trường để khắc phục sự cố và rất nhanh chóng đường đã thông trong sự vui mừng của người dân cũng như toàn thể công nhân viên trên công trường. Trực tiếp có mặt tại các điểm nóng sạt lở trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua tỉnh Quảng Trị, Giám đốc Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Trị Trần Hữu Khoa chia sẻ, từ ngày mùng 2/10 đến hết tháng hầu hết thời gian của anh là ở công trường cùng với anh em khắc phục sự cố sạt lở.

Nhiều anh em đã bám trụ ở đây hơn nửa tháng trời, không biết tới vị của cơm nhà, lắm khi chỉ ăn vội hộp cơm, miếng lương khô ngay trên máy xúc, máy ủi để có sức tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ mở đường, thông tuyến. Bản thân anh Khoa có đêm chỉ kịp về thăm gia đình một lát rồi lại đi ngay vì anh và các đồng nghiệp hiểu rằng đồng bào đang cần mình, các tuyến đường giao thông cần phải được nối lại trong thời gian sớm nhất.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Quốc lộ 9 từ thành phố Đông Hà đến thị trấn Khe Sanh, huyện miền núi Hướng Hóa có hàng chục vị trí sạt lở taluy dương và taluy âm. Trong khi đó, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua tỉnh Quảng Trị có khoảng 30 điểm sạt lở. Đoạn từ xã Hướng Phùng đến giáp tỉnh Quảng Bình bị sạt lở nghiêm trọng khiến 2 xã Hướng Việt, Hướng Lập bị cô lập hoàn toàn.

Bữa cơm vội vàng là hình ảnh thường thấy của những người cán bộ, công nhân viên ngành giao thông vận tải

Bữa cơm vội vàng là hình ảnh thường thấy của những người cán bộ, công nhân viên ngành giao thông vận tải

Trong những ngày đó, cán bộ công chức, người lao động Cục Quản lý đường bộ II cùng với các đơn vị thi công chủ lực đã huy động tối đa nhân lực và phương tiện thực hiện công tác sửa chữa, khắc phục sự cố sạt lở. Đồng thời sáng tạo ra hệ thống ròng rọc có thể vận chuyển 1,5 tấn hàng hóa/1 giờ để tiếp tế nhu yếu phẩm cho những xã bị cô lập.

Mưa lớn do ảnh hưởng của các trận bão liên tiếp khiến tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và Quốc lộ 49 đi qua địa bàn huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) xuất hiện hàng loạt vị trí đất đá sạt lở từ ta luy dương xuống lấp rãnh dọc, tràn mặt đường và cây gãy đổ gây cản trở giao thông.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.6 (Cục Quản lý đường bộ II) Ngô Văn Đoán cho biết, trước khi sự cố xảy ra đơn vị đã bố trí cán bộ chốt trực, phân luồng và cắm biển báo tại những vị trí xung yếu. Ngay khi xảy ra các sự cố sạt lở gây hư hỏng hệ thống hạ tầng, ùn tắc giao thông; nhân lực, phương tiện đã nhanh chóng được điều động đến hót dọn các vị trí đất đá sạt lở, cây cối gãy đổ trên mặt đường, các rãnh dọc bị đất đá vùi lấp và dựng lại các biển báo bị gãy đổ.

Họ chỉ là một trong rất nhiều người lao động, cán bộ công nhân viên trong ngành giao thông vận tải đang ngày đêm bảo vệ những tuyến đường giao thông huyết mạch với mong muốn người dân được đi lại thuận tiện, sớm ổn định cuộc sống sau những mất mát, thiệt hại to lớn mà bão lũ gây ra.

Ngọc Hải

Tin khác

Các tuyến đường sắt quốc gia không tổ chức đi xuyên tâm qua Hà Nội

Các tuyến đường sắt quốc gia không tổ chức đi xuyên tâm qua Hà Nội

(CLO) Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa báo cáo Thành phố việc rà soát và định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn.

Giao thông
Nga Sơn (Thanh Hóa): Nguy cơ mất an toàn giao thông từ các xe chở đất, cát

Nga Sơn (Thanh Hóa): Nguy cơ mất an toàn giao thông từ các xe chở đất, cát

(CLO) Tại xã Nga Tân, huyện Nga Sơn xuất hiện nhiều xe ô tô tải chở đất, cát có dấu hiệu quá tải, chở hàng có ngọn, che chắn sơ sài khiến đất, cát rơi vãi xuống đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Giao thông
Nam Định thành lập 2 bến phà mới Ninh Mỹ và Kinh Lũng

Nam Định thành lập 2 bến phà mới Ninh Mỹ và Kinh Lũng

(CLO) Việc thành lập các bến phà Ninh Mỹ và Kinh Lũng góp phần hoàn thiện dần mạng lưới giao thông đường bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của các địa phương, phục vụ việc đi lại, đảm bảo giao thông thông suốt.

Giao thông
Gia Lai: Dân tố đơn vị thi công đường Tỉnh lộ 666 gian dối, chủ đầu tư nói gì?

Gia Lai: Dân tố đơn vị thi công đường Tỉnh lộ 666 gian dối, chủ đầu tư nói gì?

(CLO) Vừa qua trên mạng xã hội lan truyền clip người dân bức xúc việc đơn vị thi công đường liên huyện Mang Yang – Ia Pa (Gia Lai) thi công gian dối. Liên quan đến sự việc này, chủ đầu tư – Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã có kiểm tra và thông tin về vụ việc.

Giao thông
Tháo gỡ khó khăn về vật liệu cho dự án trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long

Tháo gỡ khó khăn về vật liệu cho dự án trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long

(CLO) Đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), việc triển khai các thủ tục giao mỏ cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công những dự án trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long còn chậm, trữ lượng và công suất khai thác chưa đáp ứng kịp thời.

Giao thông