"Tôi hy vọng việc đóng băng tài trợ có thể được xem xét lại và Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ công việc của WHO và cứu người", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay.
"Tôi hy vọng Mỹ hiểu được rằng việc đầu tư vào WHO là quan trọng, không phải chỉ vì các quốc gia khác mà còn để bảo vệ an toàn của nước Mỹ", ông nói.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích cách đối phó với đại dịch của WHO, nói rằng tổ chức này đang "bưng bít" thông tin và xử lý phụ thuộc vào Trung Quốc quá nhiều. Ông cũng đưa ra quyết định dừng cấp vốn cho WHO.
Ông Tedros cũng cảnh báo rằng có những "dấu hiệu đáng lo ngại" của đại dịch bùng phát tại châu Phi và Nam Mỹ.
Tại Somalia, tỷ lệ nhiễm bệnh đã tăng 300% trong 1 tuần qua.
"Rất nhiều nước vẫn đang trong giai đoạn đầu chống dịch và một số nước đang chứng kiến số ca nhiễm tăng ngược trở lại", ông Tedros nói trong một cuộc họp trực tuyến.
"Chúng ta vẫn còn chặng đường dài phải đi. Virus này sẽ ở với chúng ta trong khoảng thời gian dài", ông cho hay.
Giáo sư Mike Ryan, chuyên gia khẩn cấp của WHO nói rằng cần hiểu rõ nguồn gốc của dịch virus Corona xuất phát từ các chợ động vật và có khả năng lây sang người.
Ông cảnh cũng báo rằng "điều tương tự có thể lại xảy ra trong tương lai".
WHO nói rằng tổ chức sẵn sàng phối hợp với Tổ chức lương thực thực phẩm của Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức sức khoẻ động vật thế giới (OIE) để tiến hành điều tra nguyên nhân trên động vật.
Ông Ryan cho biết, WHO đã và đang làm điều này với Trung Quốc.
Ông Tedros cũng lên tiếng bảo vệ các quyết định trước đó của tổ chức này.
"Khi nhìn lại mọi việc, tôi nghĩ chúng tôi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào đúng thời điểm, khi thế giới có đủ thời gian để đối phó", ông nói vào ngày 30/1 khi WHO công bố đại dịch và chỉ có 82 ca nhiêm bên ngoài Trung Quốc và không có ca tử vong nào.
Hoàng Việt (Theo Reuters)