Sáng 22/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức công bố Báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền cấp tỉnh, thành phố của Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.
Được thực hiện năm thứ 13 liên tiếp, báo cáo PCI 2017 dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.200 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Trong PCI 2017 có rà soát và chỉnh sửa về hệ thống chỉ số, điều chỉnh và bổ sung nhiều chỉ tiêu mới trong hệ thống 10 chỉ số thành phần như tình hình an ninh trật tự tại địa phương hay điều chỉnh phân nhóm xếp hạng...
Báo cáo PCI 2017 tập hợp những đánh giá về môi trường kinh doanh của 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.
Theo bảng xếp hạng PCI 2017, Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với điểm số 70,7 trên thang điểm 100. Những địa phương khác trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2017 lần lượt là: Đà Nẵng (70,1 điểm), Đồng Tháp (68,8 điểm), Long An (66,7 điểm); Bến Tre (66,7 điểm); Quảng Nam (65,4 điểm), TP.HCM (65,2 điểm); Hải Phòng (65,2 điểm) và Cần Thơ (65,1 điểm).
Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bình Dương, Thái Nguyên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh…
Trong 5 năm 2012-2017, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của 5 thành phố trực thuộc trung ương luôn ở trong nhóm có chất lượng điều hành rất tốt, tốt và khá. Đặc biệt, thành phố Đà Nẵng 4 năm liền giữ ngôi vị số 1. Trong khi đó, “top” 5 địa phương đứng cuối bảng đó là: Cao Bằng (58,89 điểm); Bắc Kạn (58,82 điểm); Lai Châu (58,82 điểm); Kon Tum (58,53 điểm); Bình Phước (56,70 điểm); Đắk Nông (55,12 điểm).
Như vậy có thể thấy bảng xếp hạng PCI năm 2017 đã có những thay đổi đáng kể. Theo đó, TP. Đà Nẵng đã xuống vị trí thứ 2 “nhường chỗ” cho Quảng Ninh. Trước đó, Đà Nẵng đã có 7 năm dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố. Điều tra PCI năm 2017 cũng cho thấy một tâm lý khá lạc quan khi 52% doanh nghiệp dân doanh sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, mức cao nhất từ năm 2011 trở lại đây.
Tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh có kế hoạch giảm quy mô hoặc cửa thấp, chỉ ở mức 8%. Điều này cũng khá rõ rệt đối với các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi có tới 60% doanh nghiệp cho biết có kế hoạch tăng quy mô kinh doanh tại Việt Nam, mức cao nhất từ năm 2011.
Tuy nhiên điều tra PCI cũng cho thấy, mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng môi trường kinh doanh theo PCI, vẫn còn những “điểm tối” như: Tính minh bạch của môi trường kinh doanh còn chưa cao, thiết chế pháp lý, hệ thống giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu...
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang lo lắng hơn về những phiền hà trong việc tiếp cận đất đai và sự rủi ro trong việc bảo đảm quyền sử dụng đất. Tình hình an ninh trật tự ở một số địa phương cũng là mối quan ngại cho nhiều doanh nghiệp… Các doanh nghiệp mong muốn, chính quyền các cấp tiếp tục duy trì đà cải cách môi trường kinh doanh của năm 2017 trong thời gian tới trong một số lĩnh vực như: thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy.
Cùng với đó, Việt Nam cần có chiến lược và chính sách hiệu quả để nâng cao chất lượng lao động, nhất là nhân lực trình độ cao, nhóm lao động mà các doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng. Cùng với việc công bố Bảng Xếp hạng Chỉ số PCI 2017, Báo cáo PCI 2017 dành phần quan trọng để phản ánh cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp về nỗ lực của các tỉnh, thành phố trong thực hiện các Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cũng công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên ý kiến đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân về tham nhũng trong khu vực công. Theo bảng xếp hạng này, Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107/180 toàn cầu.
Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), Cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam, cho rằng, việc tăng nhẹ điểm CPI trong hai năm liên tiếp (2016-2017) là chỉ báo tích cực đối với các nỗ lực phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong thời gian qua. Tuy nhiên, xét trên thang điểm từ 0 -100 của CPI, trong đó 0 là tham nhũng nghiêm trọng và 100 là rất trong sạch, vấn đề tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng.
Kết quả này cũng tái khẳng định đánh giá của Đảng và Nhà nước về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam: “Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân”.
Năm 2017, với những cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, công tác PCTN trong nước đã đạt được một số kết quả nổi bật, bao gồm việc xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về PCTN như tiến hành sửa đổi Luật PCTN hiện hành theo hướng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế./.
Cẩm Tú