Mặc dù Nghị quyết 42 đã trao quyền cho ngân hàng thu giữ tài sản, nhưng trên thực tế, chính quyền địa phương chưa vào cuộc mạnh mẽ (Ảnh TL)
Về vấn đề này, ông Trần Văn Dự, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho hay, dù Bộ Tài chính có văn bản 4606/BTC-TCT ngày 20/4/2018 về quán triệt thực hiện Nghị quyết 42 nhưng nội dung văn bản lại chưa hướng dẫn chi tiết về việc nộp thuế khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Chính vì vậy, vẫn còn đó khó khăn khi bán tài sản đảm bảo là vấn đề thuế.
Phó Tổng giám đốc Agribank phân tích, bán tài sản đảm bảo xong rồi nhưng người mua không lấy được tài sản đó về vì thuế chưa đóng. Do đó, cần phải có hướng dẫn pháp lý rõ ràng hơn về nộp thuế khi bán đấu giá tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, ông Trần Văn Dự cũng cho rằng, mặc dù Nghị quyết 42 đã trao quyền cho ngân hàng thu giữ tài sản, nhưng trên thực tế, chính quyền địa phương chưa vào cuộc mạnh mẽ.
Ông Dự dẫn chứng, nhiều trường hợp gia đình chỉ có duy nhất một căn nhà đem thế chấp ngân hàng để lấy vốn làm ăn nhưng không may việc kinh doanh bị thua lỗ. Khi đó, theo pháp luật căn nhà bị ngân hàng siết nợ. Lúc này, nếu quyết liệt thu giữ tài sản, ngân hàng sẽ bị lên án vì đẩy người dân vào cảnh không có nơi ở. Do vậy, rất khó để giải quyết những trường hợp này một cách hợp tình hợp lý.
Cùng chung quan điểm, lãnh đạo Vietcombank cho rằng, các cơ quan chức năng tại một số địa phương còn tâm lý e dè, chưa thực sự muốn phối hợp, tham gia hỗ trợ các tổ chức tín dụng thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 tái lập quyền thu giữ tài sản đảm bảo của bên nhận tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, khi khách hàng cố tình chống đối thì các tổ chức tín dụng vẫn phải khởi kiện để được quyền xử lý tài sản đảm bảo thông qua thi hành án.
Như vậy, các tổ chức tín dụng chỉ thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo thành công đối với một số trường hợp nhất định như: khách hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương mà tài sản đảm bảo không có tranh chấp; tài sản đảm bảo là đất trống… Điều này vô hình chung cũng hạn chế việc xử lý tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng. Lãnh đạo Vietcombank chia sẻ.
Phản hồi về những ý kiến trên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, khi Nghị quyết 42 được ban hành thì về cơ bản nhiều khó khăn vướng mắc đã được giải quyết, còn các khó khăn hiện nay là trong quá trình triển khai gặp phải. Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước hoặc vượt thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước sẽ có kiến nghị với Chính phủ.
Minh Thùy