Xử lý rác thải: Sao mãi như… gà mắc tóc!

Thứ năm, 23/07/2020 09:14 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nội đô Hà Nội đã ùn ứ rác thải sinh hoạt và chịu ô nhiễm nặng nề trong nhiều ngày khi người dân chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) giữa tháng 7 vừa qua. Đà Nẵng, TP.HCM,… cũng gặp tình trạng tương tự. Điều kỳ lạ là cả chính quyền và người dân vẫn như... gà mắc tóc.

Sự kiện: rác thải

1. Tối 13/7, người dân một số xã ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã dựng lều bạt, chặn không cho các xe chở rác vào Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn. Nguyên nhân chính là do từ ngày 5/6 đến ngày 8/7, trạm xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Nam Sơn dừng vận hành, nước rỉ rác bị ứ đọng, bốc mùi hôi thối. Bên cạnh đó, việc Hà Nội chậm trễ trong chi trả tiền giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư,… đối với dân cư trong bán kính 500m quanh bãi rác khiến người dân bức xúc.

Đến chiều 17/7, sau cuộc đối thoại với lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, người dân đã tháo dỡ lều bạt, thu dọn các vật dụng ngăn cản, các xe chở rác đã đưa rác vào bãi rác Nam Sơn, diễn biến những ngày mưa sắp tới vẫn chưa thể đoán lường.

Bãi rác Đa Phước, một trong những nguồn phát thải ô nhiễm không khí nghiêm trọng ra khu Nam Sài Gòn, TP.HCM - Ảnh. Tuổi Trẻ.

Bãi rác Đa Phước, một trong những nguồn phát thải ô nhiễm không khí nghiêm trọng ra khu Nam Sài Gòn, TP.HCM - Ảnh. Tuổi Trẻ.

Tại Đà Nẵng, bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu) vì ở quá gần khu dân cư, lại đặt ở trên sườn dốc nên tình trạng ô nhiễm luôn báo động, bao gồm ô nhiễm không khí do mùi hôi thối và ô nhiễm nguồn nước do nước rỉ rác.

Tình trạng khi trời mưa là nước thải từ bãi rác tràn ra khu dân cư, hay cứ sáng sớm là mùi hôi thối nồng nặc, người dân phản ánh liên tục nhưng không được giải quyết. Hầu như nhà dân trong phạm vi 500m kể từ bãi rác đều phải đóng cửa kín suốt ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân, nhất là trẻ em và người cao tuổi.

Tại TP.HCM, cứ đến mùa mưa là người dân Phú Mỹ Hưng và khu vực phía Nam Sài Gòn lại phải hứng chịu mùi hôi thối kinh khủng từ phía bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh).

Hình ảnh bãi biển ở Thanh Hóa đầy rác trong bài báo trên tờ Reuters tháng 4/2018

Hình ảnh bãi biển ở Thanh Hóa đầy rác trong bài báo trên tờ Reuters tháng 4/2018

Trên các trang facebook cá nhân, diễn đàn dân cư tại các khu dân cư như: Happy Vallay, Chateau, Riviera Point, Lacasa, Mỹ Thái 2, Cảnh Viên, Era Town, Bellaza, Hoàng Anh An Tiến, Hoàng Anh Gia Lai, Silver Star - Hưng Phát, Trung Sơn, Hạnh Phúc,… ở Bình Chánh, Nhà Bè, quận 7, quận 8 đều cùng nhau lên tiếng phản đối mạnh mẽ về tình trạng “bốc mùi” này.

Đó là vấn đề quy hoạch, tầm nhìn, khi mà hai đại đô thị đã để cho một bộ phận không nhỏ người dân sinh ra, lớn lên và hít thở giữa… rác và mùi hôi thối.

2. Có một điểm chung giữa các khu xử lý rác thải lớn của Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM là đều thực hiện chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, yếu kém trong xử lý nước rỉ rác, ngăn mùi hôi phát tán, đều quá tải và đều bị phản ánh ô nhiễm nghiêm trọng.

Tại Hà Nội, Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (thường gọi là bãi rác Nam Sơn) quy mô hơn 157ha, tiếp nhận khoảng 4.000 tấn rác/ngày. Theo báo cáo của HĐND TP. Hà Nội, khoảng 89% chất thải rắn sinh hoạt hiện được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện chiếm khoảng 11% và chỉ đạt 43% so với công suất thiết kế. Thêm nữa, các nhà máy đốt rác không phát điện công nghệ đã lạc hậu, thường xuyên hư hỏng; công nghệ chế biến rác thải, sản xuất phân vi sinh đã ứng dụng nhưng không hiệu quả;…

Núi rác khổng lồ Đa Phước ngày càng phình to, xung quanh là kênh rạch chằng chịt. Ảnh. VOV

Núi rác khổng lồ Đa Phước ngày càng phình to, xung quanh là kênh rạch chằng chịt. Ảnh. VOV

Đáng chú ý, các bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) và Xuân Sơn (Sơn Tây) đều đang phải khai thác gần hết công suất các bãi chôn lấp, dự báo đến hết năm 2020 nếu không có giải pháp công nghệ thay thế thì sẽ phải đóng cửa.

Tại Đà Nẵng, bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu) diện tích 13,83ha, tiếp nhận và chôn lấp hơn 1.100 tấn rác sinh hoạt/ngày cùng hàng trăm tấn rác thải y tế và công nghiệp. TP. Đà Nẵng đã liên tục có những giải pháp như mở rộng, nâng công suất, nhưng theo dự báo lượng chất thải rắn sinh hoạt của thành phố đến năm 2025, 2030,… thì các bãi rác hiện hữu sẽ nhanh chóng quá tải.

Đáng buồn hơn, dù được đánh giá là người tiên phong trong kêu gọi đầu tư công nghệ để xử lý rác thải, nhưng hơn 10 năm qua, Đà Nẵng vẫn chỉ có một nhà máy đốt rác phát điện công nghệ lỗi thời buộc phải dừng hoạt động.

Việt Nam đứng top 5 châu Á, thứ 17 thế giới về ô nhiễm rác nhựa - Ảnh. IT

Việt Nam đứng top 5 châu Á, thứ 17 thế giới về ô nhiễm rác nhựa - Ảnh. IT

Tại TP.HCM, Đa Phước là bãi rác lớn nhất đang xử lý khoảng 5.000 tấn rác/ngày bằng công nghệ chôn lấp, thực hiện bởi Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), dự báo sẽ đầy công suất thiết kế và đóng cửa năm 2024.

Theo Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng, VWS đã xử lý rác cho thành phố trong một thời gian dài, nhưng thời điểm này công nghệ chôn lấp không còn phù hợp, phải được điều chỉnh theo lộ trình. Thành phố đang cố gắng giải quyết những vấn đề lịch sử để lại…

Hiện tại, TP.HCM đang kích hoạt các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện, đặt ra lộ trình sẽ giảm tỉ lệ xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp còn 50% vào năm 2020 (hiện chôn lấp khoảng 76%) và 20% vào năm 2025. Nhưng cần nhớ, TP.HCM đã không thành công (nếu không muốn nói là thất bại) với các kế hoạch phân loại rác tại nguồn. Muốn đốt rác hiệu quả thì phải phân loại rác tại nguồn bởi không phải cái gì cũng đốt được, đốt hết thì phí xử lý chất độc như dioxin cực kỳ tốn kém…

3. Theo thống kê của Bộ TN&MT, mỗi năm Việt Nam thải ra 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp, là nguyên nhân gây ô nhiễm, quá tải. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho rằng: Đốt rác phát điện là lựa chọn tối ưu, giúp giảm đáng kể thể tích rác, giảm diện tích chôn lấp, giảm phát thải ra môi trường, biến rác thải thành tài nguyên thứ sinh...

Thực tế, nhiều địa phương đã và đang khởi động các nhà máy đốt rác phát điện để xử lý rác thải sinh hoạt. Cụ thể, ở TP. Cần Thơ, nhà máy Xử lý rác phát điện Cần Thơ (xã Trường Xuân, huyện Thới Lai) đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2018, với công suất xử lý 400 tấn rác và phát 150.000 kWh điện/ngày. Tại Bắc Ninh, một nhà máy đốt rác phát điện cũng đã được khởi công, dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ tiếp nhận xử lý 500 tấn rác/ngày đêm…

Đáng chú ý là TP.HCM hiện đã khởi công 4 dự án: Nhà máy đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn/ngày của Công ty Vietstar; Nhà máy đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày của Công ty Tâm Sinh Nghĩa; Nhà máy xử lý và tái chế chất thải công nghiệp - nguy hại 500 tấn/ngày của Công ty Mộc An Châu; Cụm nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt - công nghiệp - nguy hại 1.120 tấn/ngày của Công ty Tasco Củ Chi. Các nhà máy này đều dự kiến sẽ vận hành vào cuối năm 2020, góp phần đáng kể giúp giảm thiểu ô nhiễm rác tại đô thị lớn nhất nước này.

Bộ TN&MT kỳ vọng, đến năm 2025, Hà Nội và TP.HCM sẽ cơ bản chuyển sang đốt thu hồi năng lượng là chính, giảm tỷ lệ chôn lấp còn 20%.

Đó là những tín hiệu chuyển đổi đáng mừng, nhưng theo cảnh báo của các chuyên gia, công nghệ xử lý rác nào cũng tiềm ẩn nguy cơ về ô nhiễm khí thải, nhất là phát thải các hợp chất dioxin, furan... Do đó, Việt Nam cần có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xử lý rác thải, nhưng đồng thời cũng cần đưa ra hàng rào kỹ thuật để có được các công nghệ tiên tiến, an toàn. Bên cạnh đó, giám sát hoạt động đốt rác theo các quy chuẩn là yêu cầu vô cùng quan trọng, cần phải có công cụ đủ mạnh, phải đủ năng lực giám sát!

Quay lại sự việc Hà Nội ùn ứ rác thải, hay cả Nam Sài Gòn rộng lớn của TP.HCM ngập ngụa trong mùi hôi thối từ phía bãi rác Đa Phước, đó cũng là lời cảnh tỉnh cho người dân về ý thức, trách nhiệm trong hạn chế phát thải rác; tự phân loại rác tại nguồn để hỗ trợ công nghệ đốt rác phát điện, tái chế; tự tái sinh vòng đời cho đồ cũ, tái chế rác thải để tránh lãng phí, giảm sự phụ thuộc vào việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên;…

Lúc này đây, khi ta ném rác thải ra môi trường bên ngoài, thì lập tức rác thải chất đống và bốc mùi trước cửa nhà, hay tỏa mùi ra cả bầu không khí như đang xảy ra tại khắp các đô thị, thì việc giải quyết ô nhiễm môi trường phải là nghĩa vụ và trách nhiệm của tất cả chúng ta, giải quyết ngay, giải quyết nhanh chứ không thể mãi trong cảnh như… gà mắc tóc.

Kiên Giang

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn