(Congluan.vn) - Cơ quan chức năng đã kiểm tra xử lý và phát hiện ra thêm những trường hợp sử dụng bằng THPT giả. Các cán bộ này tuy học hết cấp 3 nhưng thi không đậu nên nhờ người quen làm giùm bằng tốt nghiệp THPT. Họ sử dụng bằng giả để đủ tiêu chuẩn làm cán bộ xã.
Theo thông tin từ Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An thì tỉnh này đã xử lý kỷ luật 13 cán bộ thuộc 7 xã của huyện Thanh Chương do sử dụng bằng tốt nghiệp cấp THPT giả để học các văn bằng cao hơn. 13 cán bộ bị kỷ luật chủ yếu là Phó Chủ tịch mặt trận, Hội nông dân, Trưởng phòng nông nghiệp xã. Những người này khai không đúng sự thật về trình độ học vấn của mình trong hồ sơ nhằm che mắt chính quyền.
Và mới đây, lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Đắk Nông xác nhận rằng đã ra quyết định cách chức ủy viên thường vụ, ủy viên ủy ban kiểm tra Đảng ủy phòng tham mưu, trực thuộc Đảng bộ quân sự tỉnh đối với thượng tá Lê Minh Quý - Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông.
[caption id="attachment_28114" align="aligncenter" width="454"]
Hình ảnh các phôi bằng và con dấu giả. Nguồn : internet[/caption]
Thượng tá Lê Minh Quý (quê ở xã Tam Phú, huyện Tam Kỳ, Quảng Nam) nhập ngũ năm 1992 khi mới tốt nghiệp THCS. Từ năm 1998 - 2001, ông Quý công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự huyện Krông Nô (thuộc tỉnh Đắk Lắk cũ, nay là tỉnh Đắk Nông). Trong hồ sơ, thượng tá khai đã hoàn thành việc học bổ túc cấp 3 và được cấp bằng tốt nghiệp THPT tại Trung tâm GDTX Q.Thủ Đức (TP.HCM). Thế nhưng đó là bằng tốt nghiệp THPT giả, ông đã sử dụng bằng này để đi học các lớp trung cấp, đại học và được bổ nhiệm các chức vụ.
Sau khi ông Quý trúng cử vào chức vụ chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy phòng tham mưu. Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy đã tiến hành kiểm tra theo đơn tố cáo việc ông Quý sử dụng bằng THPT ( hệ bổ túc) giả. Đơn vị phát hiện ông Quý sử dụng bằng giả để đưa vào hồ sơ công tác, đi học.
Cũng tại Đắc Nông, trước đó huyện ủy huyện Tuy Đức (Đắk Nông) cũng đã phát hiện 10 cán bộ tại xã Quảng Tân (Tuy Đức) sử dụng bằng cấp 3 giả. Các cán bộ xã này sử dụng bằng giả đều là các lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của xã Quảng Tân như: Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND, HĐND, Trưởng công an xã…
Các cán bộ này tuy học hết cấp 3 nhưng thi không đậu nên nhờ người quen làm giùm bằng tốt nghiệp THPT. Họ sử dụng bằng giả để đủ tiêu chuẩn làm cán bộ xã. Hiện những lãnh đạo, cán bộ xã làm giả bằng đã tự nguyện rút khỏi Ban chấp hành Đại hội Đảng bộ xã và chờ hình thức kỷ luật từ cấp trên.
Nhà chức trách và những cơ quan chức năng thẩm quyền cần phải kiểm tra ra soát lại và xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng bằng cấp giả ảnh hưởng lòng tin của dân đối với các cấp chính quyền.
- Theo khoản 3, Điều 16, Nghị định 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục người có hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là thu hồi văn bằng, chứng chỉ vi phạm.
- Ngoài ra, người làm bằng giả và sử dụng bằng giả còn có thể bị khởi tố theo điều 267 của Bộ luật hình sự:
“ Điều 267. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.”
Quỳnh My