Theo số liệu tổng kết của Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam (Vicofa), lượng cà phê xuất khẩu dự kiến cả năm là 1,15 triệu tấn với kim ngạch khoảng 1,75 tỷ USD, tăng 14,9% về lượng và giảm 19,2% về giá trị. Nếu DN bắt tay với nông dân, cả ngành cà phê sẽ tăng thêm 10-15% giá trị, đạt khoảng 2 tỷ USD thay cho mức 1,8 tỷ USD như hiện nay.
Nông dân “nhạy” hơn doanh nghiệpTheo ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cà phê Thái Hòa, trong nhóm nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, duy nhất cà phê là có chuyện ngược “nông dân ép giá DN”. DN đã “lỡ” ký hợp đồng theo phương thức trừ lùi (áp dụng cho các hợp đồng giao xa mà nhà nhập khẩu thường ứng trước 70% số tiền của hợp đồng cho nhà xuất khẩu, phần còn lại được tính toán khi giao hàng và chốt giá dựa vào giá cà phê giao dịch trên thị trường kỳ hạn London).
Chẳng hạn như hồi tháng 6 vừa qua, giá cà phê đột ngột giảm xuống mức 1.330 USD một tấn, nông dân thấy giá cà phê giảm giữ lại không bán giá thấp, còn DN bị các nhà đầu cơ “bắt thóp”. Dù không muốn nhưng DN vẫn phải giao hàng theo đúng hợp đồng, mà theo tính toán phải bán được mức giá 1.700 USD một tấn thì mới có lãi. Ông An cho biết, thực tế nhiều DN xuất khẩu cà phê dù bán được hàng nhưng chỉ bằng 50% giá so với giá tại thị trường thế giới.
75% lượng cà phê của Việt Nam không đạt chuẩn về chất lượng nên thường bị các nhà nhập khẩu ép giá. Ảnh: Đăng Thư. Ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty Cà phê Thắng Lợi (Dăk Lăk) bức xúc: Sở dĩ nhiều DN xuất khẩu thua thiệt lớn trong thời gian qua là do áp dụng phương thức bán trừ lùi. Ông Thái cho biết, có khi mức trừ lùi tới gần 300 USD, DN cụt cả vốn nói gì đến chuyện có lãi! Một nguyên nhân khác khiến cà phê của Việt Nam xuất khẩu thua thiệt được đại diện Công ty Vinacaphe phân tích, đó là: Hễ vào vụ thu hoạch là DN ào ạt mua vào rồi lại bán ra. Việc mua bán chóng vánh trong vòng 4-6 tháng đã khiến các nhà xuất khẩu cà phê trong nước tự tạo ra hàng loạt áp lực (vốn, giá, thị trường…) cho chính mình. Thế nên, mặc dù doanh nghiệp bán hết hàng nhưng cũng chẳng thấy tiền đâu, thay vào đó nên có sự điều phối duy trì trong cả năm sẽ khó có thể chịu thua thiệt như hiện nay.
Nên có giá sàn xuất khẩu?Theo tính toán của ông Lương Xuân Tự, Chủ tịch Vicofa, nếu căn cứ vào mức giá vật tư đầu vào hiện nay, người nông dân phải bỏ ra khoảng trên 20.000 đồng cho 1kg cà phê thành phẩm. Để người trồng cà phê có lãi thì giá bán tối thiểu phải ở mức 25.000 đồng một kg, tương đương với mức giá xuất khẩu 1.400 USD một tấn (FOB). Thế nhưng, trong suốt thời gian qua, giá cà phê trong nước chỉ dao động từ 23.000 – 24.000 đồng một kg, khiến diện tích cà phê nhiều vùng có xu hướng giảm.
Một số DN đề xuất việc xuất khẩu mặt hàng này nên xây dựng khung giá sàn để giảm thiểu những rủi ro không đáng có. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu trong nước, do là một tổ chức xây dựng trên cơ sở đồng thuận giữa các thành viên, không có những chế tài vì thế khó có thể ràng buộc bằng hình thức giá sàn.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), có tới 75% lượng cà phê của Việt Nam không đạt chuẩn về chất lượng, trong khi Indonesia chỉ có 9%. Điều này khiến các nhà nhập khẩu lấy cớ để ép giá các DN của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn An cho rằng nguyên nhân chính là DN hiện nay chỉ lo mua được hàng để bán, không quan tâm đến việc thu hái, bảo quản của nông dân. Trong khi đại đa số nông dân quan niệm “xanh nhà hơn già đồng”, thu hái ngay cà lúc cà phê chưa chín, rồi phơi ngay trên nền đất… nên chất lượng thấp. Vị Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cà phê thái Hòa cho biết nếu DN bắt tay với nông dân, thu hái cà phê chín, chế biến cà phê tươi (thay vì mua cà phê nhân như hiện nay) thì mỗi tấn cà phê DN có thể thu lợi thêm ít nhất 300 USD. “Cả ngành cà phê sẽ tăng thêm 10 – 15% giá trị tức là sẽ đạt khoảng 2 tỷ USD chứ không phải gần 1,8 tỷ USD như hiện nay”, ông An khẳng định.
(Theo Báo Đất Việt)