Những con số ấn tượng
Báo cáo mới nhất của Tổng Cục thống kê cho biết, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7/2018 ước tính đạt 19,50 tỷ USD. Mặc dù con số này giảm so với tháng 6 là 1,7%, song đây vẫn là con số tăng trưởng khá khả quan, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5,85 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,65 tỷ USD. Tính chung 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 133,69 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 39,03 tỷ USD, tăng 18,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 94,66 tỷ USD (chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 14%.
Theo đánh giá chung của Tổng cục Thống kê, 7 tháng qua, cán cân thương mại hàng hóa vẫn duy trì xuất siêu với 3,1 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,2 tỷ USD. Điểm đáng chú ý, mục tiêu của chúng ta là đến năm 2020 sẽ cân bằng cán cân thương mại, nhưng liên tục trong vài năm gần đây ta đã có xuất siêu.
Xuất siêu là dấu hiệu đáng mừng để bảo đảm dự trữ ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô. Đáng chú ý, ta xuất siêu mạnh sang nhiều thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… Tất cả các thị trường này đều là những thị trường đòi hỏi cao về chất lượng hàng hóa. Nhìn đi nhìn lại, trong bức tranh xuất khẩu, khu vực DN FDI vẫn giữ vai trò chủ đạo và nền kinh tế nhập siêu cũng là dựa vào khu vực DN này. Trong khi đó, khu vực DN trong nước vẫn đang phải nhập siêu.
Nhận định về những điểm sáng của bức tranh xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, kết quả xuất siêu mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua là rất lạc quan, song chưa thể xem là bền vững. Việt Nam là nền kinh tế gia công, xuất khẩu vẫn đang phải phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên phụ liệu. Trong khi đó, nền công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh, xuất siêu vẫn chủ yếu dựa vào khu vực DN FDI và DN FDI xuất siêu thì Việt Nam mới xuất siêu. Như vậy, xuất siêu thiếu sự bền vững.
Để xuất siêu bền vững phải xây dựng bằng được ngành công nghiệp hỗ trợ. (Ảnh: TL).
Đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ Để xuất siêu bền vững, đồng thời đạt được mục tiêu cân bằng cán cân thương mại trong thời gian tới, rất cần thiết phải xây dựng bằng được ngành công nghiệp hỗ trợ. Chỉ có công nghiệp hỗ trợ mới có thể giúp Việt Nam giảm nhập khẩu. Đơn cử, khi sản xuất ô tô, xe máy, Việt Nam tự sản xuất lốp, bánh, linh phụ kiện… Yếu tố thứ hai, DN trong nước phải giảm nhập siêu, DN trong nước phải sử dụng các nguyên phụ liệu, linh phụ kiện trong nước, từ đó mới giảm được nhập khẩu. Muốn vậy, ngoài thực sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, cần có chính sách khuyến khích, tạo động lực để DN giảm nhập khẩu, phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ nước ngoài.
Đưa ra giải pháp để xuất siêu bền vững, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân có vai trò rất quan trọng với nền kinh tế, do đó cần tạo điều kiện, động lực phát triển hơn nữa cho khu vực kinh tế này. Việc Chính phủ đang nỗ lực cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động của DN cũng đang giúp cho khu vực kinh tế này vươn lên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nhiều DN vẫn đang khắc khoải để chờ đợi thời gian thực thi việc loại bỏ những điều kiện kinh doanh mà nhà quản lý đã quyết.
Có thể mất 2 năm, thậm chí 3 hoặc 4 năm và hơn nữa để ra được một nghị định hoặc quy định về bãi bỏ điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian vài năm chờ đợi này đủ để hàng vạn doanh nghiệp mất đi cơ hội của mình. Chính vì vậy nhiều chuyên gia kinh tế, cộng đồng DN cho rằng, động thái cắt giảm các điều kiện kinh doanh của nhà quản lý cần phải đi đôi với hành động một cách mạnh mẽ hơn. Khu vực DN tư nhân có thể phát triển mạnh hay không phụ thuộc rất lớn vào môi trường kinh doanh có tốt, có thông thoáng hay không.
Duy Hưng