(Congluan.vn) - Nhiều năm trở lại đây, nền y học Việt Nam đã có những bước tiến mới trong lĩnh vực nghiên cứu y học và áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc cấp cứu khám chữa bệnh. Cũng như những chính sách y tế cho người bệnh, đặc biệt là người nghèo và cận nghèo...
Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm trao Giải thưởng Thành tựu trọn đời lĩnh vực Y dược cho PGS, TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN
Nghiên cứu sáng tạo tiến tới chuẩn quốc tế
Là một trong những ngành nghề được xã hội quan tâm nhất, và cũng không kém phần quan trọng trong các ngành nghề. Những năm qua, y tế Việt Nam luôn được chú trọng để đầu tư, phát triển mạnh các các công trình nghiên cứu khoa học, tiếp cận nắm bắt và ứng dụng những thành tựu khoa học và nền công nghệ hiện đại. Tất cả những điều này đã từng bước đưa nền y học nước ta đạt được những trình độ nhất định trong khu vực và thế giới. Việt Nam cũng là một trong bốn nước có nền y học cổ truyền lớn nhất thế giới bao gồm: Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản.
26 công trình nghiên cứu khoa học áp dụng vào khám chữa bệnh vừa được công nhận vừa qua, đã phần nào nói lên được trình độ của nền y học cũng như tâm huyết của đội ngũ các y bác sỹ, thầy thuốc Việt Nam. Nhiều lĩnh vực được đầu tư nghiên cứu cách khám chữa mới như can thiệp tim mạch, ung bướu, nội soi phẫu thuật, ghép tạng, can thiệp chấn thương chỉnh hình, ứng dụng tế bào gốc, hỗ trợ sinh sản, nhãn khoa…Trong đó, việc định hướng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh được ngành y tế xác định rõ ràng theo tiêu chí “công bằng, hiệu quả, phát triển, kết hợp phát triển dịch vụ khám, chữa bệnh phổ cập với phát triển y tế kỹ thuật cao, y tế chuyên sâu. Đảm bảo cho mọi người dân đều có thể tiếp cận được các dịch vụ y tế, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của người dân.
Một trong những công trình nghiên cứu có thành tựu nổi bật đáng kể đến nhất đó là ghép tạng. Sau ca phẫu thuật đầu tiên cách đây hơn 20 năm, đến nay ghép tạng đã thực hiện được gần 100 ca về cấy ghép gan, ghép thận và ghép tim. Đây là kết quả tổng hợp của các chuyên ngành nội, ngoại, gây mê hồi sức, xét nghiệm, miễn dịch….Có thể nói đây là công trình dành lấy sự sống cho bệnh nhân, khi họ đã bị mắc những chứng suy tạng giai đoạn cuối, không thể nào duy trì sự sống nếu không thực hiện cấy ghép, thay tạng mới.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế thăm, tặng quà cho bệnh nhân Phan Hữu Được bị ung thư gan được bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phẫu thuật ghép tạng. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN
Những năm gần đây, ghép tạng đã đạt được trình độ cao về kỹ thuật cũng như theo dõi tạng ghép sau mổ. Con số bệnh nhân được ghép tạng ngày càng cao, cả nước có đến 20 bệnh viện có thể thực hiện được ghép tạng, bao gồm 12 bệnh viện ghép thận, 5 bệnh viện ghép gan và 3 bệnh viện ghép tim. Điều này đã chứng minh được sự tiến bộ trong y học Việt Nam.
Những công trình nghiên cứu khác cũng được áp dụng như huyết học, thụ tinh trong ống nghiệm, lĩnh vực nhi khoa, sinh sản, chấn thương chỉnh hình… đều là những bước tiến mới của thành tựu y học Việt Nam. Về huyết học, cho đến nay, chỉ tính riêng Viện Huyết học TP.HCM cũng đã ghép được hơn 100 ca, ngoài ra đến nay các thầy thuốc chuyên ngành này đều thực hiện được các phác đồ chẩn đoán và điều trị tốt, hiện đại, cập nhật với trình độ quốc tế của hầu hết các nhóm bệnh lý chuyên khoa huyết học, như: Ðau tủy xương, Ulympho ác tính, Suy tủy xương, Lơ-xê-mi, Hội chứng rối loạn sinh tủy, Hemophilia... Cũng như áp dụng được nhiều phương pháp điều trị hiện đại nhất của thế giới, như: Điều trị nhắm đích, điều trị đông máu rải rác trong lòng mạch, ghép tế bào gốc đồng loại, diệt tủy tối thiểu bằng tế bào gốc lấy từ máu ngoại vi... Với kết quả đó, nhiều người bệnh đã và đang điều trị ở nước ngoài quay về điều trị trong nước. Một số người nước ngoài cũng sang Việt Nam để điều trị bệnh máu.
Hơn 10.000 trẻ em ra đời nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm trong vòng 15 năm qua, và hiện tại, Việt Nam là đất nước thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.
Đối với lĩnh vực nhi khoa, Việt Nam đã có những bác sỹ làm thầy dạy cho nhiều bác sỹ khác trên thế giới, cũng như chuyển giao công nghệ cho các nước. Tiêu biểu nhất là BS, GS Nguyễn Thanh Liêm (bệnh viện nhi TW, với công trình nghiên cứu đề xuất bảy kỹ thuật mổ hoàn toàn mới mà trên thế giới chưa ai thực hiện. Với cụm công trình này, ông được đồng nghiệp thế giới đánh giá cao. Ngoài các học trò ở trong nước, nhiều bác sĩ từ nước ngoài đến Việt Nam nhờ ông hướng dẫn. Ông cũng được mời đi giảng dạy tại nhiều trường đại học danh tiếng ở Mỹ, Nhật Bản, I-ta-li-a, Ô-xtrây-li-a, ở nhiều hội nghị quốc tế, được mời viết sách giáo khoa về phẫu thuật nhi xuất bản tại Anh và Mỹ.
Hơn 10.000 trẻ em ra đời nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm trong vòng 15 năm qua, và hiện tại, Việt Nam là đất nước thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.
Chính sách y tế - nỗ lực vì sức khỏe người dân
Bên cạnh đó, y học cổ truyền cũng có nhưng bước tiến mới không thua kém. Nổi bật có công trình kết hợp thuốc y học cổ truyền với khâu triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler của Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, công trình ứng dụng kỹ thuật điện châm, thủy châm trong điều trị giảm đau sau phẫu thuật, ung thư vòm họng giai đoạn cuối… của bệnh viện Châm cứu Trung ương. Sản xuất vac-xin, thuốc chữa bệnh, sinh phẩm y tế, ngành y tế cũng đạt được một số thành tựu lớn.
Lĩnh vực dược cũng tập trung nhiều công trình nổi bật, trong đó có công nghệ chế bào mới, hiện đại đã được nghiên cứu áp dụng vào sản xuất như công nghệ đông khô, công nghệ sinh khối tế bào, công nghệ chiết xuất siêu tới hạn.
Thời gian qua, y tế đã có nhiều chính sách ưu đãi để người cận nghèo được tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Nhờ vậy, người nghèo khi tham gia khám chữa bệnh sẽ được hỗ trợ một phần chi phí từ phía nhà nước. Theo đó, từ năm 2009, Nhà nước hỗ trợ 50% mức phí khi tham gia BHYT, nâng mức hỗ trợ lên 70% từ ngày 1-1-2012 và kể từ ngày 1-1-2013 hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho một số đối tượng thuộc hộ cận nghèo. Chính sách ưu đãi này không chỉ giúp cho người nghèo được tiếp cận với các diện khám chữa bệnh mà còn thể hiện rõ sự nỗ lực tất cả vì sức khỏe của người dân. Là một trong những giải pháp thực hiện chiến lược giảm nghèo bền vững.
Hạ Du – Trần Hồng (Tổng hợp)