Đừng làm “méo mó” mô hình đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài!

Thứ năm, 08/11/2018 11:14 AM - 0 Trả lời

(CLO) Mô hình đưa cán bộ đi học tập kinh nghiệm nước ngoài là việc làm thiết thực và sẽ mang lại nhiều hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương. Nhưng lợi dụng chủ trương đúng này, nhiều cơ quan, tổ chức đang “biến tướng” thành những cuộc tham quan, nghỉ mát, gây bức xúc cho dư luận, đặc biệt “bào mòn” ngân sách Nhà nước.

Sự việc là tâm điểm chú ý của dư luận mới đây, ngày 3/11, UBND TP HCM vừa có quyết định kỷ luật đối với ông Lê Tấn Hùng, Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI). Ông Hùng phải chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo vì đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc kế toán (quy định tại khoản 4, điều 6 Luật Kế toán năm 2003). Ngoài những sai phạm trong việc cho thuê đất và hợp tác đầu tư chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, đầu tư kinh doanh trên đất ngoài ngành…cơ quan thanh tra cũng xác định ông Lê Tấn Hùng và Nguyễn Thị Thúy (kế toán trưởng của SAGRI) đã ký và chi khống hơn 13 tỷ đồng cho hàng chục cán bộ của SAGRI đi học tập nước ngoài. Cụ thể, trong năm 2016, ông Hùng đã ký 10 hợp đồng tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài (tổng giá trị hơn 13 tỷ đồng) với Công ty Thương mại dịch vụ Hòa Bình quốc tế và Công ty du lịch Thanh niên xung phong. Tuy nhiên, 22 người không tham gia chuyến đi, 40 trong 70 người tham gia chuyến đi nước ngoài không có trong danh sách, số còn lại không có thông tin trên hệ thống xuất nhập cảnh.

Vụ việc cũng xảy ra ở Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn – TNHH MTV (Samco). Kiểm tra 2 năm, theo Thanh tra TPHCM, mỗi năm Samco tổ chức hàng chục đợt cho cán bộ, nhân viên đi nước ngoài với số tiền hàng tỉ đồng để học tập kinh nghiệm nhưng lại không đủ chứng từ chứng minh…Cụ thể, theo kết luận vừa công khai của Thanh tra TPHCM, trong 2 năm 2015-2016, tổng số đợt đi tham quan học tập công tác nước ngoài của lãnh đạo, nhân viên Samco và các Cty thành viên lên tới 87 đợt. Tổng tiền chi năm 2015 cho 33 đợt đi nước ngoài gần 5 tỉ đồng; chi năm 2016 hơn 5,3 tỉ đồng và 6 tháng năm 2017 (tính đến thời điểm thanh tra) hơn 2,5 tỉ đồng.

Báo Công luận
Tỉnh Thanh Hóa cử một đoàn cán bộ tham gia chương trình quảng bá tại Mỹ, dự chi ban đầu là hơn 1,7 tỷ 

Báo điện tử Congluan.vn cũng đã từng thông tin khi dư luận trên địa bàn huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa tỏ ra hết sức bất bình trước việc bà Lê Thị Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký hai quyết định cho 16 đồng chí là lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của huyện Hậu Lộc đi nước ngoài. Điều càng khó hiểu là UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định cho cả những đối tượng đã nghỉ hưu nhưng vẫn lập danh sách cho việc đi nước ngoài để khảo sát thị trường… Hay câu chuyện tỉnh Thanh Hóa cử một đoàn cán bộ tham gia chương trình quảng bá tại Mỹ, dự chi ban đầu là hơn 1,7 tỷ. Việc này đã gây xôn xao dư luận. Dù số tiền được duyệt đã giảm hơn 1 tỷ đồng so với dự chi ban đầu, nhưng câu chuyện phải chi kinh phí tiền tỷ cho các đoàn cán bộ đi khảo sát, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài vẫn còn gây tranh cãi...

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2012-2016, các Bộ Tài chính, Công Thương, Thông tin-Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 20 kế hoạch tổ chức đoàn đi nước ngoài; các tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Nai và Tiền Giang ban hành 22 kế hoạch tổ chức đoàn đi nước ngoài. Các đơn vị này đã cử hơn 17.500 đoàn, gần 53.000 lượt cán bộ với tổng kinh phí trên 1.200 tỉ đồng. Trong đó 4 bộ ngành cử trên 14.600 đoàn, gần 42.000 lượt cán bộ và tổng kinh phí trên 1.000 tỉ đồng.

Theo kết quả thanh tra, các bộ ngành, địa phương đã tổ chức nhiều đoàn đi nước ngoài không nằm trong chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại được duyệt; còn nhiều đoàn đi với nội dung đi khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng thực chất là kết hợp đi tham quan, du lịch; nhiều đoàn thuộc ngành y tế, giáo dục đi nước ngoài theo thư mời đài thọ của doanh nghiệp… Qua đó, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý tương xứng với vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan; đồng thời chuyển Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét trách nhiệm cụ thể của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã quyết định, tham gia các đoàn đi nước ngoài không đúng quy định.

Chỉ thị số 21 ngày 21.12.2012 của Ban Bí thư về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã yêu cầu chấn chỉnh việc cử đoàn đi tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài. Theo đó, việc đi nước ngoài cần phải có mục đích, nội dung, kế hoạch rõ ràng, tránh trùng lặp với các đoàn đi trước; trong một năm đi nước ngoài tối đa là hai lần, trừ trường hợp có nhu cầu đột xuất, hoặc công việc thật cần thiết. Không bố trí hai lãnh đạo chủ chốt của một bộ ngành, địa phương cùng tham gia một đoàn đi công tác nước ngoài.

Ngoài ra, các lãnh đạo chủ chốt của bộ ngành, địa phương không tham gia đoàn của các doanh nghiệp đi nước ngoài hoặc do các doanh nghiệp nước ngoài mời đích danh. Các cơ quan, đơn vị không được tổ chức các chuyến tham quan, du lịch nước ngoài cho cán bộ bằng ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, bằng cách này hay cách khác, những mô hình đi học tập, khảo sát ở nước ngoài nhưng thực chất là tham quan, du lịch vẫn đang được “ngầm hóa” thực hiện và đồng nghĩa với sự lãng phí không nhỏ, bào mòn ngân sách nhà nước và quan trọng hơn nữa, đó là lòng tin của nhân dân vào bộ máy công bộc bị suy giảm, bởi sau những chuyến đi dài ngày của các đội ngũ cán bộ, kinh nghiệm đọng lại chỉ là những kỷ niệm của chuyến đi xa.

Trả lời báo chí, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), các doanh nghiệp bỏ tiền tài trợ cho các quan chức đi công tác, học tập ở nước ngoài có nhiều mục đích, nhưng mục đích chính là xây dựng các mối quan hệ và đem lại lợi ích trước mắt và lâu dài cho doanh nghiệp.

“Từ việc xây dựng các mối quan hệ với các quan chức, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp có thể trở thành những doanh nghiệp “cánh hẩu”, thân hữu, thậm chí là “sân sau” của các nhóm lợi ích. Có thể họ sẽ được chỉ định thầu trong việc nhận thầu các dự án, tăng khống các chi phí đầu vào, được giảm trừ các khoản chi phí, giảm nghĩa vụ đóng thuế…”, ông Thịnh nói và cho rằng việc này là trái quy định.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nói, từ khi Luật DN năm 1999 có hiệu lực đến nay đã có hàng ngàn cuộc hội thảo, chuyến đi khảo sát trong và ngoài nước với hàng ngàn cán bộ học tập về giám sát DNNN, học tập kinh nghiệm quản lý vốn nhà nước. Tốn rất nhiều tiền của ngân sách, của DN cho hoạt động này nhưng kết quả giám sát DNNN lại rất tồi.

Bà Lan đặt câu hỏi: “Phải chăng chúng ta là một học trò dốt? Học biết bao nhiêu thầy, sách vở nhưng không hề học được thực tiễn để làm được việc. Hoặc các kiến thức được học về cũng bị áp dụng máy móc theo kiểu “thầy đọc, trò chép”, không hiểu một cách thực tế, linh hoạt nên có đưa vào luật cũng không đạt được hiệu quả cao. Thế nên đừng tiếp tục tiêu tốn tiền dân vào đó nữa”.

Báo Công luận
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng 

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, việc đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài là rất cần thiết, nhất là khi nước ta đang trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, không nên lạm dụng việc đi nước ngoài gây tốn kém.“Câu chuyện bắt doanh nghiệp phải cung phụng cho các chuyến đi nước ngoài của cán bộ đã và đang diễn ra. Và cũng không ít địa phương, cứ cán bộ cuối nhiệm kỳ thì được ra nước ngoài học tập kinh nghiệm. Tình trạng cán bộ không có chuyên môn, năng lực, ngoại ngữ kém đi nước ngoài như đi du lịch diễn ra ở nhiều nơi khiến bản chất thực sự của việc đi học tập kinh nghiệm đang dần biến dạng” – ĐBQH Nhưỡng cho biết thêm.

“Để tránh tình trạng trên, trước hết thành phần đi nước ngoài cần phải đúng, rõ ràng. Ngay từ khâu đầu, việc lựa chọn cán bộ phải rõ ràng, tránh tình trạng đi nước ngoài là ban phát, là quà tặng cho một số nhân vật, hay để xảy ra tình trạng tìm cách luồn lọt, bôi trơn để được đi. Đồng thời, ta phải giải quyết được 2 câu hỏi một cách rõ ràng, minh bạch: Người nào mới đủ tiêu chuẩn cử cán bộ đi học tập? Và ai là cấp phê chuẩn những đề xuất đó?”, ĐBQH Nhưỡng phân tích.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: “Mỗi chuyến đi phải có kế hoạch, mục tiêu và khi về phải có báo cáo học tập, rút kinh nghiệm, các bản thu hoạch. Người chịu trách nhiệm là người đứng đầu địa phương của ngành, các cơ quan. Nếu cán bộ đi không đúng thành phần, về không có sản phẩm hoặc sản phẩm không có giá trị thì nhất định phải xử lý trách nhiệm về mặt cán bộ đồng thời yêu cầu bồi thường, bồi hoàn lại số tiền mà Đảng và Nhà nước đã chi cho chuyến học tập đó. Những người cử cán bộ và phê chuẩn đoàn cán bộ đó cũng bị xử lý 1 cách nghiêm khắc. Không thể để tình trạng, đoàn cán bộ dùng ngân sách, tiền của của Nhà nước, nhân dân như “tiền chùa”. Họ phải hiểu rằng, trong nước đang phải tiết kiệm từng đồng, nhân dân còn khó khăn nên việc lãng phí vào những chuyến đi vô bổ là điều khó có thể chấp nhận”.

Thành Vinh

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn