1 giờ với Chủ tịch VCCI- người “thổi lửa” Khởi nghiệp

Chủ nhật, 15/01/2017 21:58 PM - 0 Trả lời

“Cuộc trò chuyện đầu xuân” với ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là câu chuyện thú vị, cởi mở về “chữ Tình” trong quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp. Cùng với đó là những đánh giá sâu sắc về vấn đề khởi nghiệp của một Đại biểu Quốc hội, một người giữ vai trò quan trọng “thổi lửa” khởi nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Sự kiện: VCCI

(NB&CL) “Cuộc trò chuyện đầu xuân” với ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)  là câu chuyện thú vị, cởi mở về “chữ Tình” trong quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp. Cùng với đó là những đánh giá sâu sắc về vấn đề khởi nghiệp của một Đại biểu Quốc hội, một người giữ vai trò quan trọng “thổi lửa” khởi nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Sức nóng của trái tim và độ nhạy của trí óc

+ Trên các diễn đàn báo chí ông luôn bộc bạch: Trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giữa báo chí và doanh nghiệp rất cần phải có sự gắn bó, đồng hành đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khó khăn càng cần phải có sự chia sẻ, tháo gỡ. Xin ông nói rõ thêm về mối quan hệ song hành này?

- Chúng ta vừa trải qua cơn bão kinh tế, để vượt qua khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp đứng trước ngưỡng cửa tồn tại hay không tồn tại. Trong bối cảnh như vậy, vai trò chia sẻ và đồng hành của báo chí là cực kỳ quan trọng với doanh nghiệp. Báo chí là nguồn cổ vũ động viên doanh nhân có niềm tin để tiếp tục vượt bão, đóng góp nhiều hơn cho xã hội và đất nước. Và tất nhiên, đáp lại tình cảm ấy, khi có bất cứ vấn đề gì trong kinh doanh,  thì một trong những người đầu tiên mà doanh nghiệp tìm đến là báo chí. Khi có oan ức, khi có những điều cần thổ lộ, giãi bày, ngoài những người trong gia đình, cơ quan, bạn bè thì có lẽ báo chí là người mà doanh nghiệp tìm đến để chia sẻ và cần sự bảo vệ, sự đồng hành. Tôi chắc chắn rằng, sự đồng hành giữa nhà báo - “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa” và doanh nhân- “những người lính thời bình”, không thể khác – vẫn phải là sự gắn kết chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa trong tương lai.

[caption id="attachment_145196" align="aligncenter" width="441"]24.1 Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc.[/caption]

+ Ông cũng đã từng nói rằng: Trong quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp cần phải có chữ Tình. Và ở đây, khen chê cũng phải có chữ Tình. Vậy theo ông, báo chí phải thể hiện ra sao trong mối quan hệ đồng hành để vừa thực hiện tốt vai trò của mình, vừa có chữ Tình để tạo được niềm tin cậy của doanh nghiệp?

- Tôi rất thích nhắc đến “chữ Tình” trong mối quan hệ này. Đặc biệt là khi đề cập đến những hạn chế, non kém của doanh nghiệp, nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo đã phản ánh điều đó với một thái độ hết sức chân thành và xây dựng. Không chỉ vậy, nhiều tờ báo đã cung cấp những thông tin rất sâu mang tính bản chất, để các doanh nghiệp đưa ra được những chiến lược, dự báo, xu hướng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đó là sự động viên, chia sẻ rất ý nghĩa đối với doanh nhân, đặc biệt là trong môi trường kinh doanh thời gian gần đây.  Chúng ta luôn nhận thức được rằng, đằng sau mỗi doanh nghiệp là hàng trăm, hàng ngàn, chục ngàn lao động, và đằng sau họ lại là biết bao mái ấm gia đình, số phận bao người. Vì thế khi báo chí phản ánh về một vấn đề nào đó của doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm đó. Chỉ có sự sẻ chia mang tính xây dựng, chân thành, cùng hướng đến sự phát triển chung của xã hội mới làm nên những mối quan hệ hợp tác bền vững.

+ Để thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân thì cơ quan báo chí phải có tinh thần kinh doanh… Đây cũng là điều mà ông đã từng bày tỏ trên một số diễn đàn. Ông có thể nói rõ hơn điều này không, thưa ông?

- Có thể với báo chí, chúng ta ít sử dụng từ “kinh doanh” như đối với một doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế, để có một tờ báo phát triển cần có nguồn tài chính vững vàng, đó là điều không dễ trong bối cảnh hiện nay. Doanh nghiệp có thể hỗ trợ báo chí về tài chính bằng nhiều cách nhưng hẳn nhiên là để có được nguồn hỗ trợ ấy báo chí cũng cần lắm sự chuyên nghiệp và uy tín. Nhưng tất nhiên, trên mặt trận thông tin, báo chí phải luôn có đủ sức nóng của trái tim và độ nhạy của trí óc để chia sẻ đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp. Tinh thần kinh doanh mà tôi muốn nhắc đến chính là tinh thần của sự không ngừng tiến lên, không ngừng đổi mới, không ngừng đồng hành cùng doanh nghiệp trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực. Để cùng phát triển, báo chí và doanh nghiệp đều cần sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực của mình và trên tất cả là tính xác thực của thông tin. Cả hai bên đều cần phải cởi mở hơn với nhau, phải tin cậy, nương tựa, tôn trọng nhau vì lợi ích chung của cộng đồng.

Động lực và niềm tin cho phong trào khởi nghiệp

+ Nói đến tinh thần kinh doanh, tôi lại nghĩ về không khí khởi nghiệp đang sôi nổi lúc này. Những hành động thực tiễn của chương trình khởi nghiệp đang diễn ra như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?

- Có thể nói năm 2016 là năm của tinh thần khởi nghiệp. Tinh thần này được khơi dậy từ Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng, từ động thái tích cực của Chính phủ mới. Chính phủ đã coi nhiệm vụ phục vụ cho người dân và doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, một Chính phủ được thiết kế theo hướng một Chính phủ kiến tạo. Một loạt những thông điệp, một loạt những Nghị quyết của Chính phủ điển hình là Nghị quyết 19 về Cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp trong đó đã đưa ra một lộ trình, chương trình hành động cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh để đưa Việt Nam vào nhóm 3, 4 nền kinh tế dẫn đầu Asean và có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020. Chính động thái tích cực đó của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ đã mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và chính niềm tin đó đã thúc đẩy phong trào khởi nghiệp rộng khắp trong cả nước. Năm 2016 đi vào lịch sử là năm đầu tiên nước ta có lượng doanh nghiệp thành lập trong năm vượt quá 100 nghìn doanh nghiệp. Có thể nói, với đà như vậy chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 35 đặt ra.

Bên cạnh việc khởi sự thành lập doanh nghiệp để nâng cao nhanh chóng số lượng doanh nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng, giải quyết công ăn việc làm thì một xu hướng quan trọng cũng được nhắc tới đó là phong trào startup – phong trào khởi nghiệp dựa trên cơ sở sự sáng tạo. Tôi rất mừng là trong năm qua, rất nhiều thanh niên, sinh viên đã bắt đầu khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp, du lịch, những lĩnh vực chúng ta có lợi thế và đã có những điển hình tiên tiến trong lĩnh vực này. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều sinh viên đã “thức tỉnh”, không ở lại thành phố mà về quê khởi nghiệp bằng những công việc đơn giản nhất  với ý tưởng lớn, có thể từ việc làm nước mắm, trồng rau… nhưng bằng những mô hình kinh doanh mới. Năm qua cũng là năm mà các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của sinh viên, thanh niên cũng được tổ chức rộng khắp từ các cơ quan Chính phủ, đến các đoàn thể chính trị xã hội, các địa phương…

[caption id="attachment_145197" align="aligncenter" width="631"]24.2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.[/caption]

+ Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, trong vai trò là Đại biểu Quốc hội ông đã phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội: “Mặc dù niềm tin đã được khơi dậy và không khí khởi nghiệp quốc gia đã bắt đầu, nhưng nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn mà các Kế hoạch về phát triển kinh tế- xã hội năm 2017 và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 phải tính đến một cách cẩn trọng”. Sự “cẩn trọng” ấy cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần nghiên cứu đưa ra những mục tiêu phù hợp với thực lực hơn, không nên đưa ra những mục tiêu quá cao để phấn đấu mà không bao giờ đạt được, hay các mục tiêu quá thấp để dễ dàng vượt qua. Chỉ khi chúng ta đưa ra được những mục tiêu có tính khả thi, đồng thời có các kịch bản xử lý tình huống đi kèm mới giúp nền kinh tế phát triển bền vững và ít bị động trước các cú sốc. Mục tiêu tăng trưởng vừa sức với phát triển kinh tế sẽ là chìa khóa của thành công. Thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ phải đương đầu với những trào lưu lớn ảnh hưởng đến phát triển doanh nghiệp. Đó là những thách thức đối đầu với áp lực của hội nhập, áp lực của cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, áp lực của biến đổi khí hậu. Đồng thời, hiện nay chúng ta đang còn có những khoảng cách khá xa so với tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng nhân lực, công nghệ… Cũng giống như phong trào khởi nghiệp, so với yêu cầu của một quốc gia khởi nghiệp thì cần phải có những cố gắng nỗ lực đột phá hơn nữa. Chúng ta đặt ra mục tiêu đến 2020 phải có 1 triệu doanh nghiệp nhưng quan trọng hơn cả đó là các doanh nghiệp này phải hoạt động một cách hiệu quả.

+ Khép lại một năm 2016 – năm đặt nền tảng cho vấn đề khởi nghiệp, năm 2017 tinh thần khởi nghiệp sẽ được phát huy ra sao, thưa ông?

- Năm 2017 vẫn sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng phải khẳng định rằng, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang có rất nhiều những thuận lợi đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đó là công cuộc cải cách thể chế đang được phát động, những đổi mới trong hệ thống pháp luật, cũng như trong chỉ đạo điều hành của các bộ ngành địa phương đang diễn ra sôi nổi. Điều đó sẽ tạo động lực và niềm tin, tiếp tục hứa hẹn một năm mà doanh nghiệp khởi nghiệp có nhiều cơ hội để bứt phá. Với đà khởi nghiệp của năm 2016, không chỉ dừng lại ở lĩnh vực công nghệ thông tin như các nước khác mà ở nhiều lĩnh vực vì tiềm năng của chúng ta là rất lớn. Quan điểm của chúng tôi là cần thúc đẩy phát triển theo cả hai hướng, cả những khởi nghiệp sáng tạo và những khởi nghiệp truyền thống. Đặc biệt, tiến tới năm 2017, để đạt được mục tiêu của phong trào khởi nghiệp, những nỗ lực của Chính phủ thời gian tới là thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Nếu chúng ta có những sự yểm trợ tốt thì nhiều hộ kinh doanh sẽ trở thành doanh nghiệp. Đất nước ta có khoảng gần 4 triệu các hộ kinh doanh trong khu vực phi chính thức, 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký chính thức…là lực lượng tiềm năng cho phong trào khởi nghiệp, tiến tới đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020.

+ Và để sự phát huy đó được hiệu quả, trở lại trong mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp. Theo ông, vai trò của báo chí được xác định như thế nào trong việc góp phần tạo nên thành công hơn nữa của phong trào Khởi nghiệp?

- Thời gian sắp tới, muốn tồn tại và trụ vững, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng phải hướng đến nâng cấp mình, đạt chuẩn quốc tế về quản trị, nguồn nhân lực, công nghệ… Sắp tới VCCI dự kiến sẽ triển khai một loạt các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao nội lực của mình theo hướng đó. Ngoài ra, tôi cũng nghĩ là để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện được định hướng này thì những nỗ lực của Chính phủ trong việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, bình đẳng làm sao cải thiện được chất lượng hệ thống tín dụng, giảm được lãi suất cho vay, chi phí không chính thức để giảm chi phí cho doanh nghiệp… là rất quan trọng. Và tất cả những nhiệm vụ ấy, cần lắm sự tuyên truyền, cổ vũ, cung cấp thông tin đầy đủ xác thực từ báo chí. Báo chí sẽ là người bạn đồng hành cùng chúng tôi, hỗ trợ về thông tin, sự phản biện mang tính xây dựng, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp tục giữ được “ngọn lửa” của khát vọng làm giàu cho mình và cho đất nước. Và có thể nói, những thành công, sự phát triển bứt phá của doanh nghiệp thời gian qua, những nỗ lực trụ vững của các thuyền trưởng doanh nhân trong thời gian tới có công lớn, sự tiếp sức, khuyến khích thúc đẩy quan trọng của người bạn đường là các nhà báo và các cơ quan báo chí.

+ Vâng, xin cảm ơn ông, kính chúc ông đón một năm mới nhiều sức khỏe và tiếp tục thổi ngọn lửa, thổi hồn sức sống cho khởi nghiệp Việt Nam.

Hà Vân – Bích Việt (Thực hiện)

Tin khác

Đầu tư sớm nhất các tuyến cao tốc quy mô 2 làn xe, thiếu làn dừng khẩn cấp và trạm dừng nghỉ

Đầu tư sớm nhất các tuyến cao tốc quy mô 2 làn xe, thiếu làn dừng khẩn cấp và trạm dừng nghỉ

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương báo cáo về phương án đầu tư, nâng cấp tuyến cao tốc phân kỳ; trong đó, có giải pháp cụ thể để đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe, các tuyến đường bộ cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp, thiếu trạm dừng nghỉ....

Tin tức
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao: Mọi hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao: Mọi hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế

(CLO) Chiều 28/3, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về bình luận của Việt Nam trước những va chạm mới đây giữa tàu Trung Quốc và tàu tiếp tế của Philippines ở Bãi Cỏ Mây.

Tin tức
Công an TP Hà Nội vào cuộc vụ cây sao đen trăm tuổi chết khô bất thường

Công an TP Hà Nội vào cuộc vụ cây sao đen trăm tuổi chết khô bất thường

(CLO) Ngày 28/3, tại họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội của UBND TP Hà Nội, Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng đã thông tin vụ 3 cây sao đen hàng trăm tuổi chết khô trên phố Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng. 

Tin tức
TP HCM lập đề án để phát triển công viên và cây xanh công cộng

TP HCM lập đề án để phát triển công viên và cây xanh công cộng

(CLO) Mới đây, lãnh đạo UBND TP HCM đã có chỉ đạo về một số nội dung nhiệm vụ thuộc lĩnh vực công viên, cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố.

Tin tức
Đề xuất, báo cáo Bộ Công an lắp đặt hệ thống camera phạt nguội trên tuyến Vành đai 3

Đề xuất, báo cáo Bộ Công an lắp đặt hệ thống camera phạt nguội trên tuyến Vành đai 3

(CLO) Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết đã đề xuất, báo cáo lên Bộ Công an lắp đặt hệ thống camera phạt nguội trên tuyến Vành đai 3.

Tin tức