10 năm chiến tranh Syria: Chết chóc là chuyện thường ngày, hòa bình là giấc mơ xa xỉ

Thứ tư, 17/03/2021 06:03 AM - 0 Trả lời

(CLO) Cuộc nội dậy khởi nguồn cho chiến tranh dai dẳng và đẫm máu ở Syria bắt đầu từ 10 năm trước. Sau một thập kỷ, gần nửa triệu người đã thiệt mạng và hàng triệu người khác buộc phải rời bỏ nhà cửa. Syria từ một đất nước yên bình giờ thành một đống đổ nát…

Gần nửa triệu người đã thiệt mạng và hơn một nửa dân số trong số 23 triệu người Syria phải di dời trong chiến tranh - Ảnh: Yasin Akgul / AFP

Gần nửa triệu người đã thiệt mạng và hơn một nửa dân số trong số 23 triệu người Syria phải di dời trong chiến tranh - Ảnh: Yasin Akgul / AFP

Bài liên quan

Biểu tình, bạo loạn châm ngòi cho sự can thiệp quốc tế

Các cuộc biểu tình ở Syria nằm trong làn sóng các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình phản đối chưa có tiền lệ tại các quốc gia trong thế giới Ả Rập, từ Tunisia, Algeria, Ai Cập, Yemen, Ả Rập Xê út, Oman, Syria, Lybia và Ma rốc… mà người ta sau này gọi đó là cách mạng Mùa xuân Ả Rập. Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ của phong trào cách mạng Mùa xuân Ả Rập bắt đầu từ cuối năm 2010. Đặc điểm chung của nó là chống đối dân sự, cáo buộc tham nhũng chính phủ, vi phạm nhân quyền và tình trạng nghèo đói cùng cực…

Biểu tình tại Syria bắt đầu từ tháng 1/2011, nhưng phải đến ngày 19/3 mới thực sự gây chấn động khi hàng chục ngàn người xuống đường tạo nên cuộc biểu tình lớn nhất nước này trong nhiều thập niên. Ngày 25/3, lực lượng an ninh Syria nổ súng vào người biểu tình khiến ít nhất 20 người thiệt mạng. Rất nhiều biểu tình sau đó bị chết từ các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh.

Tháng 7 năm đó, một đại tá quân đội trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ thành lập Quân đội Syria Tự do (FSA) với sự hợp nhất của nhiều thành phần phức tạp, điều này đưa diễn biến của cuộc biểu tình sang một hướng hoàn toàn khác. Xung đột tại Syria lúc này trở thành cuộc nội chiến và tạm thời có thể chia thành hai phe: lực lượng nổi dậy và phe của Tổng thống Bashar al-Assad.

Từ tháng 7 đến tháng 10/2011, các cuộc xung đột vũ trang liên tiếp xảy ra, châm ngòi cho cuộc nội chiến đẫm máu sau này. Quân FSA liên tục tấn công nhằm vào quân đội chính phủ, cũng như cáo buộc phe chính phủ đã đàn áp phe đối lập và giết hại thường dân. Tuy nhiên, trong suốt 6 tháng đầu kể từ khi nổ ra xung đột vũ trang, dân thường Syria được xem là ít dính dáng đến các hoạt động chống chính phủ của phe nổi dậy.

Chính quyền Tổng thống Obama vào tháng 8/2011 đã áp dụng các biện pháp trừng phạt Syria, đồng thời kêu gọi Tổng thống Assad từ chức. Ngày 16/11, Liên đoàn Ả Rập đình chỉ tư cách thành viên của Syria vì đàn áp nổi dậy.

Kể từ tháng 11/2011, xung đột vũ trang leo thang thành chiến tranh giữa hai phe và đến tháng 6/2012 cuộc chiến đã diễn ra ác liệt trên khắp cả nước. Syria chìm trong hỗn loạn. Mặc dù sử dụng tên lửa và không kích ác liệt vào các trị trí của quân nổi dậy, nhưng quân đội chính Syria nhiều lần thất thế để quân FSA tiến sâu hơn vào thủ đô Damascus. 

Ngày 23/12/2012, hãng tin Ả Rập Al Jazeera công bố một bản báo cáo không chính thức cho biết có một cuộc tấn công bằng khí gas giết chết 7 dân thường ở tỉnh Homs, làm dấy lên quan ngại về việc vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syria - điều mà cả Mỹ, Anh và Pháp tuyên bố trước đó sẽ can thiệp quân sự nếu chính phủ Syria cố tình dùng nó.

Quang cảnh một khu vực bị tàn phá bởi vụ ném bom trong cuộc nội chiến - Ảnh: AP

Quang cảnh một khu vực bị tàn phá bởi vụ ném bom trong cuộc nội chiến - Ảnh: AP

Từ năm 2013, CIA dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Obama đã bí mật triển khai chương trình hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy tại Syria, ban đầu là cung cấp hỗ trợ tài chính và các thiết bị sát thương và sau đó là vũ khí nóng và nhiều thiết bị tối tân, trong đó có tên lửa chống tăng và cả xe thiết giáp.

Đến tháng 6/2013, cuộc chiến tranh giữa hai bên đã khiến hơn 100.000 người thiệt mạng trong đó có hơn nửa là dân thường, 1,5 triệu người Syria phải đi tị nạn. Đến tháng 7/2013, quân đội chính phủ chỉ kiểm soát khoảng 30%-40% lãnh thổ, trong khi 60% lãnh thổ do các phe đối lập kiểm soát.

Kể từ thời điểm đó, Syria bị chia năm xẻ bảy bởi nhiều lực lượng quân sự, trong đó có sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Điều này dẫn đến quyết định can thiệp của Mỹ vào ngày 22/9/2014, khi lực lượng Mỹ và đồng minh lần đầu tiên mở chiến dịch không kích vào lãnh thổ Syria, với mục tiêu là cơ quan chỉ huy và các vị trí đóng quân của IS.

Tháng 9/2015, Nga bắt đầu chiến dịch không kích Syria đáp lại lời đề nghị của chính quyền Tổng thống Assad về việc hỗ trợ quân sự chống các nhóm nổi dậy và khủng bố. Có thể nói, sự có mặt của quân đội Nga đã làm thay đổi cục diện trên chiến trường khi giúp quân đội của Tổng thống Assad giành lại quyền kiểm soát đa số lãnh thổ.

10 năm đau khổ và hòa bình vẫn chỉ là giấc mơ

Thấm thoắt một thập kỷ đã trôi qua và dân thường Syria là những người chịu thiệt thòi nhất. Gần nửa triệu người thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà cửa phải sống cuộc đời tị nạn mà không biết đến khi nào có thể trở lại quê hương.

Một thập kỷ chiến tranh đã gây ra sự tàn phá không thể tính đếm được đối với Syria. Hàng triệu người đã bị đẩy vào cảnh đói nghèo, và hầu hết các hộ gia đình khó có thể kiếm đủ tiền để đảm bảo bữa ăn hàng ngày của họ. Ngày nay, hơn một nửa dân số trong số 23 triệu người trước chiến tranh bị mất chỗ ở, bao gồm hơn năm triệu người phải sống tị nạn, chủ yếu ở các nước láng giềng.

Hầu hết những người tị nạn Syria ở Lebanon và các quốc gia khác đều muốn về nhà, nhưng họ không có sự lựa chọn khi mà rất nhiều vùng đất vẫn đang chứng kiến các cuộc giao tranh hàng ngày.

Zeina Khodr, một người Syria sống lưu vong tại Thung lũng Bekaa ở nước láng giềng Lebanon chỉ về phía biên giới với giọng nghẹn ngào khi trả lời phỏng vấn tờ Al Jazeera, “Dù muốn về nhà nhưng chúng tôi sợ không an toàn. Mẹ và anh trai tôi đã chết trong các cuộc xung đột. Các bạn bè của tôi cũng đã rời đi và chẳng còn ai ở đó cả”.

Liên Hợp Quốc cho biết, 9/10 gia đình tị nạn Syria ở Lebanon là những người nghèo và họ phải sống nhờ sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc để tồn tại. Nhưng ngay cả khi có sự hỗ trợ ít ỏi từ cộng đồng quốc tế, cuộc sống của những người Syria ly hương vô cùng khổ cực, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến các quốc gia áp đặt các lệnh hạn chế dẫn đến kinh tế khó khăn, thiếu việc làm và thu nhập giảm.

Khung cảnh tan hoang tại một thị trấn phía tây bắc Syria - Ảnh: AP

Khung cảnh tan hoang tại một thị trấn phía tây bắc Syria - Ảnh: AP

Theo các báo cáo, khoảng 4,5 triệu dân Syria tị nạn ở quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều người trong số đó tìm cách lập nghiệp ở những thành phố của nước này, thậm chí hy vọng nhập quốc tịch để sống một cuộc sống mới, chấm dứt hy vọng trở lại quê hương. “Sau 5 năm sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, những người tị nạn cũng có quyền nộp đơn xin nhập quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ theo luật”, một người Syria có tên Sinem Koseoglu cho biết.

Cuộc sống của những người tị nạn là như thế, còn với những người vẫn bám trụ tại Syria cũng không sung sướng hơn gì. Người dân ở Syria hiện tại sống trong tình trạng bất ổn định kéo dài khi giao thương khó khăn và đất nước vẫn bị chia cắt. Hiện các nhóm vũ trang đang chiếm giữ tỉnh Idlib ở phía tây bắc, trong đó phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn kiểm soát các vùng dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng người Kurd ở Syria do Mỹ hậu thuẫn nắm giữ khoảng 1/4 đất nước ở phía đông bắc, trong khi chính quyền của Tổng thống al-Assad kiểm soát phần còn lại (khoảng 60%).

Suốt 10 năm kể từ khi cuộc xung đột diễn ra dẫn đến chiến tranh, Syria chưa một ngày yên tiếng súng dù quân đội chính phủ đang dần giành lại những phần đất bị chiếm đóng nhờ sự giúp đỡ từ Nga và Iran. Nền kinh tế đã sụp đổ hoàn toàn sau những năm chiến tranh, giờ lại tiếp tục chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt mới, sâu rộng của Mỹ áp đặt vào năm ngoái và cuộc khủng hoảng tài chính ở Lebanon, mối liên kết chính của Syria với thế giới bên ngoài.

Liên Hợp Quốc cho biết, hơn 80% người Syria hiện đang sống trong cảnh nghèo đói và 60% có nguy cơ thiếu đói. Đồng tiền nước này đã mất giá nghiêm trọng, hiện ở mức 4.000 bảng Syria mới đổi được 1 đô la Mỹ trên thị trường chợ đen, so với 700 bảng của một năm trước và 47 bảng vào đầu cuộc xung đột năm 2011.

Khi tiếng bom đạn vẫn vang lên mỗi ngày, khi mà đất nước vẫn còn chia rẽ và bị chiếm đóng bởi nhiều lực lượng, người dân Syria sẽ vẫn còn phải chịu cảnh ly tán và mất mát. Hòa bình sẽ vẫn là giấc mơ xa xỉ ngay cả những người Syria lạc quan nhất.

Phan Nguyên

Tags:

Tin khác

Ukraine nói bắn hạ 'cỗ máy dội bom' chiến lược Tu-22M của Nga

Ukraine nói bắn hạ 'cỗ máy dội bom' chiến lược Tu-22M của Nga

(CLO) Quân đội Ukraine tuyên bố rằng họ đã bắn hạ một máy bay ném bom chiến lược Tu-22M của Nga vào thứ Sáu (19/4), sau khi "cỗ máy dội bom" này tham gia cuộc không kích tầm xa ở vùng Dnipropetrovsk thuộc miền trung Ukraine.

Thế giới 24h
Triều Tiên tuyên bố thử đầu đạn tên lửa hành trình 'siêu lớn'

Triều Tiên tuyên bố thử đầu đạn tên lửa hành trình 'siêu lớn'

(CLO) Triều Tiên hôm thứ Bảy (20/4) cho biết, họ đã thử nghiệm một đầu đạn tên lửa hành trình “siêu lớn” và một tên lửa phòng không mới ở khu vực ven biển phía tây nước này.

Thế giới 24h
Một người tự thiêu bên ngoài phiên tòa xét xử ông Trump

Một người tự thiêu bên ngoài phiên tòa xét xử ông Trump

(CLO) Một người đàn ông đã tự thiêu vào thứ Sáu (19/4) bên ngoài tòa án ở New York, nơi đang diễn ra phiên tòa lịch sử xét xử cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Động cơ của vụ việc chưa được làm rõ.

Thế giới 24h
Trẻ em Gaza ước ao về những ngày đi học trước xung đột

Trẻ em Gaza ước ao về những ngày đi học trước xung đột

(CLO) Thời gian học tập, vui chơi bên bạn bè của trẻ em Gaza đã biến mất kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra 6 tháng trước. Với các em, những điều tưởng như bình thường đó giờ lại là nỗi ước ao mịt mờ.

Thế giới 24h
Thiếu hụt tên lửa, Ukraine chuyển sang sử dụng khinh khí cầu tấn công Nga

Thiếu hụt tên lửa, Ukraine chuyển sang sử dụng khinh khí cầu tấn công Nga

(CLO) Lực lượng phòng không Nga tuyên bố đã bắn hạ 5 khinh khí cầu của Ukraine trong đêm ngày 17/4. Đây là dấu hiệu cho thấy đang có sự thay đổi về phương thức chiến đấu của Kiev trong cuộc xung đột với Nga, nhất là trong bối cảnh họ đang thiếu hụt tên lửa do nguồn viện trợ từ Mỹ bị đình trệ.

Thế giới 24h