10 sự kiện khoa học – công nghệ trong nước nổi bật năm 2018

Thứ năm, 27/12/2018 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngày 25/12, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học Công nghệ công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện khoa học và công nghệ (KH&CN) nổi bật năm 2018 thuộc các lĩnh vực cơ chế chính sách, khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu ứng dụng, hội nhập quốc tế, tôn vinh nhà khoa học.

10 sự kiện này được bình chọn trên các lĩnh vực: Cơ chế chính sách, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn, Nghiên cứu ứng dụng, Hội nhập quốc tế; và Tôn vinh nhà khoa học.

Dưới đây là danh sách 10 sự kiện KH&CN trong nước nổi bật năm 2018.

1. Hệ tri thức Việt số hóa chính thức được vận hành

Ngày 1/1/2018, tại Hà Nội, Đề án “Hệ tri thức Việt số hóa” đã chính thức khởi động dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Với mục tiêu “Chia sẻ tri thức - Cổ vũ sáng tạo - Kết nối cộng đồng - Vì tương lai Việt Nam”, Hệ tri thức Việt số hóa được thiết lập để hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ tri thức tổng hợp trong mọi lĩnh vực, góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện để mọi người dân học tập, làm chủ tri thức, tăng cường nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KH và CN, thúc đẩy phát triển đất nước.

Báo Công luận
Nhà báo Hà Hồng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo KH&CN phát biểu tại lễ công bố.

2. Công trình đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018

TS. Trần Đình Phong - Trưởng khoa Khoa học cơ bản và Ứng dụng, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - USTH, đã được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018, cho công trình nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý “Cấu trúc polymer và cơ chế hoạt động xúc tác tạo H2 của molybdenum sulfide vô định hình”.

Từ đầu thế kỷ 21, khi năng lượng sạch dần trở thành một trong những vấn đề được quan tâm nhất trên thế giới, hướng nghiên cứu chế tạo lá nhân tạo có khả năng chuyển hóa ánh sáng mặt trời và nước thành hydro đã thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà khoa học. Chất xúc tác cho phản ứng hóa học này là bạch kim, một vật liệu quý hiếm và đắt tiền.

Nghiên cứu của TS. Phong và cộng sự đã chứng minh thành công cấu trúc và cơ chế hoạt động của molybden sulfide vô định hình, một loại vật liệu dễ chế tạo và có giá thành thấp có khả năng thay thế bạch kim cho phản ứng điều chế nhiên liệu sạch H2 từ nước. Nghiên cứu của TS. Phong là một bước tiến quan trọng trong “cuộc chạy đua” tìm ra giải pháp về năng lượng và cắt giảm khí thải CO2 ra môi trường.

3. Phần mềm vOCS 3.0 đoạt giải vàng kinh doanh quốc tế

Ngày 21/10, tại London (Vương quốc Anh), phần mềm tính cước thời gian thực (vOCS 3.0) của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã được Ban Tổ chức Giải thưởng Kinh doanh quốc tế - International Business Stevie Awards trao giải vàng ở hạng mục “Sản phẩm hoặc dịch vụ tốt nhất của năm”. 

Phần mềm vOCS 3.0 của Viettel được đánh giá cao về sự sáng tạo, tác động đến số người sử dụng lớn. Hiện tại, vOCS 3.0 của Viettel đã được đưa vào sử dụng tại 11 nước trên thế giới với 170 triệu thuê bao di động.

4. Chế tạo thành công máy làm đá tuyết từ nước biển

Trung tâm Phát triển công nghệ cao thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã chế tạo thành công máy làm đá tuyết từ nước biển. Với thiết kế đơn giản, gọn nhẹ, bền, máy phù hợp với tàu cá Việt Nam cũng như dễ bảo dưỡng, sửa chữa...

Máy được chế tạo dựa trên các nguyên vật liệu có khả năng chịu ăn mòn của nước biển. Người sử dụng có thể dễ dàng lựa chọn và điều chỉnh độ đậm đặc của sản phẩm đá tuyết theo nhiệt độ xác định.

So với đá nước ngọt truyền thống, đá tuyết làm từ nước biển là hỗn hợp giữa tinh thể đá nhỏ và nước, được duy trì trong dải nhiệt độ từ -6 độ C đến -2 độ C, có thể bơm được từ buồng tạo đá lỏng đến các bồn lưu trữ hoặc các ngăn bảo quản cá trên tàu.

Với nhiệt độ bảo quản thấp hơn đá nước ngọt, đá tuyết giúp thời gian bảo quản hải sản trên tàu lâu hơn, tốc độ làm lạnh nhanh hơn, làm tăng chất lượng của hải sản, giảm thiểu lượng hải sản bị hư hỏng, hủy bỏ, góp phần bảo vệ môi trường.

Đây là kết quả của đề tài nghiên cứu do Thạc sĩ Lê Văn Luân và cộng sự thực hiện.

Báo Công luận
Đại diện của một số sự kiện KH-CN được bình chọn, tôn vinh tại buổi lễ công bố chiều 25/12.

5. Ra mắt Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu KH-CN ứng dụng 2.000 tỷ đồng

Ngày 21/8, Tập đoàn Vingroup chính thức ra mắt Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ ứng dụng với mục tiêu tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, robotics, tự động hóa, công nghệ na-nô, năng lượng tái tạo, nguyên liệu thế hệ mới.

Quỹ có mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Cùng với việc thành lập quỹ, Tập đoàn còn ra mắt Công ty Phát triển công nghệ VinTech; Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn; Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech; ký thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực với hơn 50 trường đại học hàng đầu Việt Nam.

Vingroup cũng công bố định hướng trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế trong tương lai.

6. Trao chứng nhận đầu tư dự án sản xuất thiết bị điện công nghệ cao

Ngày 1/11/2018, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã trao chứng nhận đầu tư dự án “Nhà máy sản xuất thiết bị điện Công Nghệ cao Á Châu” cho Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu. Cùng ngày Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu và Tập đoàn Schneider Electric đã tiến hành lễ ký kết thỏa thuận hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa hai đơn vị.

Sự kiện nói trên đánh dấu bước ngoặt trong lĩnh vực sản xuất, tích hợp - phát triển, quản lý vận hành, giám sát tự động hóa hệ thống năng lượng khi Việt Nam trở thành một trong hai quốc gia trên toàn thế giới có doanh nghiệp được ký kết hợp tác toàn diện và chuyển giao công nghệ cao.

7. Các hoạt động quốc tế về cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra tại Việt Nam

Ngày 13/7/2018, tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2018). Sự kiện thu hút 2.000 đại biểu, gồm 11 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế, hơn 50 chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới, các doanh nghiệp trong nước, quốc tế.

Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhằm xây dựng các chủ trương, chính sách giúp Việt Nam tham gia chủ động, có hiệu quả cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, tuyên truyền cho cộng đồng về cách mạng công nghiệp 4.0, tạo cơ hội tìm hiểu, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, nhất là công nghệ 4.0.

Từ ngày 11 đến 13/9/2018, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” đã được tổ chức tại Hà Nội và được đánh giá là hội nghị khu vực thành công nhất.

8. Giáo sư Đàm Thanh Sơn nhận Giải thưởng Dirac 2018

Giải thưởng vật lý Dirac 2018 được trao cho GS Đàm Thanh Sơn - Đại học Chicago (Mỹ) và hai nhà vật lý Subir Sachdev - Đại học Harvard và Xiao-Gang Wen - Viện Công nghệ Massachusetts. Cả ba nhà khoa học là những người đi tiên phong trong việc nghiên cứu ảnh hưởng của cơ học lượng tử lên các nhóm hạt lớn, còn được gọi là hệ nhiều vật (many-body system).

Họ đã tìm ra các định luật cơ học lượng tử ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của các nhóm hạt rất nhỏ. Ba nhà khoa học có nhiều đóng góp quan trọng giúp phát hiện các pha mới của vật chất (bên cạnh ba pha quen thuộc là rắn, lỏng, khí) và làm rõ quá trình chuyển tiếp giữa các pha này khi những yếu tố tác động bên ngoài như nhiệt độ và áp suất thay đổi.

9.Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp được vinh danh là Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới

TS. Nguyễn Thị Hiệp - giảng viên Bộ môn Kỹ thuật y sinh, Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) được vinh danh “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” do Quỹ L’Oréal - UNESCO trao tặng vì những đóng góp cho ngành y học tái tạo.

Nhóm nghiên cứu của TS Hiệp hiện đang nghiên cứu và thử nghiệm một loại keo có thể dán ngay lập tức lên tất cả các loại vết thương, giúp loại bỏ vi khuẩn và thúc đẩy sự tái tạo mô. Khi dán lên, keo sẽ tạo thành một lớp màng để ngăn ngừa chảy máu, hấp thụ chất lỏng từ vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng từ vi sinh vật.

10. Phát hiện di cốt cư trú của người tiền sử tại núi lửa ở Đắk Nông

Di cốt người tiền sử trong hang động đá vôi ở Việt Nam cũng như trên thế giới khá phổ biến nhưng trong hang động núi lửa chưa có tài liệu nào công bố. Di cốt được khai quật tại khu vực hang động núi lửa Krông Nô là di cốt đầu tiên được phát hiện trong hang động núi lửa ở Việt Nam và Đông Nam Á, hiếm gặp trên thế giới.

Kết quả khai quật đã cung cấp những luận cứ khoa học thuyết phục cho việc phục dựng, tái hiện sinh cảnh người tiền sử. Đồng thời đóng góp bằng chứng có tính thuyết phục cao cho việc xây dựng Công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông.             

                P.V

Tin khác

Lenovo trình làng laptop Xiaoxin Pro 16 2024

Lenovo trình làng laptop Xiaoxin Pro 16 2024

(CLO) Lenovo mới đây vừa ra mắt máy tính xách tay Xiaoxin Pro 16 2024. Máy sở hữu CPU Core Ultra 5-125H và card đồ họa RTX 4050 6GB GDDR6, giá 28 triệu đồng.

Sức sống số
Vivo T3x ra mắt với chip Snapdragon 6 Gen 1

Vivo T3x ra mắt với chip Snapdragon 6 Gen 1

(CLO) Vivo vừa ra mắt một chiếc smartphone tầm trung mới, có tên gọi là vivo T3x. Máy trang bị chip Snapdragon 6 Gen 1, pin 6000 mAh và camera kép 50MP, giá từ 4,1 triệu đồng.

Sức sống số
Viettel có Data Center lớn nhất Việt Nam, sẵn sàng phát triển AI

Viettel có Data Center lớn nhất Việt Nam, sẵn sàng phát triển AI

(CLO) Với khoảng 2.400 racks, Trung tâm dữ liệu Viettel Hoà Lạc chỉ hơn trung tâm dữ liệu lớn thứ hai khoảng 400 racks, tuy nhiên có công suất gấp 2,5 lần.

Sức sống số
Viettel tiên phong xây dựng hạ tầng số quốc gia bền vững với DC Xanh đầu tiên

Viettel tiên phong xây dựng hạ tầng số quốc gia bền vững với DC Xanh đầu tiên

(CLO) Các trung tâm dữ liệu liên tục được mở rộng để đáp ứng nhu cầu công nghệ và cần một lượng điện ngày càng lớn để vận hành, đặt ra lo ngại về tác động môi trường. Giải pháp là các DC xanh, bền vững.

Sức sống số
Dell ra mắt laptop Inspiron 14 Ryzen Edition

Dell ra mắt laptop Inspiron 14 Ryzen Edition

(CLO) Dell mới đây vừa ra mắt máy tính xách tay Inspiron 14 Ryzen Edition mới. Máy được trang bị chip AMD Ryzen 7 8840HS 8 nhân, 16 luồng, RAM DDR5 16GB, màn hình 2,2K, hiệu năng siêu mạnh, giá từ 14 triệu đồng.

Sức sống số