(CLO) Ngày 22/12, Bộ Y tế đã chính thức công bố 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Y tế năm 2016. Dưới đây là 10 sự kiện tiêu biểu được lựa chọn.
1. Em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp mang thai hộ tại Việt Nam
Ngày 22/1, vào lúc 7h20, em bé đầu tiên được ra đời từ phương pháp mang thai hộ đã chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bằng kỹ thuật mổ sinh. Đánh dấu thành công kỹ thuật mang thai hộ và thực hiện theo đúng Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2015.
[caption id="attachment_139499" align="aligncenter" width="518"]
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm em bé đầu tiên chào đời nhờ phương pháp mang thai hộ tại BV Phụ sản Trung ương. Ảnh T.M.[/caption]
Từ thành công đó, đến nay, cả nước đã có gần 200 hồ sơ mang thai hộ được duyệt, trong đó hơn 30 trường hợp đã sinh con. Hiện tại, cả nước có 3 đơn vị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ là Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) và Bệnh viện Trung ương Huế.
2. Triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới sự hài lòng của người bệnh:
Sau hơn một năm thực hiện đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đến nay, đa số cán bộ y tế đã nhận thức được tầm quan trọng của phong cách, thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp với người bệnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Ngành Y tế cũng tăng cường quản lý dịch vụ từ bên ngoài vào bệnh viện nhằm nâng cao hiệu quả và chuyên nghiệp hoá cung cấp dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo sự hài lòng cho người bệnh.
Đồng thời, chủ động xây dựng cơ sở y tế xanh- sạch- đẹp. Trong đó, có thể kể đến những điều bắt buộc phải có như nhà vệ sinh sạch, hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế. Khi các yếu tố chất lượng khám, chữa bệnh; tinh thần thái độ phục vụ ngày càng được nâng cao thì các bệnh viện phải quan tâm giải quyết đến vấn đề vệ sinh bệnh viện.
3. Việt Nam sản xuất thành công vắc xin phối hợp sởi– rubella
Ngày 8/11/2016, Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (Bộ Y tế) cho biết đã thử nghiệm lâm sàng thành công vaccine phối hợp sởi-rubella. Đây là vaccine sởi-rubella đầu tiên được chuyển giao công nghệ sản xuất thành công tại Việt Nam. Dự kiến, loại vaccine này sẽ được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 2017.
4. Lần đầu tiên tại Việt Nam, thực hiện phẫu thuật nội soi bằng Robot cho người lớn
Ngày 10/12/2016, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) thực hiện thành công phẫu thuật nội soi bằng robot và khánh thành khu phẫu thuật bằng robot. Đây là hệ thống robot phẫu thuật thứ hai được Bộ Y tế cấp phép điều trị tại Việt Nam. Trước đó, năm 2013 Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện kỹ thuật này cho trẻ em.
[caption id="attachment_139500" align="aligncenter" width="640"]
Phẫu thuật nội soi bằng robot ở người lớn lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam đã được triển khai tại Bệnh viện Bình Dân. Ảnh IE.[/caption]
Robot phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân là hệ thống robot daVinci do Mỹ sản xuất. Đây là hệ thống Robot phẫu thuật hiện đại nhất hiện nay, cho phép các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nhiều bộ phận với sự xâm lấn tối thiểu và độ chính xác, hiệu quả an toàn vượt trội, giúp bệnh nhân ít mất máu, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau hồi phục.
Phẫu thuật nội soi Robot được thực hiện trong điều trị cho nhiều loại bệnh lý ngoại khoa phức tạp như: mổ các khối u tiền liệt tuyến, cắt dạ dày, cắt gan, cắt phổi, cắt u trung thất, cắt tử cung, phẫu thuật lồng ngực, tim mạch. Đặc biệt, hệ thống Robot phẫu thuật rất hiệu quả đối với điều trị u nang ống mật chủ, phình đại tràng bẩm sinh, thận ứ nước, teo đường mật, bắc cầu động mạch vành, chỉnh sửa van tim...
5. Năm 2016, 81,3% dân số tham gia Bảo hiểm y tế, vượt chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao (năm 2016 Chính phủ giao 79%).
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến ngày 30/11/2016 có 75.160.311 người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 81,3%.
Như vậy, tính đến 30/11/2016, tỷ lệ bao phủ BHYT đã vượt chỉ tiêu 2,3% so với chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao (79%).
6. Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Y tế tăng 9 bậc so với năm 2015.
Ngày 17/8/2016, Chính phủ đã công bố kết quả chỉ số cải cách hành chính của Bộ Y tế với tổng điểm là 86,58/100 đứng ở vị trí số 8/19 bộ, ngành vượt 09 bậc so với kết quả 17/19 được công bố năm 2015.
[caption id="attachment_139501" align="aligncenter" width="640"]
Theo lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, năm 2016, giá dịch vụ y tế tại 32 tỉnh, thành phố đã tính thêm yếu tố tiền lương. Ảnh IE.[/caption]
7. Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016).
Theo đó, sẽ đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn… góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
8. Đưa tiền lương vào giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Đưa tiền lương vào giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT tại 32 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tham gia BHYT cao, theo đúng lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, chuyển ngân sách Nhà nước đang cấp tiền lương cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT nhằm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.
9. Bộ mã danh mục dùng chung trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT lần đầu được xây dựng và triển khai rộng rãi.
Bộ mã danh mục này phục vụ kết nối liên thông dữ liệu giữa cơ quan quản lý, cơ sở khám chữa bệnh và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhằm quản lý đầy đủ, chính xác thông tin người bệnh và thuận lợi trong việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
10. Việt Nam được bầu vào Ban Chấp hành của WHO nhiệm kỳ 2016-2019
Tại Hội nghị khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 66 của WHO tổ chức tại Hoa Kỳ, Việt Nam đã được bầu vào Ban Chấp hành (Executive Board) của Tổ chức Y tế thế giới nhiệm kỳ 2016-2019.
Ban Chấp hành WHO là nơi đề xuất và chuẩn bị các chương trình nghị sự cho Đại hội đồng Y tế Thế giới, do đó có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định các chính sách y tế chủ chốt trên cấp độ toàn cầu.
Phương Linh