Công tác hội

100 năm báo chí cách mạng Việt Nam: Nhớ về đóng góp của người làm báo cho ngày thống nhất đất nước

Lê Tâm 10/05/2025 22:01

(CLO) Trong suốt chiều dài 100 năm báo chí đồng hành với dân tộc, trải qua nhiều khó khăn, thử thách và nhiều thời kỳ... cho đến nay người làm báo cách mạng Việt Nam không chỉ là chứng nhân lịch sử mà họ còn là biểu tượng sáng ngời về ý chí kiên cường và lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam.

Báo chí cách mạng Việt Nam trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn đồng hành cùng dân tộc. Trong chiến tranh, báo chí là vũ khí sắc bén, cổ vũ tinh thần yêu nước, truyền cảm hứng chiến đấu anh dũng và niềm tin chiến thắng. Riêng cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều cơ quan báo chí và rất nhiều nhà báo đã trở thành chiến sĩ cách mạng kiên trung, làm tròn nhiệm vụ của mình, phục vụ tích cực cho công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

l5-5.jpg
Không gian quanh cầu Hiền Lương. Ảnh TL

Một trong những mảnh đất gợi lại thật nhiều ý nghĩa đối với người làm báo chính là mảnh đất Quảng Trị. Tại tỉnh Quảng Trị, có một đoạn sông chỉ rộng vỏn vẹn hơn 100m trên vĩ tuyến 17 mà cả dân tộc Việt Nam phải mất gần 20 năm chiến đấu hy sinh mới nối được đôi bờ thống nhất. Cũng chính vùng đất ấy với hai tiếng thân thương Quảng Trị đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho những người cầm máy, cầm bút để sống, để viết, để ký thác tâm huyết cuộc đời mình.

Năm 1954, Hiệp định Geneva được ký tại Thụy Sỹ về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương và bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp. Sau Hiệp định này, một vùng phi quân sự trên vĩ tuyến 17, từ cửa sông Bến Hải chạy dọc theo chiều dài sông đến biên giới Việt - Lào trở thành giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam thành 2 miền Nam - Bắc.

Trước tình hình đó, tháng 3/1955, Trung ương đã điều vào Vĩnh Linh một đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Văn Sáu bí danh Việt Phương làm trưởng đoàn, với nhiệm vụ xây dựng một hệ thống truyền thanh có phương tiện kỹ thuật đầy đủ, hiện đại để đấu tranh với địch.

loa.jpg
Chiếc loa khổng lồ năm xưa trở thành hiện vật quý được trưng bày hôm nay. Ảnh: L.Đ.D

Sau thời gian thử nghiệm, ngày 20/7/1955, Đài Truyền thanh Vĩnh Linh được thành lập và chỉ một thời gian ngắn sau đó với sự đầu tư hỗ trợ đặc biệt của Trung ương, Đài Truyền thanh Vĩnh Linh đã xây dựng được 2 hệ thống truyền thanh hoàn chỉnh. Trong đó có một mạng lưới tăng âm có công suất lớn, truyền thanh phục vụ tuyên truyền cho tất cả các xã thuộc huyện Vĩnh Linh và hệ thống truyền thanh giới tuyến chạy dọc theo sông Bến Hải với chiều dài 20km.

Thời điểm đó, phóng viên Đài Truyền thanh Vĩnh Linh có mặt tại từng chiến hào, trận địa pháo để gặp gỡ, phỏng vấn lấy tư liệu. Đi đến đâu, viết đến đó, làm sao có bài, có tin để chuyển về phát sóng một cách nhanh nhất, kịp thời nhất. Mỗi tác phẩm của họ đều luôn nóng hổi tính thời sự, hừng hực khí thế chiến đấu, tinh thần thi đua lao động sản xuất và sục sôi ý chí căm hờn trước tội ác của kẻ thù. Tinh thần, sức lực và xương máu của cán bộ, phóng viên đài truyền thanh Vĩnh Linh là biểu hiện sáng ngời đạo đức những người làm báo cách mạng trong khói lửa chiến tranh.

Ôn lại truyền thống lịch sử của địa phương mình, nhà báo Võ Nguyên Thủy - Giám đốc Đài Phát thanh- Truyền hình Quảng Trị cho rằng: Với tiếng nói không ngừng nghỉ của mình, hoạt động của Đài Truyền thanh Vĩnh Linh đã góp phần động viên cổ vũ tiếp thêm niềm tin sức mạnh cho quân dân ta kiên cường bám trụ, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Họ luôn nêu cao khẩu hiệu tiếng loa át tiếng súng, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đã vượt qua mưa bom bão đạn giữ vững tiếng nói của Đảng, của hậu phương miền Bắc trong mọi lúc, mọi nơi, mọi tình huống.

huy.jpg
Nhà báo Võ Nguyên Thủy, Giám đốc Đài PTTH tỉnh Quảng Trị trình bày tham luận về “Ngành truyền thanh, truyền hình Quảng Trị hơn nửa thế kỷ đáng tự hào”. Ảnh: Quang Hải

“Do vị trí trọng yếu của mình nên khu vực Vĩnh Linh trở thành tuyến lửa, thành mục tiêu hủy diệt số một của máy bay, pháo và tàu chiến Mỹ. Làm phát thanh nơi tuyến lửa lúc này thực sự là một kỳ tích trong vô vàn kỳ tích của mảnh đất Vĩnh Linh anh hùng, mặc cho pháo bom tọa độ, mặc cho máy bay quần đảo gầm rú suốt ngày đêm”, nhà báo Võ Nguyên Thủy chia sẻ.

Không chỉ ở Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã có nhiều tấm gương hy sinh anh dũng của các nhà báo liệt sĩ, người ta chỉ được biết khi đồng đội của họ kể lại. Có người ngã xuống khi đang cùng đơn vị xe tăng truy kích như nhà báo Trần Ngọc Đặng trong chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Gianxơn - City của Mỹ, hy sinh khi vừa tròn 22 tuổi.

Có người làm báo đang ngồi trong hầm phát tin về Thông tấn xã Việt Nam thì bom xuyên xuống hầm như nhà báo Đỗ Đình Ân ở phân xã quân khu 4. Có gia đình cả hai cha con đều hy sinh cho sự nghiệp thông tấn như nhà báo Huỳnh Bỉnh Khuôn (tức Hai Nhiếp) hy sinh trên đường đi họp Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua năm 1969 và con là phóng viên nhiếp ảnh Huỳnh Văn Dũng, hy sinh tại huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Và còn bao nhiêu liệt sĩ đã hy sinh dọc các chiến trường chống Mỹ suốt từ quân Khu 4, Quảng Trị cho đến mũi Cà Mau mà chúng ta chưa biết đến, chưa được nghe kể lại. Mỗi người làm báo là một sự tích về tinh thần kiên trung, không có bút mực nào tả hết.

ba08.jpg
Các đại biểu đặt hoa tại Vách tưởng niệm Nhà báo liệt sĩ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Để tri ân những nhà báo đã hy sinh vì Tổ quốc, hằng năm Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức các đợt dâng hoa tưởng nhớ các nhà báo, liệt sĩ trước khu tưởng niệm trong Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Một không gian thiêng liêng, tiếng nhạc “hồn tử sĩ” hòa trong khói hương trầm lan tỏa quá khứ hào hùng, tưởng nhớ những cây bút ưu tú, dũng cảm thuộc nhiều cơ quan báo chí cả nước. Những bức ảnh, máy ảnh, bút mực, bản thảo, nhật ký, thư từ…của người làm báo xưa được giới thiệu đến công chúng ngày hôm nay luôn mang những câu chuyện đặc biệt của mỗi thời kỳ.

Năm 2025, trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, mỗi người làm báo được sống trong thời hòa bình sẽ không bao giờ được phép quên về một thời kỳ oanh liệt của máu và hoa. Sự hy sinh ấy thầm lặng nhưng mang đầy giá trị thiêng liêng. Họ ngã xuống để thế hệ mai sau hiểu được cái giá của hòa bình. Đó cũng là động lực để thế hệ nhà báo trẻ hôm nay tiếp bước, sống và cống hiến xứng đáng với truyền thống anh hùng ấy.

    Nổi bật
        Mới nhất
        100 năm báo chí cách mạng Việt Nam: Nhớ về đóng góp của người làm báo cho ngày thống nhất đất nước
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO