15 môn chuyên sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo cải tổ toàn diện
(CLO) Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành rà soát, điều chỉnh toàn diện chương trình giáo dục các môn chuyên tại các trường THPT chuyên bắt đầu từ 15 môn học cốt lõi.
Đây là bước đi mang tính cải tổ toàn diện được nêu rõ tại Dự thảo Thông tư quy định Chương trình giáo dục nâng cao các môn chuyên dành cho trường trung học phổ thông chuyên nhằm cập nhật nội dung theo xu hướng phát triển khoa học – công nghệ, phù hợp yêu cầu đổi mới giáo dục và phát triển năng lực học sinh trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Dự thảo sẽ hướng tới mục tiêu cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW, Luật Giáo dục 2019 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phát triển giáo dục mũi nhọn, phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu chuyên sâu.

Những môn học từng được xem là “bất biến” trong nhà trường nay sẽ được thiết kế lại để nuôi dưỡng tư duy sáng tạo, khả năng nghiên cứu và khát vọng cống hiến của thế hệ học sinh chuyên mới.
Theo đó, dự thảo Thông tư quy định chương trình giáo dục nâng cao đối với 15 môn học chuyên, được xây dựng trên cơ sở nâng cao từ chương trình chuẩn ban hành tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT.
Tuy nhiên, khác với chương trình cũ, bản dự thảo lần này không chỉ dừng ở việc mở rộng kiến thức trong nước, mà chủ động tiếp cận xu hướng quốc tế, đổi mới liên tục, theo hướng “tiệm cận chuẩn mực đào tạo tài năng của thế giới”.
Chẳng hạn, thời lượng giảng dạy được điều chỉnh theo đặc thù từng môn: Toán, Ngữ văn và các môn Ngoại ngữ như tiếng Anh, Pháp, Nhật… là 70 tiết/năm học; các môn như Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học là 52 tiết/năm học.
Khoảng 20% chương trình là nội dung bắt buộc và lựa chọn bắt buộc – vừa đảm bảo trọng tâm, vừa tạo độ mở cho giáo viên và học sinh.
Điểm mới nổi bật trong Dự thảo là tăng cường nội dung thực hành, thí nghiệm, đặc biệt với các môn khoa học tự nhiên; đồng thời tích hợp công nghệ thông tin và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động học tập, nghiên cứu.

Các chuyên đề học tập và chuyên đề giáo dục nâng cao được thiết kế có tính kết nối, liên thông với chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo thuận lợi cho giáo viên xây dựng kế hoạch giảng dạy linh hoạt, hiện đại, đồng thời khơi gợi hứng thú khám phá ở học sinh.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, chương trình nâng cao sẽ tác động tích cực đến cả giáo viên và học sinh. Với giáo viên, đây là cơ hội – đồng thời là thách thức để nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm, phát triển năng lực hướng dẫn học sinh nghiên cứu, làm dự án, tham dự các kỳ thi quốc gia và quốc tế.
Với học sinh chuyên, chương trình tạo môi trường học thuật đậm đặc, thúc đẩy tư duy phản biện, sáng tạo, khả năng tự học và tự nghiên cứu.
Đặc biệt, chương trình còn cung cấp định hướng nghề nghiệp chuyên biệt sớm thông qua các nội dung mở rộng theo ngành, lĩnh vực liên quan từ đó giúp học sinh xác định rõ lộ trình nghề nghiệp.
Về lâu dài, dự thảo Thông tư được kỳ vọng tạo nền tảng để đào tạo đội ngũ nhân lực tinh hoa cho các lĩnh vực then chốt như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu xã hội, tài chính – kinh tế, ngoại giao, giáo dục… Việc chuẩn hóa chương trình giáo dục nâng cao cũng góp phần làm tăng tính cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam trên trường quốc tế.

Dự kiến, sau khi hoàn thiện, Thông tư sẽ trở thành căn cứ pháp lý quan trọng giúp các trường THPT chuyên nâng tầm chương trình đào tạo, phát triển đúng trọng tâm, đúng định hướng chiến lược của nền giáo dục quốc gia.