16 năm Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng: Lớp phù sa lắng đọng trên mảnh đất “chưa mưa đã thấm”
(NB&CL) Năm nay, Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng, tỉnh Quảng Nam bước vào mùa giải thứ 16. Dù chỉ là một giải thưởng quy mô cấp tỉnh, nhưng Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng lại có sức hấp dẫn lớn đối với đông đảo các cơ quan báo chí và người làm báo cả nước.
Bắt đầu từ năm 2006, theo đề nghị của Hội Nhà báo Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam đã chính thức phát động và tổ chức giải thưởng báo chí thường niên mang tên nhà báo - chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng.
Tiêu chí về đề tài tác phẩm dự giải, tất nhiên là những tác phẩm báo chí về vùng đất và con người Quảng Nam; tuy nhiên Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng, ngay từ khi phát động đã có sự khác biệt so với không ít giải báo chí của nhiều địa phương khác, khi không khu biệt tác giả dự thi ở địa phương nào, đăng trên tờ báo nào trong nước.
Chính vì “sân chơi” không cục bộ, vậy nên ngay từ mùa đầu, xét chọn các tác phẩm đăng tải trong 2 năm 2006-2007, đã có nhiều tác phẩm của nhiều cơ quan báo chí và nhiều người làm báo chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước hào hứng tham dự giải thưởng.

Trao Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng do các tác giả đoạt giải.
Theo số liệu từ Hội Nhà báo Quảng Nam - cơ quan Thường trực giải thưởng, qua 16 năm tổ chức Giải Báo chí Huỳnh Thúc Kháng, giải thưởng đã 3 lần “nâng cấp” về quy mô và cả giá trị giải thưởng. Và từ mùa giải lần thứ XV (2020-2021), cơ cấu giải thưởng đã có đầy đủ cả 05 loại hình báo chí (báo in, báo hình, báo nói, báo ảnh và báo điện tử; trong đó riêng báo in và báo hình, có 02 loại giải thưởng cho mỗi loại hình báo chí theo thể loại); tổng số giải thưởng theo cơ cấu là hơn 60 giải với tổng tiền thưởng gần 500 triệu đồng. Và qua 16 lần tổ chức, đã có hơn 550 tác phẩm đoạt giải được trao thưởng.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng hằng năm, Hội Nhà báo tỉnh cũng phối hợp với các ngành, địa phương phát động và xét, trao thưởng nhiều giải thưởng báo chí chuyên đề, nhằm mở rộng “sân chơi” cho những người làm báo. Cụ thể như: Giải thưởng báo chí tuyên truyền về Bảo hiểm xã hội, Tam nông, Khởi nghiệp sáng tạo, Sâm Ngọc Linh và dược liệu, Chuyển đổi số và cải cách hành chính, Bảo vệ rừng và thích ứng biến đổi khí hậu…
Đánh giá về tầm vóc Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng, nhà báo Thái Bá Dũng - phóng viên Báo Tuổi Trẻ TP.HCM tâm sự: “Trước đây, khi thường trú ở một số tỉnh thì với các phóng viên địa bàn như tôi, giải báo chí tỉnh thường không mấy hấp dẫn. Nói ra hẳn sẽ không khỏi nhiều người buồn, nhưng thực tế rất nhiều giải báo chí tỉnh đang tự biến mình thành “ao nhà”, nặng tính cơ cấu, bài vở đạt giải thường rơi vào các đài, báo “nhà”. Trong khi đây đúng ra phải là một sân chơi sòng phẳng về nghề, một cuộc thi thố tác phẩm giữa những người làm báo với nhau.
Tuy nhiên, khi được phân công về thường trú tại Quảng Nam, Đà Nẵng, tôi được nghe đồng nghiệp dành nhiều lời khen cho Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng. Tôi tò mò và năm 2018 có gửi một tác phẩm dự thi, không ngờ năm đó đúng bài báo mình tâm huyết nhất lại được chấm giải cao nhất. Khi đứng dưới sân khấu các lễ trao, thấy đồng nghiệp được xướng tên và công bố các tác phẩm, chỉ cần nghe tên thôi cũng đã thấy phần nào sự chỉn chu trong chấm giải, trao quyết định tôn vinh tác phẩm báo chí xứng đáng từ Ban Tổ chức.
Vì vậy, nhiều năm nay, mỗi khi có thông báo nhận bài là tôi lại lọ mọ lục lại toàn bộ các bài viết tâm đắc của mình để gửi đi dự thi với niềm hy vọng lớn. Tôi nhận thấy rằng dù chỉ là một giải của địa phương, nhưng Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng thực sự là một sân chơi công bằng, hấp dẫn. Số lượng tác phẩm dự thi mà trong đó chiếm phần lớn là của các phóng viên thường trú đã cho thấy sức hấp dẫn, chất lượng của giải”.
Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Văn Cường - phóng viên Báo Thanh niên cho hay: “5 năm gắn bó với mảnh đất Quảng Nam khi làm phóng viên thường trú của Báo Thanh niên, là ngần ấy thời gian bản thân tôi tham gia Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng. Qua các lần “thi thố”, bản thân tôi nhận thấy giải thưởng này là một sân chơi bình đẳng, có tính cạnh tranh lành mạnh, cơ hội luôn “mở ra” và “chia đều” cho tất cả những người làm báo có tác phẩm báo chí thực sự xuất sắc và tiêu biểu. Cá nhân tôi đánh giá rất cao giải báo chí này, bởi nhận thấy giải báo chí rất có uy tín, có chất lượng nhất ở khu vực miền Trung”.
Thông qua nội dung phản ánh của các tác phẩm dự Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng có thể nhận diện gương mặt cuộc sống vùng đất, con người Quảng Nam trong suốt dặm dài tái lập tỉnh đến nay. Như phù sa lắng lại, các tác phẩm được vinh danh tại giải báo chí này cũng góp nguồn tư liệu để nhìn nhận diện mạo đời sống Quảng Nam, cả những câu chuyện quá khứ còn có ích cho hôm nay và mai sau.
Từ lát cắt của mỗi tác phẩm, nếu đặt bên nhau thành tổng thể sẽ thấy hiện rõ bức tranh khá toàn diện về lịch sử, văn hóa và sự phát triển của vùng đất và con người Quảng Nam. Báo chí đã trải rộng cái nhìn hầu khắp các lĩnh vực đời sống, khắp vùng miền, phản ánh những giá trị, nét đẹp của con người, sự đổi thay tích cực của cuộc sống và cũng không hề né tránh những vấn đề gai góc, vướng mắc trên hành trình phát triển Quảng Nam.
Những năm gần đây, các tác phẩm dự thi mạnh dạn đề cập những đề tài mới như bán đất dự án khi chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, vụ đường cao tốc hư hỏng sau khi đưa vào sử dụng, quy hoạch ven biển, giảm nghèo bền vững, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương… Tuy nhiên giá trị của câu chuyện thời sự được gạn lọc, cuối cùng là tác phẩm dự giải thể hiện rõ lập trường của tác giả dưới góc nhìn của mình, nhờ đó tính dự báo, giám sát và phản biện cũng trở nên sắc sảo.
Nhà báo Lê Văn Nhi - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Ban Giám khảo nhiều mùa giải cho biết, Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng tập hợp khá nhiều gương mặt báo chí chuyên và không chuyên, mỗi mùa giải quy tụ những tác phẩm chất lượng nhất qua một năm miệt mài lao động sáng tạo của đội ngũ làm báo. Qua đó đã vẽ nên sự phong phú, đa dạng trong hoạt động nghề nghiệp; thể hiện rõ sự tâm huyết, năng lực, ý thức nghề nghiệp, tâm tư tình cảm và kết quả lao động của các nhà báo.
Trong suốt 16 mùa giải đã cho thấy số lượng các tác phẩm, tác giả tham gia ở mùa sau đều nhiều hơn mùa trước. Các tờ báo có uy tín, lượng bạn đọc lớn như: Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiền phong, Lao động, Người lao động, Nhân dân, VTV, VOV... cùng các tờ báo chủ lực của địa phương như Quảng Nam, Đà Nẵng, hay như Báo Sài Gòn Giải phóng đều có tác phẩm dự giải.
Loại hình và thể loại báo chí cũng có sự chuyển động theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xu hướng báo chí phân tích, báo chí giải pháp, báo chí dữ liệu với nền tảng đa phương tiện đang lên ngôi. Trong khi đó, các thể loại báo chí truyền thống trên vẫn duy trì chất lượng với đầy đủ thể loại từ phản ánh, chính luận, đến phóng sự, ký sự, ghi chép,...
16 năm, cùng với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam, báo chí Quảng Nam cũng có bước phát triển và trưởng thành về nhiều mặt. Trong đó, Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng đã là một trong những nguồn động lực quan trọng, góp phần động viên, tôn vinh, cổ vũ các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo chung tay vì sự phát triển của vùng đất “chưa mưa đã thấm này”.
Mai Phúc