3.000 tỷ USD tiền tiết kiệm của người Mỹ ‘bốc hơi’ sau 3 năm
(CLO) Chỉ sau ba năm, 2.100 tỷ USD tiết kiệm của người Mỹ đã cạn sạch, để lại khoản âm 900 tỷ USD trong quý II/2024.
Khoảng tiết kiệm từng là niềm tự hào của các hộ gia đình Mỹ đã không còn. Từ tháng 3/2020 đến tháng 8/2021, người dân nước này tích lũy được khoảng 2.100 tỷ USD tiền mặt dư thừa, chủ yếu nhờ các gói hỗ trợ kinh tế từ chính phủ và việc chi tiêu giảm mạnh trong giai đoạn đại dịch. Thế nhưng, đến nay, số tiền ấy đã hoàn toàn cạn kiệt.

Tính đến quý II/2024, mức tiết kiệm thậm chí rơi xuống ngưỡng âm 900 tỷ USD, khi người dân không ngừng chi tiêu trong bối cảnh gánh nặng nợ nần ngày càng chồng chất.
Tỷ lệ tiết kiệm lao dốc, dân Mỹ chật vật
Thói quen tiết kiệm của người Mỹ đang thay đổi rõ rệt. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân giảm từ mức 4,1% trong tháng 2/2025 xuống còn 3,9% vào tháng 3 cùng năm. Trước đại dịch, con số này thường dao động trong khoảng 5% đến 6% thu nhập.
Sự sụt giảm ấy phản ánh thực trạng người tiêu dùng đang phải nỗ lực hết sức để duy trì mức sống, nhưng dường như không thể bắt kịp với những áp lực kinh tế ngày càng lớn.
Chi tiêu tăng vọt giữa lúc kinh tế chững lại
Tháng 3 vừa qua, chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ bất ngờ tăng mạnh 0,7%. Người dân đổ xô mua sắm ô tô và xe tải để tránh đợt tăng giá do ảnh hưởng từ thuế nhập khẩu.
Trước đó, mức chi tiêu trong tháng 2 cũng được điều chỉnh cao hơn so với dự báo ban đầu, đạt 0,5%. Dù vậy, các nhà kinh tế vẫn giữ quan điểm rằng nền kinh tế đang dần mất đà.
Báo cáo GDP quý I càng củng cố nhận định này, khi cho thấy kinh tế Mỹ suy giảm 0,3% tính trên cơ sở hàng năm. Nguyên nhân một phần đến từ việc nhập khẩu tăng vọt, kéo tụt đà tăng trưởng chung.
Ông Justin Anderson, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Capital Metrics, nhận xét: “Người dân đang phải chi tiêu chỉ để giữ cho cuộc sống không trượt dốc, trong khi nền kinh tế không mang lại bất kỳ điểm tựa nào đáng kể”.
Áp lực lạm phát và chính sách thuế quan mới
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), công cụ đo lạm phát mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thường sử dụng, ghi nhận mức tăng 2,3% trong 12 tháng tính đến tháng 3. Con số này giảm so với mức 2,7% của tháng 2.
Trong khi đó, chỉ số PCE lõi, không tính thực phẩm và năng lượng, giữ ổn định so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 3,0% vào tháng 2.
Tuy nhiên, áp lực giá cả chưa dừng lại. Các chính sách thuế quan mới do Tổng thống Donald Trump đề xuất dự kiến sẽ khiến giá hàng hóa leo thang. Nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng điều này có thể khơi mào một đợt lạm phát mới.
Đáng chú ý, kỳ vọng lạm phát ngắn hạn của người tiêu dùng vừa chạm mức cao nhất kể từ năm 1981, cho thấy tâm lý lo ngại ngày càng lan rộng.