33 tàu bay tại Việt Nam phải bảo quản, dừng khai thác trên 12 tháng
(CLO) Theo Cục Hàng không Việt Nam, bên cạnh những điểm tích cực thì năm 2024, ngành hàng không còn gặp phải một số khó khăn. Đặc biệt là tình trạng thiếu tàu bay khai thác do lệnh triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt Whitney.
Thống kê cho thấy tính đến ngày 20/12/2024, tổng số tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam là 249 chiếc gồm 220 tàu bay cánh bằng và 29 trực thăng; giảm 12 tàu bay so với năm 2023.

Sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam trong năm 2024 đạt 53,3 triệu khách. Ảnh minh họa.
Đáng chú ý có tới 33 tàu bay đang phải bảo quản dừng bay trên 12 tháng, tăng 16 tàu bay phải bảo quản dừng bay so với năm 2023.
Sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam đạt 53,3 triệu khách (giảm nhẹ 4,5% so với năm 2023).
Tuy nhiên sản lượng hành khách quốc tế tăng 18,5% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng vận chuyển hàng hóa đạt 445,7 nghìn tấn.
Cũng trong năm 2024, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện được 306.000 chuyến (giảm 11% so với cùng kỳ 2023) tương ứng với 674.000 giờ bay.
Đáng giá của Cục Hàng không, hoạt động khai thác của các hãng hàng không Việt Nam đã dần phục hồi, hoạt động vận tải hàng không cơ bản đảm bảo an toàn. Các chỉ số an toàn trên 1000 chuyến bay được duy trì tốt.
Nhưng bên cạnh đó tình trạng thiếu tàu bay khai thác tiếp tục diễn ra do lệnh triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt Whitney; nguồn cung ứng thiết bị tàu bay khó khăn.
Các hãng hàng không tối ưu hoá thời gian sử dụng tàu bay để đáp ứng nhu cầu vận chuyển làm tăng áp lực cho hệ thống bảo dưỡng, cung ứng vật tư, khí tài.
Sự phối hợp giữa các bên liên quan trong chia sẻ thông tin, xử lý sự cố chưa được chặt chẽ; hệ thống thu thập, phân tích dữ liệu về an toàn còn chưa đồng bộ, hiệu quả,...Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo triển khai các giải pháp giảm thiểu rủi ro.