Thị trường - Doanh nghiệp

‏4 cựu lãnh đạo Volkswagen bị kết tội gian lận khí thải‏

‏Dũng Phan‏‏ (Theo The New York Times)‏ 27/05/2025 06:45

‏(CLO) Đức kết án 4 cựu lãnh đạo Volkswagen sau ba năm xét xử, khép lại chương đen tối khiến hãng thiệt hại hơn 30 tỷ USD.‏

Vào ngày thứ Hai vừa qua, bốn cựu lãnh đạo cấp cao của hãng xe Volkswagen đã bị tòa án tại Đức kết tội lừa đảo liên quan đến vụ bê bối gian lận khí thải. ‏

770-202505270632381.png
‏Hình ảnh trụ sở chính của Volkswagen tại Wolfsburg, Đức. Ảnh: Filip Singer‏

‏Vụ việc từng gây rúng động ngành công nghiệp ô tô cách đây một thập kỷ, đồng thời góp phần đẩy nhanh xu hướng chuyển đổi từ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe chạy bằng pin điện.‏

‏Bốn nhân vật này đều từng đảm nhiệm những vị trí quan trọng tại Volkswagen, chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển công nghệ động cơ.

Sau hơn ba năm xét xử tại thành phố Braunschweig, gần trụ sở chính của Volkswagen ở Wolfsburg, hội đồng xét xử đã đưa ra phán quyết cuối cùng. Buổi công bố bản án kéo dài gần bốn tiếng, thu hút sự chú ý lớn từ dư luận.‏

‏Trong số bốn bị cáo, hai người phải đối mặt với án tù giam, trong khi hai người còn lại nhận án treo. ‏

‏Ông Jens Hadler, từng phụ trách phát triển động cơ diesel, nhận mức án nặng nhất với bốn năm sáu tháng tù. Ông Hanno Jelden, cựu quản lý mảng điện tử động cơ, bị tuyên án hai năm bảy tháng tù. ‏

‏Hai người được hưởng án treo gồm ông Heinz-Jakob Neusser, phụ trách phát triển linh kiện, với mức án một năm ba tháng, và một chuyên gia về khí thải được xác định là Thorsten D., nhận án một năm mười tháng.‏

‏Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Christian Schütz, nhấn mạnh rằng hành vi lừa đảo của các cựu lãnh đạo này là “đặc biệt nghiêm trọng”. Ông thậm chí còn ví họ như một “băng nhóm” trong quá trình phạm tội. ‏

‏Theo thẩm phán Schütz, ông Jens Hadler đã biết về phần mềm gian lận từ ít nhất tháng 9 năm 2007. Các email nội bộ được trình bày tại tòa cho thấy thông tin này chỉ được chia sẻ trong một nhóm nhỏ, cố tình che giấu sự thật với cơ quan quản lý và công chúng.‏

‏Phán quyết của tòa vẫn có thể được kháng cáo trong vòng một tuần. Luật sư Philipp Gehrmann, người đại diện cho ông Hanno Jelden, bày tỏ quan điểm rằng bản án là “không công bằng”, bởi thân chủ của ông đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong suốt quá trình xét xử.‏

‏Vụ bê bối bắt nguồn từ việc Volkswagen thừa nhận một số kỹ sư của hãng đã cài đặt phần mềm đặc biệt vào xe chạy diesel. Phần mềm này giúp xe nhận diện thời điểm đang được kiểm tra khí thải, từ đó tự động tăng cường kiểm soát để đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng không khí. ‏

‏Tuy nhiên, trong điều kiện vận hành thực tế, mức phát thải của những chiếc xe này vượt xa cả xe tải đường dài, không thể đáp ứng các quy định khí thải một cách liên tục.‏

‏Trước khi sự thật được phơi bày vào năm 2015, xe chạy diesel từng chiếm hơn một nửa thị trường ô tô tại châu Âu. Vụ việc đã giáng một đòn mạnh vào uy tín của công nghệ diesel mà Volkswagen từng quảng bá là “sạch”. ‏

‏Đến nay, tỷ lệ xe diesel mới đăng ký tại châu Âu đã giảm xuống dưới 10%, trong khi xe điện và xe hybrid cắm sạc chiếm tới 25% thị trường xe mới.‏

‏Nhằm khắc phục hậu quả và lấy lại lòng tin, Volkswagen đã dồn lực vào phát triển xe điện. Hiện tại, hãng này đã vươn lên trở thành nhà sản xuất xe điện hàng đầu tại châu Âu. ‏

‏Theo số liệu từ JATO Dynamics, một công ty nghiên cứu thị trường, trong tháng 4 vừa qua, Volkswagen đã bán được số xe điện gấp ba lần so với Tesla tại khu vực này.‏

‏Tuy nhiên, vụ bê bối vẫn chưa khép lại hoàn toàn. Hơn 30 cựu kỹ sư và quản lý của Volkswagen vẫn đang chờ xét xử. Trong số đó, ông Martin Winterkorn, cựu giám đốc điều hành của hãng, là một nhân vật đáng chú ý. ‏

‏Phiên tòa của ông Winterkorn hiện bị hoãn vô thời hạn do sức khỏe kém, và chưa rõ liệu quá trình xét xử có được tiếp tục hay không. Ông Winterkorn đã nhiều lần khẳng định mình không liên quan đến các sai phạm.‏

‏Cho đến thời điểm hiện tại, nhân vật cấp cao nhất của Volkswagen bị kết án trong vụ việc này là ông Rupert Stadler, cựu giám đốc điều hành Audi - thương hiệu xe sang thuộc tập đoàn Volkswagen. ‏

‏Ông Stadler, người từng giữ vai trò thành viên hội đồng quản trị của Volkswagen, đã nhận tội vào năm 2023 khi phiên tòa tại Munich sắp kết thúc. Ông được hưởng án treo và phải nộp khoản tiền phạt hơn 1 triệu USD.‏

‏Theo lời khai tại tòa, bốn cựu lãnh đạo bị kết án lần này thuộc một nhóm đã âm mưu lừa dối cơ quan quản lý. Họ buộc phải hành động như vậy sau khi nhận thấy không thể đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải trong giới hạn tài chính mà ban lãnh đạo cấp cao đề ra.‏

‏Chuyên gia ô tô Ferdinand Dudenhöffer, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô tô tại Bochum, Đức, người từng làm việc tại Volkswagen giai đoạn đầu sự nghiệp, nhận định rằng bốn người này chỉ là “những con tốt thí”. Ông cho rằng vụ bê bối bắt nguồn từ một hệ thống quản lý dựa trên sự sợ hãi và phục tùng, do những nhà lãnh đạo cứng nhắc tạo ra.‏

‏Dưới sự điều hành của ông Oliver Blume, giám đốc điều hành hiện tại, Volkswagen được cho là đã có nhiều thay đổi tích cực. Theo ông Dudenhöffer, ông Blume là một lãnh đạo được kính trọng nhưng không khiến nhân viên phải e ngại.‏

‏Tính đến nay, vụ bê bối khí thải đã khiến Volkswagen thiệt hại hơn 30 tỷ USD cho các khoản tiền phạt và chi phí pháp lý, để lại bài học đắt giá cho ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.‏

    Nổi bật
        Mới nhất
        ‏4 cựu lãnh đạo Volkswagen bị kết tội gian lận khí thải‏
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO