4 người bị phạt 7.700 USD vì buôn lậu kiến
(CLO) Một tòa án Kenya hôm 7/5 đã phạt 4 người đàn ông 7.700 USD mỗi người vì cố gắng vận chuyển hàng nghìn con kiến ra khỏi đất nước.
4 người đàn ông, gồm hai thiếu niên người Bỉ, một người Việt Nam và một người Kenya, bị phạt mỗi người 1 triệu shilling Kenya (khoảng 7.700 USD) hoặc đối mặt với án tù 12 tháng, sau khi họ nhận tội cố gắng buôn lậu khoảng 5.440 con kiến gặt khổng lồ ra nước ngoài.
Vụ bắt giữ diễn ra hôm 5/4 tại Sân bay quốc tế Jomo Kenyatta (JKIA), Nairobi, khi nhóm này đang tìm cách đưa lô kiến khổng lồ sang Hàn Quốc.
Theo Cơ quan Bảo vệ Động vật Hoang dã Kenya (KWS), 4 người này là mắt xích trong một đường dây buôn lậu kiến hoạt động liên lục địa, cung cấp cho cả thị trường châu Âu lẫn châu Á.
.png)
Loài kiến bị buôn lậu là Messor cephalotes, còn gọi là kiến gặt khổng lồ, có màu đỏ đặc trưng và có nguồn gốc từ Đông Phi. Đây là loài kiến lớn nhất trong họ, với chiều dài lên tới 20 mm đối với kiến thợ và 25 mm đối với kiến chúa. Chúng được săn lùng bởi giới chơi kiến quốc tế, những người nuôi và quan sát các đàn kiến trong các bình kính (formicarium) như thú cưng.
Giá trị thị trường của đàn kiến bị thu giữ tại Kenya được định giá khoảng 9.300 USD, nhưng các chuyên gia cho rằng nếu lọt sang châu Âu hoặc Hàn Quốc, số kiến này có thể mang lại doanh thu lên tới 1 triệu USD do nhu cầu cao và độ hiếm.
Hai nghi phạm người Bỉ bị bắt tại Quận Nakuru, nơi có nhiều công viên quốc gia, cùng 5.000 con kiến được giấu trong 2.244 ống nghiệm, mỗi ống lót bông gòn để giữ sự sống cho kiến trong nhiều tháng. Hai nghi phạm còn lại bị phát hiện tại một căn hộ ở Nairobi với khoảng 400 con kiến khác.
Thẩm phán Njeri Thuku, người xét xử vụ án tại tòa án cấp cao JKIA, cho biết mức phạt trên phản ánh tính chất nghiêm trọng của hành vi. Còn theo KWS, đây không chỉ là vi phạm luật bảo tồn động vật hoang dã mà còn cấu thành tội "cướp sinh vật", một hình thức mới của nạn khai thác đa dạng sinh học trái phép.