6 năm liên tiếp 'vỡ kế hoạch', Fecon (FCN) lấy đâu vốn thực hiện loạt dự án mới?
(CLO) Fecon (FCN) liên tiếp 'vỡ kế hoạch' kinh doanh trong 6 năm vừa qua. Nợ phải trả đã lên tới 5.338 tỷ đồng, công ty sẽ lấy đâu vốn để thực hiện các dự án mới?
6 năm liên tiếp vỡ kế hoạch: FCN “quen” với việc không hoàn thành mục tiêu
Từ năm 2019 đến nay, FECON chưa một lần hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm. Đáng chú ý, năm 2023, doanh thu đạt 1.890 tỷ đồng (90% kế hoạch), nhưng công ty vẫn báo lỗ ròng 42 tỷ đồng – mức thấp nhất trong 5 năm gần nhất. Công ty mẹ cũng ghi nhận lỗ sau thuế 32 tỷ đồng, trong khi kế hoạch đặt ra là lãi 125 tỷ đồng.

Lịch sử cho thấy tình trạng đặt mục tiêu cao nhưng thực hiện thấp đã trở thành “truyền thống” của FCN. Năm 2019, lãi đạt 221 tỷ đồng (62% kế hoạch); 2020 đạt 133,6 tỷ đồng (57%); năm 2021 chỉ còn 70,8 tỷ đồng (40,4%); năm 2022 tiếp tục tụt xuống 51,6 tỷ đồng (18%).
Sang năm 2024, công ty tiếp tục đặt mục tiêu cao với doanh thu 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả thực tế cho thấy FECON chỉ hoàn thành 84,4% kế hoạch doanh thu và 50,3% mục tiêu lợi nhuận. Biên lợi nhuận ròng của công ty chỉ vỏn vẹn 0,9% - tức 100 đồng doanh thu chưa mang về nổi 1 đồng lãi.
Đồng thời năm 2024 cũng là năm thứ 6 liên tiếp Fecon tiếp nối 'truyền thống' đặt kế hoạch kinh doanh mà không hoàn thành của mình.
Cổ đông lớn “rút lui” sau khi chốt lời, niềm tin lung lay?
Một diễn biến đáng chú ý khác vào đầu năm 2025, công ty Quản lý Quỹ HD (HD Capital) – cổ đông lớn của FECON – đã 'xả' bán ra 5 triệu cổ phiếu FCN.
Qua đó cổ đông này giảm sở hữu từ 14,29% xuống còn 11,12%. Thương vụ được thực hiện tại mức giá trung bình 15.300 đồng/cp, giúp HD Capital thu về khoảng 76,5 tỷ đồng – lợi nhuận gần 18% sau 4 tháng nắm giữ.
Động thái rút vốn này diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của FECON không đạt kỳ vọng và doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với chi phí lãi vay lớn. Việc cổ đông lớn giảm tỷ lệ sở hữu có thể khiến áp lực chốt lời gia tăng và làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư cá nhân.
Hợp tác lớn, tham vọng cao – nhưng tiền đâu để thực hiện?
Ngày 12/4/2025, FECON ký biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với PowerChina để cùng triển khai hàng loạt dự án quy mô lớn như đường sắt tốc độ cao, điện khí LNG, điện hạt nhân, cảng biển, logistic, điện tích năng... Tuy nhiên, điều khiến giới quan sát quan ngại là khả năng tài chính hiện tại của FECON.
Tính đến cuối năm 2024, tổng nợ phải trả của FECON lên tới 6.336 tỷ đồng – tăng gần 1.117 tỷ đồng chỉ trong 12 tháng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 5.338 tỷ đồng (tăng 19%), nợ dài hạn cũng vượt 997 tỷ đồng. Với vốn chủ sở hữu 3.368 tỷ đồng và biên lợi nhuận ròng chưa đến 1%, việc tự triển khai các dự án vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng là điều không thực tế.
Dù nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ đối tác nước ngoài, khả năng góp vốn đối ứng từ phía FECON vẫn là dấu hỏi lớn. Nếu không có giải pháp huy động vốn mới hiệu quả, nhiều dự án có thể bị đình trệ hoặc FECON chỉ đóng vai trò nhà thầu phụ, thay vì là đối tác ngang hàng như kỳ vọng.