6 tháng qua, ngành nông nghiệp không tăng trưởng

30/06/2016 06:51

Ngày 29/6, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị “Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vu công tác 6 tháng cuối năm 2016”. Lần đầu tiên ngành nông nghiệp không tăng trưởng hay nói đúng hơn là tăng trưởng âm, điều này đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

(CLO) Ngày 29/6, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị “Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vu công tác 6 tháng cuối năm 2016”. Lần đầu tiên ngành nông nghiệp không tăng trưởng hay nói đúng hơn là tăng trưởng âm, điều này đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

[caption id="attachment_106112" align="aligncenter" width="660"]thuysan Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, 6 tháng đầu năm 2016, ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn nhất từ trước đến nay. Không chỉ hứng chịu thiên tai và ô nhiễm nặng nề mà thị trường cũng khó khăn nhất. (Ảnh Internet)[/caption]

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT tổng sản phẩm toàn ngành trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm 0,18% do quý I giảm mạnh tới 1,32%, Trồng trọt và thuỷ sản là 2 lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nhất do hạn hán, xâm nhập mặn và sự cố môi trường lần đầu tiên xuất hiện tại 4 tỉnh ven biển miền Trung.

Theo đó, vụ lúa Đông Xuân cả nước đạt 19,37 triệu tấn, giảm 1,326 triệu tấn (-6,4%) so với vụ Đông Xuân năm 2015, riêng Đồng bằng sông Cửu Long giảm 1,14 triệu tấn so với cùng kỳ (-10,2%).

Bên cạnh đó, các loại cây trồng ngắn ngày cũng có diện tích và sản lượng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Các loại cây công nghiệp dài ngày, chủ yếu tập trung thâm canh diện tích sẵn có, trồng mới không nhiều, tập trung trồng tái canh cây cà phê, cải tạo vườn điều, vườn cao su.

Về lĩnh vực thuỷ sản, ô nhiễm nước biển khiến cá chết hàng loạt bất thường tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế vào tháng 4 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân. Trong 6 tháng qua, sản lượng khai thác thủy sản ở 4 tỉnh miền Trung sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.

Cụ thể, Hà Tĩnh giảm 16.000 tấn (6%), Quảng Bình giảm gần 24.000 tấn (8,7%), Quảng Trị giảm 16.000 tấn (14,3%), Thừa Thiên Huế giảm hơn 13.000 tấn (giảm 30%).

Đối với nuôi trồng thủy sản, riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có 81.000 ha nuôi tôm nước lợ bị ảnh hưởng. Người dân hạn chế thả giống nên sản xuất giống tôm nước lợ gặp khó khăn. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ thủy sản cũng gặp bất lợi do một số thị trường lớn giảm nhu cầu nhập khẩu. Một số nước đưa ra các yêu cầu kỹ thuật cao hơn trước đây, các cảnh báo về chất lượng đối với các lô hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viên trưởng Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định: Tăng trưởng nông nghiệp có giảm, cao nhất cũng chỉ giảm mức độ đóng góp từ 0,5-0,6% cho GDP của nền kinh tế, nhưng vấn đề quan trọng hơn cấp dộ vĩ mô của nền kinh tế chính là đời sống của 45-46% lực lượng lao động, 70% dân số hiện nay đang sống ở nông thôn.

Để khắc phục những khó khăn của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu thực hiện các giải pháp đồng bộ để sản xuất nông nghiệp có khả năng cạnh tranh cao hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trong chỉ đạo điều hành phải luôn sâu sát, quyết liệt, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quản lý nhà nước, trong đó đặc biệt là xây dựng thực hiện các cơ chế, chính sách, nhất là các cơ chế chính sách có tính chất động lực. Chỉ đạo giải quyết các vấn đề tình thế nhưng cũng phải chú ý đến vấn đề dài hạn, phương châm là “suy nghĩ chiến lược, hành động cụ thể".

"Thời gian tới, để khôi phục sản xuát ở các vùng nông nghiệp thiên tai, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phù hợp với diễn biến thời tiết. Trong tuần tới, một chính sách chuyển nghề, khôi phục môi trường và tạo việc làm cho ngư dân sẽ được trình Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho ngành thuỷ sản phát triển bền vững", Bộ Trưởng Cao Đức Phát cho biết.

Giang Phan

    Nổi bật
        Mới nhất
        6 tháng qua, ngành nông nghiệp không tăng trưởng
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO