Tại lễ kỷ niệm 60 cựu sinh viên là những tấm gương sáng, tiêu biểu cho thành tựu đào tạo của trường ĐH Văn khoa - ĐH Tổng hợp - ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã được công bố và vinh danh.
Tên tuổi của nhiều chính trị gia đã được vinh danh tại lễ kỷ niệm 60 năm Đại học Văn khoa Sài Gòn (1957-1976) - Đại học Tổng hợp TP.HCM (1977-1995) - Trường ĐHKHXH-NV, như: Ông Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước; Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội; Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; Ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TP. HCM; Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương; Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước; Ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM...
Bên cạnh đó, nhiều nhà giáo, doanh nhân, văn nghệ sĩ nổi tiếng như: GS.TS Huỳnh Như Phương, nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã, nhà văn - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, cố nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, nhạc sĩ Trần Long Ẩn, nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, nhạc sĩ Tôn Thất Lập, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, nhà văn - nhà thơ Lê Minh Quốc, cựu diễn viên Võ Sông Hương, doanh nhân Đoàn Hữu Đức, doanh nhân Phạm Phú Quốc... được vinh danh trong dịp này.
Trong diễn văn phát biểu tại lễ kỷ niệm, PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng nhà trường, khẳng định ĐHKHXH&NV - ĐHQG-HCM là một trong số ít các trường đại học của Việt Nam có lịch sử 60 năm hình thành và phát triển. Nhà trường đã tạo ra nhiều giá trị, triết lý giáo dục và truyền thống văn hóa đại học đáng tự hào; đã có nhiều đóng góp to lớn trong những giai đoạn thăng trầm khác nhau của lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Sài Gòn – TP.HCM nói riêng.
Theo lịch sử hình thành, có nguồn gốc là lớp Cao đẳng dự bị Văn chương Pháp - chi nhánh Sài Gòn (thuộc Viện Đại học Hà Nội - ĐH hỗn hợp Việt - Pháp Hà Nội), đến nay, Trường ĐH KHXH&NV đã “trở thành cơ sở hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng của Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; cung cấp các dịch vụ khoa học và giáo dục chất lượng cao cho nền kinh tế quốc dân; làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách xã hội; góp phần tạo dựng vị thế của khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam trong khu vực, khẳng định vị thế của một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học quan trọng ở Đông Nam Á”.
Đến nay, Trường đã đào tạo, cung cấp cho đất nước một đội ngũ trí thức đông đảo với trên 75.000 cử nhân khoa học, hơn 7.000 thạc sĩ và trên 600 tiến sĩ, phục vụ trên nhiều lĩnh vực ở mọi miền của Tổ quốc.
“Ngày nay, trước nhu cầu học tập đa dạng của người học trong một xã hội học tập, xu thế hội nhập, tiếp cận với trình độ khu vực và quốc tế, nhà trường tiếp tục là đơn vị đi tiên phong khai mở ra những ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học mới, như Đông phương học, Nhân học, Việt Nam học, Quan hệ quốc tế, Đô thị học, Hàn Quốc học, Nhật Bản học… Trong đó có những ngành lần đầu tiên được đào tạo tại Trường và sau đó được các trường đại học ở Việt Nam đưa vào đào tạo. Trường cũng đi đầu trong chuẩn hóa và hội nhập, xây dựng chuẩn đầu ra các ngành đào tạo dựa trên các chuẩn đánh giá quốc tế, như tiêu chuẩn đánh giá của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) hoặc theo định hướng CDIO” - PGS.TS Võ Văn Sen khẳng định.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao những thành quả nhà trường đạt được. Phó Chủ tịch nước nhắn nhủ, để tiếp tục phát triển, nhà trường cần tập trung thực hiện tốt các nội dung như xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên mạnh về cả số lượng và chất lượng; Tiếp tục quan tâm tới chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Đặc biệt, Phó Chủ tịch nước đề nghị nhà trường không ngừng chuẩn hóa, đổi mới về quản trị đại học, kết hợp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu để trường sớm trở thành một ĐH hàng đầu trong khu vực châu Á về lĩnh vực KHXH&NV.
Thanh Hải