7 giải pháp, 6 nhiệm vụ chính giúp Lào Cai giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững.
Nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; 7 giải pháp và 6 nhiệm vụ chính đã và đang được tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện trong năm 2025.
Trong những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững tại tỉnh Lào Cai đã được triển khai nghiêm túc, hiệu quả và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các ngành chức năng và người dân. Theo đó, các chính sách hỗ trợ về tín dụng, giống cây trồng – vật nuôi, kỹ thuật sản xuất và an sinh xã hội đã góp phần ổn định cuộc sống, tạo nền tảng để người nghèo chủ động vươn lên, từng bước thoát nghèo và hướng đến phát triển bền vững.
Cùng với đó, tỉnh Lào Cai đã nỗ lực đẩy mạnh công tác giảm nghèo thông tin, nhằm truyền tải kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo; góp phần làm người nghèo thay đổi nhận thức, hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của công tác giảm nghèo, từ đó quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.
Lào Cai đặt ra mục tiêu trong năm 2025 phấn đấu giảm trên 2.000 hộ cận nghèo; hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa hơn 3.000 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.
.jpg)
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; 7 giải pháp và 6 nhiệm vụ chính đã và đang được tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện trong năm 2025, bao gồm: Nâng cao ý thức tự giác thoát nghèo của hộ nghèo, người nghèo; nghiên cứu xây dựng mô hình Tổ tự quản giảm nghèo để tập hợp các hộ khá giả hoặc đã thoát nghèo với các hộ nghèo, cận nghèo giúp nhau giảm nghèo bền vững.
Tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số thông qua đào tạo nghề, tư vấn, giải quyết việc làm ổn định. Trong đó đào tạo mới, bồi dưỡng lại cho trên 11.500 người; tổ chức trên 70 phiên giao dịch, hội nghị tuyên truyền, tư vấn chính sách việc làm, giới thiệu việc làm, thu hút trên 150 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động, mỗi phiên thu hút khoảng 35-45 người lao động tham gia, tạo sự lan tỏa cho khoảng 15.000 lượt người.
Giải quyết việc làm cho 10.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động trên 200 lao động. Bên cạnh đó thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay phát triển kinh tế - xã hội tại các xã có tỉ lệ hộ nghèo từ 40%.
Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: Giáo dục và Đào tạo; y tế; xóa nhà tạm, nhà dột nát; thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; tăng cường đưa thông tin về cơ sở…
Tổ chức các phong trào thi đua giảm nghèo: Kịp thời khen thưởng, biểu dương và nhân rộng những gương điển hình tiên tiến trong giảm nghèo và thực hiện công tác giảm nghèo.
Vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhất là dòng họ, xóm làng cùng chung tay hỗ trợ, chia sẻ trong cuộc sống và trong lao động, sản xuất để người nghèo vươn lên thoát nghèo.
Tiếp tục rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã. Thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ đến công tác tại các xã có tỉ lệ hộ nghèo cao, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giao trách nhiệm, chỉ tiêu thi đua cụ thể đối với cấp ủy đảng, chính quyền và cán bộ đảng viên (đặc biệt là người đứng đầu) trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Thực hiện có hiệu quả các đề án trọng tâm của Tỉnh ủy giai đoạn 2020 - 2025 nhằm góp phần giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện, gắn với sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo. Làm tốt công tác thi đua khen thưởng để kịp thời động viên những tập thể, cá nhân.
Có thể nói phát triển kinh tế – xã hội và giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ chiến lược, có vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành và sự tham gia chủ động của cộng đồng dân cư sẽ là nhân tố quyết định đến tính hiệu quả và tính bền vững nhằm hướng tới mục tiêu đưa tỉnh Lào Cai phát triển nhanh, toàn diện và bền vững trong những năm tới.