80 năm một niềm tin yêu!
(NB&CL) Gần 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, sự đùm bọc, chở che của Nhân dân, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã cùng toàn Đảng, toàn dân viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc, xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”.
Bài liên quan
Bộ đội cụ Hồ - Danh xưng độc đáo, trìu mến và thiêng liêng
Biểu tượng đó đã đi vào lịch sử một cách tự nhiên và trở thành một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh. Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy là một vị tướng đặc biệt, ông từng trực tiếp tham gia chiến đấu và chỉ huy qua 3 cuộc chiến hào hùng của dân tộc (chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc). Trước khi nghỉ hưu, ông là Quyền Tư lệnh Quân khu 2 (Bộ Quốc phòng). Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy để nghe ông chia sẻ và hiểu rõ hơn về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” – Biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân!

Hội nghị tổng kết chiến dịch Hồ Chí Minh của Quân đoàn 2 tại Thủ Đức, tháng 5/1976. (Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đứng ngoài cùng bên trái qua. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đứng thứ 3 từ trái. Tại thời điểm tháng 5/1976, đồng chí Lê Khả Phiêu mang quân hàm Đại tá, giữ chức vụ Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn 2; Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy mang quân hàm Thượng tá, giữ chức vụ Phó Tư lệnh Sư đoàn 325, thuộc Quân đoàn 2, Bộ Quốc phòng. Ảnh tư liệu: do nhân vật cung cấp.
+ Thưa Thiếu tướng, gần 80 năm qua, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành biểu tượng sự kết tinh những giá trị văn hóa độc đáo thời đại mới, thể hiện tình cảm của cả dân tộc dành cho những người lính Cụ Hồ “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu”. Là người lính từng trực tiếp tham gia chiến đấu và chỉ huy qua 3 cuộc chiến hào hùng của dân tộc, góp phần vào công cuộc giành và giữ độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, cảm xúc của Thiếu tướng như thế nào mỗi khi nhắc đến danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ”?
- Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy: Đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, mỗi khi nhắc tới danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ” là thấy được niềm vinh dự tự hào và tình cảm thân thương của Nhân dân dành cho những người lính “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu”. Trên thế giới này, hiếm có một nước nào lấy tên lãnh tụ đặt tên cho quân đội nước mình như ở Việt Nam. Bác Hồ còn được Nhân dân và Quân đội tôn kính coi là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân.
Đi đôi với niềm vinh dự, tự hào, mỗi người cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam còn nhận thấy một trách nhiệm nặng nề - đó là ra sức học tập, rèn luyện, nâng cao ý chí chiến đấu, nâng cao năng lực về mọi mặt; đồng thời, cùng Nhân dân xây dựng Đất nước giàu, mạnh; luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, đánh thắng mọi kẻ thù; bảo vệ độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo Việt Nam.
+ Vậy, theo Thiếu tướng, việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân”, “lấy dân là gốc” có ý nghĩa như thế nào trong quá trình đấu tranh cách mạng, xây dựng và trưởng thành của quân đội ta, đặc biệt là đối với vấn đề bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới?
- Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy: Việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân”, “lấy dân làm gốc” có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong ba cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và quân “bành trướng” phương Bắc, chính vì có đường lối chiến tranh nhân dân, biết “dựa vào dân”, “lấy dân làm gốc” nên ta đã đánh thắng cả ba kẻ thù to lớn, giành độc lập, tự do, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.
Trong tình hình mới hiện nay, thế giới diễn biến phức tạp; khoa học - công nghệ phát triển; khoa học - công nghệ sử dụng cho chiến tranh cũng phát triển, nhưng xây dựng nền quốc phòng toàn dân vẫn phải “lấy dân làm gốc”, động viên sức mạnh toàn dân, đặc biệt là các thế hệ trẻ phải ra sức học tập nâng cao tri thức, đem tri thức vào xây dựng Đất nước: giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, “cả nước một lòng”, “quân - dân một ý chí” thì kẻ thù dù mạnh đến đâu, ta cũng đánh thắng.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy.
+ Mỗi việc làm, hành động đẹp của người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã làm sáng đẹp thêm hình ảnh của Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Thưa Thiếu tướng, ông có niềm tin và muốn gửi gắm thông điệp gì cho thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ” đang tiếp bước cha ông, tô thắm thêm những trang sử hào hùng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay?
- Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, Quân đội nhân dân Việt Nam ngay từ khi mới ra đời ngày 22/12/1944, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thảo ra “mười lời thề danh dự”. Thực hiện mười lời thề danh dự mà Quân đội ta ngày càng phát triển vững mạnh, đánh thắng tất cả các kẻ thù, giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng phát triển, tươi đẹp.
Với thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ” ngày nay, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phải ra sức học tập, nâng cao tri thức, nắm vững khoa học - công nghệ, đặc biệt là khoa học - công nghệ chiến tranh; tiếp thu những tinh hoa trong chiến đấu mà cha ông đã để lại; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, hiện đại để bảo vệ Nhân dân, bảo vệ độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam!
+ Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
Nguyễn Hường (Thực hiện)