80% người lang thang xin tiền thuộc diện bị các đối tượng bảo kê, chăn dắt

15/08/2023 21:01

(CLO) Lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, có đến 80% người lang thang xin tiền thuộc diện bị các đối tượng bảo kê, chăn dắt. Các đối tượng này sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng, lợi dụng đối tượng người già, trẻ em, người khuyết tật để thu lợi cho bản thân.

Ngày 15/8, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp Sở Y tế, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn TP Hà Nội.  

80 nguoi lang thang xin tien thuoc dien bi cac doi tuong bao ke chan dat hinh 1

Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân trao đổi tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, thời gian qua, Sở đã chủ trì, phối hợp với các các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn TP. Hiện, đã có 3.457 người lang thang xin tiền được tiếp nhận quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc.

Tuy nhiên, công tác nói trên vẫn gặp nhiều khó khăn, do có đến 80% người lang thang xin tiền thuộc diện bị các đối tượng bảo kê, chăn dắt. Các đối tượng này sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng, lợi dụng đối tượng người già, trẻ em, người khuyết tật để thu lợi cho bản thân.

Chính vì vậy, rất cần lực lượng Công an cùng các lực lượng chức năng, sát cánh cùng các đội trật tự xã hội lưu động của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội theo dõi, giải quyết.

Nhấn mạnh trách nhiệm chính của UBND xã, phường, thị trấn trong quy trình kiểm tra, tập trung, tiếp nhận, giải quyết người lang thang, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân đề nghị UBND xã, phường, thị trấn liên quan cử đầu mối trực tiếp tiếp nhận thông tin, xử lý, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền để người dân làm từ thiện "đúng lúc, đúng nơi", thay vì đem tiền, hiện vật cho người lang thang. Bởi với những đối tượng này, Nhà nước đã có chính sách tập trung đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng, chăm sóc, hoặc tìm cho họ mái ấm gia đình. 

Cũng tại Hội nghị, Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội cho biết, triển khai Quyết định số 2252/QĐ-UBND, Công an TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công an phường, xã trên các địa bàn xử lý nghiêm tình trạng bảo kê đối tượng lang thang xin tiền.

Thời gian tới, Công an TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng chức năng để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, việc ban hành Quyết định số 2252/QĐ-UBND và Hướng dẫn 2320/HD-LS: LĐTBXH-CA-YT-VH&TT-DL về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn TP Hà Nội đã góp phần xác định rõ trách nhiệm, phân công nhiệm vụ thực hiện tốt quy trình tập trung người lang thang xin tiền giữa các sở, ngành. Tuy nhiên, rất cần gỡ khó về những quy định tài chính chưa phù hợp thực tiễn. Chẳng hạn, công tác điều trị bệnh nhân là người lang thang xin tiền bị ốm yếu, suy kiệt nhiều khi chi phí rất cao, các bệnh viện gặp khó trong thanh toán...

    Nổi bật
        Mới nhất
        80% người lang thang xin tiền thuộc diện bị các đối tượng bảo kê, chăn dắt
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO