Biến đổi khí hậu

‏84% rạn san hô trên toàn cầu bị ảnh hưởng trong đợt tẩy trắng lịch sử‏

Trần Hiền 24/04/2025 12:05

‏(CLO) Cuộc khủng hoảng tẩy trắng san hô lớn nhất từng được ghi nhận đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng đa dạng sinh học đại dương và sinh kế hàng triệu người.‏

‏Theo thông báo từ Sáng kiến Rạn san hô Quốc tế (ICRI) hôm 23/4, hiện tượng tẩy trắng san hô đã lan rộng đến 84% các rạn san hô trên thế giới. Đây là sự kiện tẩy trắng nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử và là đợt tẩy trắng toàn cầu lần thứ tư kể từ năm 1998.‏

‏So với đợt tẩy trắng kéo dài từ năm 2014 đến 2017, vốn đã ảnh hưởng đến khoảng 2/3 rạn san hô trên toàn cầu, cuộc khủng hoảng hiện tại đã vượt xa về mức độ và quy mô. Theo ICRI, tình trạng này bắt đầu từ năm 2023 và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, nguyên nhân chủ yếu đến từ tình trạng nóng lên của đại dương.‏

‏Cũng theo dữ liệu mới nhất từ chương trình Theo dõi rạn san hô (Coral Reef Watch) của Mỹ, san hô tại ít nhất 82 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiếp xúc với nhiệt độ cao khiến chúng mất màu. Tiến sĩ Derek Manzello, giám đốc chương trình Theo dõi rạn san hô nhận định: “Đây là một thảm họa toàn cầu.

Ngay cả những nơi từng được coi là 'thiên đường an toàn' như Raja Ampat hay Vịnh Eilat cũng không tránh khỏi. Điều đó cho thấy không còn nơi nào dưới biển mà san hô có thể trú ẩn khỏi nhiệt độ cao”.‏

‏San hô sống cộng sinh với các loài tảo bên trong mô của mình, chính loại tảo này cung cấp dưỡng chất, năng lượng và màu sắc rực rỡ cho san hô. Tuy nhiên, khi nhiệt độ nước biển tăng cao bất thường, tảo sẽ tiết ra chất độc khiến san hô phải đẩy chúng ra khỏi cơ thể. Hệ quả là hiện tượng tẩy trắng san hô: san hô mất màu, trở nên yếu ớt, dễ nhiễm bệnh và có nguy cơ chết hàng loạt. ‏

785-202504241144231.png
‏Rạn san hô bị tẩy trắng ở New Caledonia vào năm 2016. Ảnh: Ocean Image Bank‏

‏Năm ngoái, Trái đất ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục, và phần lớn lượng nhiệt này được hấp thụ bởi các đại dương. Nhiệt độ trung bình hàng năm của bề mặt đại dương (không tính khu vực gần hai cực) đạt 20,87 độ C, mức cao nhất từ trước đến nay.

Điều này cực kỳ nguy hiểm đối với san hô – hệ sinh thái thiết yếu không chỉ cho ngành thủy sản và du lịch mà còn giúp bảo vệ bờ biển khỏi xói mòn và bão lũ. Các rạn san hô còn được ví như “rừng mưa nhiệt đới dưới biển” vì chúng là nơi cư trú của khoảng 25% các loài sinh vật biển.‏

‏Tại rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier (Úc), chính quyền vừa xác nhận đợt tẩy trắng diện rộng lần thứ 6 chỉ trong vòng 9 năm. Ở bờ tây nước Úc, dọc theo bờ Ningaloo, mức độ gia tăng nhiệt kỷ lục cũng đang tàn phá san hô nghiêm trọng.

Tình trạng tương tự được ghi nhận ở Madagascar, Đông Phi, và thậm chí tại vùng biển Caribe, Mexico và bang Florida (Mỹ). Tại Florida, khảo sát cho thấy trung bình cứ 5 san hô thì có 1 bị chết. Ở vùng biển Thái Bình Dương của Mexico, một số khu vực mất tới 90% lượng san hô. Tại đảo Chagos giữa Ấn Độ Dương, gần 25% san hô bị chết chỉ trong năm ngoái.

    Nổi bật
        Mới nhất
        ‏84% rạn san hô trên toàn cầu bị ảnh hưởng trong đợt tẩy trắng lịch sử‏
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO