(CLO) Thống kê của Bộ Y tế cho thấy: Hiện có khoảng 90% thuốc kháng sinh vẫn được bán cho người dân mà không cần kê đơn. Trong đó, kháng sinh được bán mà không có đơn là 88% (ở thành thị) và 91% (ở nông thôn)...
[caption id="attachment_126461" align="aligncenter" width="640"]
90% thuốc kháng sinh không được bán theo đơn. Ảnh IE.[/caption]
Theo khảo sát của Bộ Y tế tại gần 3.000 nhà thuốc, cứ 10 người mua thuốc kháng sinh thì có tới 9 người mua không theo đơn chỉ định của bác sĩ. Người mua - người bán “hồn nhiên” mua bán thuốc kháng sinh để điều trị bệnh mà không cần đơn.
Ampicillin, ammoxicilin, cephalexin và azithromycin là những loại kháng sinh được bán nhiều nhất mà không kê đơn, trong đó 88% là ở thành thị, 91% ở vùng nông thôn. Điều này cho thấy nhận thức về của người dân, và người bán thuốc về vấn đề này là rất thấp. 90% thuốc kháng sinh không được bán theo đơn, điều đó đồng nghĩa với việc người dân sẽ không thể kiểm soát được việc sử dụng thuốc của mình.
Theo các bác sỹ, việc sử dụng, lạm dụng thuốc kháng sinh bừa bãi là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “kháng kháng sinh” hiện nay. Trên thế giới đã xuất hiện một số vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc.
Ở Việt Nam, tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam đang ở mức báo động, xuất hiện nhiều loại siêu vi khuẩn kháng tất cả loại thuốc. Tổ chức Y tế thế giới đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới. Hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Gánh nặng do kháng thuốc dẫn đến chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết: Thuốc kháng sinh là loại thuốc hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm các loại thuốc kháng khuẩn mới, làm gia tăng chi phí trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc, gia tăng gánh nặng bệnh tật cho cá nhân, gia đình và xã hội do thời gian điều trị kéo dài, tăng nguy cơ tử vong.
Do vậy, Bộ Y tế kêu gọi, mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ khám bệnh, kê đơn và sử dụng kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ; cán bộ y tế phải tuân thủ đúng các hướng dẫn chuyên môn, sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý, an toàn; sử dụng kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản phải theo đúng quy định, hướng dẫn.
PL