92 năm - từ Hội Phản đế Đồng minh…
(NB&CL) Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 92 năm qua đã trở thành cầu nối hội tụ và lan toả tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.
“Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà” - từ tư tưởng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời và 92 năm qua, đã trở thành cầu nối hội tụ và lan toả tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.
Từ triết lý của Hồ Chủ tịch
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nhiều lần nói về đoàn kết. Đoàn kết cũng chính là điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh tư liệu)
Trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận thấy: “Bọn đế quốc áp bức chúng ta và đối xử với chúng ta như loài vật, đó là vì chúng ta không đoàn kết. Nếu chúng ta đoàn kết chúng ta sẽ trở nên đáng gờm”. Người viết trong Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức (1925): “Hỡi các bạn thân yêu, chúng ta nên sớm kết đoàn lại! Hãy hợp lực để đòi quyền lợi và tự do của chúng ta! Hãy hợp lực để cứu lấy nòi giống chúng ta!”, kêu gọi tinh thần đoàn kết giữa người lao động ở các nước chính quốc với quần chúng nhân dân ở các nước thuộc địa. Lời kêu gọi đã dần dần thức tỉnh những người cộng sản, những người dân chủ ở các nước quan tâm nhiều hơn đến phong trào giải phóng dân tộc ở những nước đang bị chế độ thực dân xâm chiếm.
Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh: Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng. Cách mạng muốn thành công, phải có lực lượng đủ mạnh để chiến thắng kẻ thù và xây dựng xã hội mới. Việc xây dựng lực lượng trong nước có ý nghĩa quyết định. Theo Người, muốn có lực lượng đủ mạnh thì phải thực hành đoàn kết vì “đoàn kết là một lực lượng vô địch”.
Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ và lâu dài toàn dân tộc thành một khối. Đoàn kết dân tộc kết hợp với đoàn kết quốc tế sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù. Sau này, Người viết: “Nhờ đại đoàn kết dân tộc mà trong bao thế kỷ nhân dân Việt Nam đã bảo vệ được độc lập, tự do của mình. Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân, làm Cách mạng tháng Tám thành công và đã kháng chiến thắng lợi. Nhờ đại đoàn kết toàn dân mà nước Việt Nam chúng ta nhất định sẽ thống nhất”.
Đến Án Nghị quyết về vấn đề phản đế
Tháng 2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay trong “Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt”, Đảng đã vạch ra yêu cầu phải tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngay từ Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã vạch ra sự cần thiết phải xây dựng một Mặt trận Dân tộc thống nhất nhằm đoàn kết các giai tầng trong xã hội, các tổ chức chính trị, các cá nhân phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh mọi nhân tố của dân tộc phấn đấu cho sự nghiệp chung giải phóng dân tộc.
Tháng 10/1930, Án nghị quyết về vấn đề phản đế mà Đảng ta đưa ra tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ I, nêu rõ sự cấp thiết phải thành lập Mặt trận Thống nhất phản đế (một tên gọi được thay đổi của Mặt trận Dân tộc thống nhất).
Nghị quyết chỉ rõ, thế giới hiện tại chia làm hai phe rõ rệt, một bên là chủ nghĩa đế quốc; một bên là các dân tộc bị áp bức. Các nước đế quốc câu kết với nhau để thống trị các dân tộc, như đế quốc Pháp, Anh, Hà Lan bí mật liên kết với nhau để áp bức các dân tộc Đông Dương, Ấn Độ, Mã Lai (Malaysia). Vì vậy các dân tộc bị áp bức đã đoàn kết thành một mặt trận và tổ chức ra một đoàn thể có tính chất quốc tế lấy tên là Đại đồng minh phản đế quốc chủ nghĩa và mưu dân tộc độc lập.
Các dân tộc trên bán đảo Đông Dương ở vào phe bị áp bức. Sự bóc lột đè nén của đế quốc Pháp ngày càng nặng nề, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân ngày càng mạnh, các đoàn thể quần chúng công, nông, học sinh, binh lính và tiểu tư sản mau chóng ra đời. Điều đó chứng tỏ ở Đông Dương có nhiều lực lượng phản đế, đòi hỏi Đảng phải tổ chức ra ở Đông Dương một phân bộ của Đại đồng minh phản đế.
Nghị quyết chỉ rõ việc tổ chức phản đế là trách nhiệm cần kíp của Đảng. Nhưng từ trước đến nay, Đảng chưa có phương pháp tổ chức đúng đắn nên chưa tập hợp tất cả các lực lượng phản đế trong một mặt trận thống nhất.
Tổ chức Hội Phản đế là phải làm cho Hội có tính chất quần chúng chứ không tổ chức từng người một.
Giai cấp vô sản phải chỉ đạo công tác vận động phản đế thì mới có tính chất triệt để. Hội Phản đế phải tham gia vào các cuộc tranh đấu hằng ngày của công nông.
Trong công tác hằng ngày, Hội Phản đế đồng minh ở Đông Dương phải chú ý hoạt động công khai trong quần chúng, cổ động tranh đấu với mục tiêu là: chống khủng bố trắng, chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ Liên bang Xô Viết.
Nghị quyết cũng thông qua điều lệ “Đồng minh phản đế ở Đông Dương”.
Cũng thời điểm đó, cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô Viết Nghệ - Tĩnh đã có tác động mạnh, làm phân hóa các giai cấp và tầng lớp trên. Nhưng vì chưa quán triệt đường lối chiến lược và sách lược của Đảng, cho nên phong trào chưa thu hút được những người có tinh thần phản đế vào một mặt trận dân tộc rộng rãi chống đế quốc.
Trước tình hình ấy, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trước hết, chỉ thị nhắc lại đường lối chiến lược và sách lược mà Luận cương cách mạng tư sản dân quyền của Đảng đã nêu rõ: Nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến phải kết hợp chặt chẽ với nhau, công nhân và nông dân là hai động lực chính của cách mạng, công nhân phải liên minh chặt chẽ với nông dân thì cách mạng mới thắng lợi, nếu giai cấp công nhân không tổ chức được toàn dân thành một lực lượng thật rộng, thật vững thì cách mạng cũng khó thành công. Từ trước đến nay, ta chưa nhận rõ vấn đề ấy, cho nên tổ chức cách mạng vẫn đơn thuần công nông, “thiếu mặt tổ chức thật quảng đại quần chúng, hấp thụ các tầng lớp trí thức dân tộc, tư sản dân tộc... cho tới cả những người địa chủ, có đầu óc oán ghét đế quốc Pháp, mong muốn độc lập quốc gia...”.
Chúng ta chưa nhận thức rõ: tổ chức Hội Phản đế đồng minh là một nhiệm vụ của đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác ở thời đại đế quốc chủ nghĩa. “Do đó, chúng ta đã tách rời dân tộc cách mạng với giai cấp cách mạng làm hai đường mà chưa nhận định đúng là dân tộc cách mạng vẫn là một nhiệm vụ trong giai cấp cách mạng. Sự chuyển biến lối này hay lối khác đó là hoàn cảnh từng nơi từng lúc, chứ không phải hai đường sai trái nhau”.
Thường vụ Trung ương Đảng nêu rõ: Tổ chức Hội Phản đế đồng minh là chủ trương đúng đắn và khẩn thiết. Chỉ thị hướng dẫn cách thức tổ chức Hội Phản đế đồng minh trên cơ sở phong trào mạnh, yếu ở các địa phương khác nhau.
Ở những nơi phong trào đấu tranh mạnh mẽ như: Nghệ - Tĩnh, Quảng Ngãi, Thái Bình, có thể thành lập ngay Ban Chấp hành Hội Phản đế, rồi tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tham gia, mở hội nghị đại biểu, quy tụ các tổ chức quần chúng (Nông hội, Công hội, Hội Phụ nữ...) và các đoàn thể có tính chất phường hội của nhân dân gia nhập.
Ở những nơi phong trào còn thấp, sử dụng các hình thức tổ chức biến tướng để tập hợp các tầng lớp nhân dân, sau đó tuyên truyền vận động hướng họ vào con đường cách mạng.
Chỉ thị về thành lập Hội Phản đế đồng minh thể hiện sự phát triển nhận thức của Đảng Cộng sản Đông Dương từ chỗ chỉ nhấn mạnh vấn đề đoàn kết giai cấp đến chỗ thấy được tầm quan trọng của vấn đề đại đoàn kết dân tộc trong cách mạng giải phóng dân tộc.
Từ thời khắc 18/11/1930, Hội Phản đế đồng minh ra đời. Qua những bước đường phát triển của dân tộc ta, dưới ngọn cờ của Đảng, Hội Phản đế đồng minh hay Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay là một bộ phận trong hệ thống chính trị của Nhà nước Việt Nam.
Từ ngày thành lập, tùy đặc điểm của từng thời kỳ cách mạng, mà Mặt trận mang các tên gọi khác nhau, song vẫn là một mục tiêu, một ý nghĩa, một hành động, đó là: Hội Phản đế Đồng minh (1930), Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936), Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế (1939), Mặt trận Việt Minh (1941), Mặt trận Liên Việt (1951), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (ở miền Bắc, 1955), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1960), Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam (1968), và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong cả nước từ 1977 đến nay. Từ năm 1986, Ban Bí thư Trung ương Đảng, sau khi quyết định, đã lấy ngày 18 tháng 11 hằng năm là Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam.
Hà Anh