Ả Rập Saudi lại giáng đòn mạnh vào kinh tế Nga
(CLO) Ả Rập Saudi tăng sản lượng, giá dầu giảm sâu dưới 60 USD/thùng, gây áp lực lớn lên ngân sách Nga giữa lúc chiến dịch Ukraine vẫn tiếp diễn.
Giá dầu giảm mạnh sau quyết định tăng sản lượng của OPEC+ đang đẩy Nga, quốc gia phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ, vào tình thế kinh tế khó khăn hơn.

Theo ghi nhận, giá dầu chuẩn của Mỹ đã giảm xuống dưới 60 USD/thùng vào ngày thứ Hai, thấp hơn so với mức 65 USD/thùng hồi giữa tháng Tư.
Sự sụt giảm này diễn ra sau khi liên minh các nước sản xuất dầu mỏ, do Ả Rập Saudi dẫn đầu trên thực tế, tuyên bố sẽ tiếp tục tăng sản lượng trong tháng thứ hai liên tiếp.
Tại sao điều này quan trọng?
Giá dầu toàn cầu chạm mức thấp nhất trong vòng bốn năm đang tạo thêm áp lực lên nền kinh tế Nga.
Đặc biệt, nước này còn phải đối mặt với những bất ổn kinh tế do các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Tháng trước, Bộ Phát triển Kinh tế Nga đã điều chỉnh dự báo giá trung bình của dầu thô Urals trong năm nay xuống còn 56 USD/thùng.
Đây là mức thấp nhất kể từ khi đại dịch khiến nhu cầu lao dốc, và thấp hơn nhiều so với mức 69 USD/thùng mà ngân sách Nga dựa vào để lập kế hoạch.
Điều này có thể gây trở ngại cho kế hoạch chi tiêu quân sự lớn chưa từng có của Tổng thống Vladimir Putin khi ông tiếp tục duy trì chiến dịch tại Ukraine.
Những điều cần biết
Theo Reuters, Ả Rập Saudi đang thúc đẩy OPEC+ nhanh chóng dỡ bỏ các hạn chế sản lượng trước đó nhằm gây sức ép lên các thành viên như Iraq và Kazakhstan, vốn không tuân thủ tốt các hạn ngạch sản xuất đã thỏa thuận.
Dù giá dầu giảm và nhu cầu được dự báo yếu đi, OPEC+ vẫn quyết định tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng Sáu.
Trước đó, vào tháng Tư, giá dầu đã lao dốc xuống dưới 60 USD/thùng sau khi OPEC+ công bố kế hoạch tăng sản lượng vượt dự kiến cho tháng Năm.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump làm dấy lên lo ngại về sự suy yếu của kinh tế toàn cầu.
Giá dầu Urals của Nga đã giảm hơn 20% kể từ đầu năm, xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng - mức giá mà Nga có thể tích lũy lợi nhuận từ xuất khẩu dầu vào quỹ tài sản quốc gia thông qua thuế. Khi doanh thu không đạt mức này, Nga buộc phải rút tiền từ quỹ dự trữ để bù đắp.
Ông David Goldman, trưởng bộ phận giao dịch tại Novion Global, chia sẻ với Newsweek rằng chiến lược của OPEC+ dường như được tính toán để gây áp lực lên Nga.
Với giá dầu trượt xuống dưới 60 USD/thùng, Moscow hiện đang xem xét điều chỉnh quy định ngân sách, hạ mức giá dầu chuẩn từ 60 USD xuống 50 USD nhằm kiểm soát thâm hụt ngày càng tăng. Dự kiến, mức thâm hụt này sẽ chiếm 1,5% GDP, gấp ba lần mục tiêu ban đầu.
Ông Thomas O'Donnell, một nhà phân tích năng lượng tại Berlin, nhận định rằng nếu giá dầu Urals duy trì quanh mức 50 USD/thùng, ngân sách Nga sẽ chịu nhiều hạn chế.
Tuy nhiên, ông cho rằng trừ khi giá dầu giảm xuống dưới 25 USD/thùng, tình hình chưa đến mức báo động. Dù vậy, ngay cả trong trường hợp đó, Nga vẫn có khả năng cầm cự trong thời gian dài.
Ông cũng lưu ý rằng Tổng thống Donald Trump có thể tận dụng việc nhắm vào xuất khẩu dầu của Nga để đưa Tổng thống Vladimir Putin vào bàn đàm phán về vấn đề Ukraine.
Ông Vladimir Milov, cựu Thứ trưởng Năng lượng Nga và là một nhà phê bình của Tổng thống Vladimir Putin, nói với Frontelligence Insight Substack rằng chi phí sản xuất dầu tại Mỹ cao hơn đáng kể so với Nga hay các nước OPEC.
Điều này đồng nghĩa với việc nếu giá dầu toàn cầu rơi xuống dưới 50 USD/thùng, phần lớn ngành sản xuất dầu của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến giá dầu nhanh chóng phục hồi.
Ông Milov phân tích thêm, nếu giá dầu quốc tế ổn định quanh mức 60 USD/thùng, các khoản giảm giá do trừng phạt sẽ khiến dầu Nga chỉ còn dưới 50 USD/thùng. Điều này gây thiệt hại lớn cho Nga nhưng vẫn giúp ngành dầu đá phiến của Mỹ tránh được nguy cơ sụp đổ, đồng thời giá dầu có thể tăng trở lại.
Nhà phân tích năng lượng Thomas O'Donnell nhận định: “Việc giá dầu toàn cầu giảm rõ ràng kéo theo sự sụt giảm đáng kể của giá dầu thô Nga. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến nguồn ngân sách mà chính phủ Nga có thể sử dụng để duy trì cuộc xung đột tại Ukraine”.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Theo The New York Times, các nhà lãnh đạo OPEC+, vì những lý do địa chính, dường như đang cố tình tăng sản lượng dù phải chấp nhận giá dầu giảm. Động thái này nhằm gây áp lực lên các thành viên không tuân thủ hạn ngạch sản xuất đã cam kết.
Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi OPEC+ nâng sản lượng và dự kiến sẽ đến thăm Ả Rập Saudi trong tháng này. Tờ báo cũng cho biết Riyadh đang muốn củng cố mối quan hệ với Tổng thống Mỹ.