Ai đang dẫn đầu trong cuộc đua Tổng thống Pháp năm 2022?
(CLO) Ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen đang là hai ứng viên sáng giá nổi bật trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm tới.
Pháp sẽ bỏ phiếu để bầu ra tổng thống mới vào tháng 4/2022, và cuộc tranh giành vị trí giữa các ứng cử viên tiềm năng đang diễn ra rất quyết liệt.

Tổng thống Emmanuel Macron (giữa) vẫn đang được xem là ứng viên nặng ký nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm tới - Ảnh: Getty
Bài liên quan
Pháp xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới để đáp ứng các mục tiêu khí hậu
Dịch cúm lây lan, Pháp ra lệnh 'giãn cách' với gia cầm
Tranh chấp về đánh bắt cá Anh-Pháp ngày càng đi vào bế tắc
Vương quốc Anh triệu tập đại sứ Pháp vì tranh chấp đánh cá
Tổng thống Emmanuel Macron vẫn chưa tuyên bố chính thức nhưng dự kiến ông sẽ tái tranh cử. Đối thủ vòng hai của ông là cái tên quen thuộc tới từ đảng cực hữu, bà Marine Le Pen, người đã khởi động chiến dịch tranh cử từ tháng 9.
Cùng với họ sẽ là bà Anne Hidalgo, ứng cử viên Đảng Xã hội, ông Yannick Jadot, đại diện cho đảng Xanh, và một ứng cử viên của đảng Les Républicains sẽ được chọn vào ngày 4/12.
Chuyên gia truyền hình cực hữu Éric Zemmour, người không thuộc đảng phái chính trị nào có thể tuyên bố tham gia tranh cử độc lập.
Các ứng cử viên sẽ có thời hạn cho đến ngày 4/3 năm sau để trình 500 chữ ký của các quan chức ủng hộ họ, điều mà luật yêu cầu. Tại cuộc bầu cử năm 2017, 11 ứng cử viên đã có tên trong lá phiếu chính thức.
Vòng bầu cử đầu tiên sẽ được tổ chức vào ngày 10/4, và trong trường hợp không có ứng cử viên nào nhận được đa số phiếu bầu, vòng hai sẽ được tổ chức sau đó hai tuần, với sự tham gia của hai ứng cử viên dẫn đầu từ vòng đầu tiên.
Các cuộc thăm dò đã chỉ ra rằng các ứng cử viên có nhiều khả năng lọt vào vòng tranh cử là ông Macron và bà Le Pen, lãnh đạo của đảng RN cực hữu.

11 ứng viên cho đến hiện tại của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm 2022 - Ảnh: AFP
Ứng viên Emmanuel Macron
Tổng thống đương nhiệm của Pháp đã gây chấn động chính trường nước này vào năm 2017 khi ông ra tranh cử mà không có sự hậu thuẫn của một đảng lớn và giành chiến thắng.
Đảng République en Marche được tập hợp vội vàng của ông đã tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội năm đó. Ông Macron từng là cựu Bộ trưởng Kinh tế dưới thời chủ tịch đảng Xã hội François Hollande.
Ứng viên Marine Le Pen
Bà Marine Le Pen đã dẫn đầu một nỗ lực quan hệ công chúng để cố gắng xóa bỏ hình ảnh của đảng RN cực hữu chống nhập cư mà bà đã tiếp quản từ cha mình vào năm 2011.
Số phiếu của đảng này trong cuộc bầu cử khu vực vào tháng 6 thấp hơn dự đoán sau khi nhiều cử tri truyền thống của đảng này bỏ phiếu trắng. Bà Le Pen, trong lần thứ ba tranh cử để trở thành Tổng thống, đang vận động theo đường lối truyền thống của đảng là kiềm chế nhập cư và "giữ nước Pháp cho người Pháp".
Ứng viên Xavier Bertrand
Ông Xavier Bertrand, cựu Bộ trưởng dưới thời ông Nicolas Sarkozy, vừa được bầu lại làm người đứng đầu vùng Hauts-de-France ở miền bắc nước Pháp.
Ông rời đảng Cộng hòa (Les Républicians) vào năm 2017 và có ý định vận động tranh cử với tư cách độc lập, có thể đoàn kết các cử tri cánh hữu, từ những người lao động có thu nhập thấp đến giai cấp tư sản. Gần đây, ông đã trở lại đảng LR để tham gia cuộc bỏ phiếu nội bộ vào ngày 4/12.
Ứng viên Valérie Pécresse
Bà Valérie Pécresse là Bộ trưởng Ngân sách dưới thời ông Nicolas Sarkozy và hiện là Thống đốc của vùng Ile-de-France. Bà lập luận rằng đã đến lúc Pháp có một ứng cử viên nữ và tự mô tả mình là "hai phần ba Angela Merkel và một phần ba Margaret Thatcher".
Bà lý giải rằng mình phải cứng rắn và tập trung vào kinh tế trong khi xây dựng sự đồng thuận. Bà cũng đang tham gia vào cuộc chạy đua nội bộ của đảng Les Républicains để chọn ra một ứng cử viên vào ngày 4/12.
Ứng viên Michel Barnier
Ông Michel Barnier là nhà đàm phán hàng đầu của EU về Brexit, nhưng ít nổi tiếng ở Pháp. Ông đã trở về từ Brussels để tham gia cuộc chạy đua chọn một ứng cử viên của đảng Les Républicains.
Ông lập luận rằng ông luôn trung thành với đảng và có thể đoàn kết các cử tri theo cánh hữu.
Ông đã trình bày một đường lối cứng rắn về thẩm quyền, công lý và nhập cư, tranh luận về việc tạm hoãn nhập cư và xác nhận lại chủ quyền của Pháp trong mối quan hệ với tòa án đấu tranh con người ở châu Âu.
Ứng viên Eric Zemmour
Ông Eric Zemmour là một chuyên gia truyền hình cực hữu, người trước đây đã bị kết án vì kích động hận thù chủng tộc và là người thúc đẩy các quan điểm gây tranh cãi như lý thuyết 'thay thế vĩ đại', rằng những người nhập cư Hồi giáo sẽ thay thế dân số các nước châu Âu.
Ông không có đảng phái chính trị nào và vẫn chưa tuyên bố liệu ông ta có thực hiện việc tranh cử độc lập hay không.
Ứng viên Jean-Luc Mélenchon
Ông Jean-Luc Mélenchon là một cựu đảng viên Xã hội chủ nghĩa, người đã ủng hộ nhiều nhóm cánh tả khác nhau kể từ khi rời đảng. Ông đã tham gia hai cuộc bầu cử Tổng thống trước đó, giành được hơn 10% số phiếu bầu mỗi lần, và nhiều hơn ứng cử viên Đảng Xã hội vào năm 2017.
Ứng viên Yannick Jadot
Ông Yannick Jadot là ứng cử viên Đảng Xanh. Trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2017, ông đã từ chối ủng hộ ông Benoît Hamon của Đảng Xã hội.
Ứng viên Anne Hidalgo
Bà Anne Hidalgo là nữ thị trưởng đầu tiên của Paris và đang trong nhiệm kỳ thứ hai của mình tại thủ đô của nước Pháp. Bà được biết đến với chiến dịch giảm số lượng xe hơi ở thủ đô nước Pháp.
Với tư cách là ứng cử viên Tổng thống của đảng Xã hội, bà đã nêu bật nguồn gốc nhập cư từ tầng lớp lao động của mình, hứa hẹn sẽ cải thiện mức lương, đặc biệt là đối với giáo viên.
Ứng viên Nicolas Dupont-Aignan
Ông Nicolas Dupont-Aignan, thủ lĩnh của đảng dân tộc chủ nghĩa Debout La France, là bạn và là người hâm mộ của ông Nigel Farage và ủng hộ việc người Pháp rời EU.
Việc ông Macron và bà Le Pen gặp nhau ở vòng 2 là kịch bản cốt lõi và do đó là kịch bản thường được nêu trong các cuộc thăm dò ý kiến. Năm 2017, ông Macron đã được thừa hưởng hơn 70% số phiếu bầu của các ứng cử viên khác ở vòng đầu tiên.