Ai người “Đổ đốn ở làng”...

Thứ năm, 17/10/2019 10:51 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Phần đầu tiên của “Đổ đốn ở làng” – một series phim hài do đạo diễn Bùi Thọ Thịnh dàn dựng đang ở khâu hậu kỳ. Từ tác phẩm văn học của nhà văn Trịnh Đình Nghi, “Đổ đốn ở làng” khi lên màn ảnh sẽ như thế nào?

Chuyện làng, chuyện phố

Nhà văn Trịnh Đình Nghi nói: Khi tôi viết xong một loạt truyện ngắn. Mỗi truyện một cái tên khác nhau. “Đổ đốn ở làng” là một truyện. Thế rồi, ngồi đọc lại tôi cứ cười một mình. Khi xuất bản tập truyện, tôi quyết định lấy tên tác phẩm là “Đổ đốn ở làng” khiến biên tập viên của nhà xuất bản cứ lăn tăn mãi. Thật ra chữ “Đổ đốn” chỉ là sự lệch lạc và không phù hợp mà thôi.

Tôi cam đoan những ai đã từng sinh ra lớn lên ở quê làng đều sẽ tìm thấy ít nhất là một cảnh, một người hay một kiểu gì đó quen quen. Và sẽ “Ồ, giống chuyện làng mình thế”. Thói hư tật xấu, cổ hủ lạc hậu, hỉ nộ ái ố... đủ cả. Cười lắm, nhưng là trong tiếng cười có tiếng khóc, trong khóc có tiếng cười.

Một cảnh trong “Đổ đốn ở làng”.

Một cảnh trong “Đổ đốn ở làng”.

Cười để rồi sẽ nghĩ: Phải làm gì, làm sao để văn hóa làng xã, thuần phong mỹ tục, tình thân ái, nhân văn, sự gắn kết cộng đồng và những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được giữ gìn và phát triển hài hòa bởi một nền tảng tốt đẹp và vững chắc.

Dựa trên tác phẩm văn học của nhà văn Trịnh Đình Nghi và được nhà biên kịch Đinh Long sáng tạo thành series phim hài, mỗi tập có thời lượng từ 12 đến 15 phút, lên sóng hàng tuần trên hệ thống kênh Youtube và Fanpage “Đổ đốn ở làng” của STCORP.

Ở đây khán giả có thể tìm thấy những câu chuyện, những vấn đề của con người, của xã hội mà bất kỳ làng quê Việt Nam nào cũng có và được nhìn qua lăng kính hài hước để châm biếm những thói hư tật xấu, những tư duy quan niệm ấu trĩ, bảo thủ. Từ đó mong muốn sẽ góp phần nhỏ bé phát huy những nét đẹp cổ truyền, những giá trị văn hóa Việt.

Trò chuyện với đạo diễn Bùi Thọ Thịnh, anh cho biết: “Đổ đốn ở làng”, nghe cái tên nó đã gợi cho tôi nhiều cái tứ. Khi tôi đặt vấn đề làm phim thì bác Nghi đã nói ngay: “Chú làm đi!”

“Mượn ngôi làng trong truyện của bác Nghi làm thành một câu chuyện mà ngôi làng ở đấy nó có thể đại diện cho bất kỳ ngôi làng nào. Những chuyện trong làng ngoài những cái tốt là những cái thói hư tật xấu, là ứng xử giữa con người với hàng xóm láng giềng, với gia đình, họ mạc, những chuyện rượu chè, cờ bạc, trai gái, những thói xấu ở làng...

Mình mượn chuyện ngôi làng để nói về chuyện xã hội. Bởi suy cho cùng, làng cũng chỉ là một xã hội thu nhỏ. Ở thành phố có gì thì ở làng cũng có cả. Đấy là một chất liệu lý tưởng để chúng tôi khai thác. Nhất là khi các câu chuyện ở làng cũng luôn luôn thời sự, mỗi năm một khác, mỗi năm có một câu chuyện mới, có những điều ở làng trở thành suối nguồi bất tận để khai thác.

Những câu chuyện ở làng sẽ đồng hành, phản ánh những vấn đề về thói hư tật xấu, thông qua đó, người ta sẽ định hình cái gì nên, cái gì không nên. Tôi không kỳ vọng sẽ dạy dỗ gì ai qua các câu chuyện này, nhưng nhìn những cái chưa tốt bằng cái nhìn hài hước thì rồi mỗi người sẽ đều tìm thấy mình trong đó và tự tìm ra bài học cho riêng mình” - đạo diễn Bùi Thọ Thịnh nói.

Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh, nhà văn Trịnh Đình Nghi, nhà biên kịch Đinh Long (từ trái sang phải).

Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh, nhà văn Trịnh Đình Nghi, nhà biên kịch Đinh Long (từ trái sang phải).

Tránh tục tĩu, nhạt nhẽo

Làng quê Việt Nam nay đã mai một nhiều, thậm chí người ta phải ra khẩu hiệu “ly nông, bất ly hương”. Làng có những thứ truyền đời như cái cổng làng, đình làng, giếng làng. Những thứ từ vật thể qua thời gian đã hoàn toàn trở thành một ý niệm phi vật thể về văn hóa làng. Thế nên có khi con người ta phải “ly hương” nhưng sẽ có những điều không bao giờ xóa đi khỏi trí nhớ.

Theo thời gian, làng cũng không còn như xưa. Khi làng ra phố thì ngoài tiếp nhận cái hay, cái hiện đại của phố thị thì làng cũng phải đối diện với những bi kịch của thành phố. Series “Đổ đốn ở làng” chủ trương sẽ mang đến sự hài hước, đả kích, nói về cái xấu, cái chưa tốt nhưng được nhìn bằng con mắt nhân ái, như những “người làng” với nhau.

Khi chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch bản phim, đạo diễn Bùi Thọ Thịnh đã tin cậy giao vào tay nhà biên kịch Đinh Long.

Đinh Long là một cái tên lạ với nhiều người. Nhưng nếu là người thường xuyên tham gia vào mạng xã hội facebook thì có lẽ gần như không ai không biết tới nicknam “Võ Tòng đánh mèo”. Anh chính là Đinh Long.

Anh Thịnh cho biết, anh Đinh Long là người rất tâm đắc với dự án này. Khi tìm kiếm người biên kịch, chúng tôi tìm kiếm một người giỏi “ngôn ngữ mạng”. Bởi lẽ, các câu chuyện của bác Nghi lấy bối cảnh thời kỳ phong kiến, nhưng khi thành phim thời hiện đại – thời kỳ “Nông thôn mới” thì cần sự thay đổi về ngôn ngữ nhưng cái hồn cốt thì cố gắng giữ nguyên.

Nhà biên kịch Đinh Long là người có ngôn ngữ mạng rất tốt và giọng văn cũng rất châm biếm. Trong tiểu phẩm hài thì quan trọng nhất là tình huống, thậm chí phải trớ trêu, khác thường thì mới ra câu chuyện hài chứ không thể tự “cù nách” bằng những câu chuyện nhảm nhí. Hài là cười đấy nhưng lại có thể khóc ngay. Tôi và Long làm việc liên tục và có sự ăn khớp với nhau rất mượt mà, có sự cộng hưởng, đồng điệu. “Đổ đốn ở làng” có thể nói là khá may mắn khi quy tụ được các anh tài là bác Nghi, có anh Long và có cả tôi, Đạo diễn Thịnh tâm sự.

Có một vấn đề của các phim hài, phim sitcom được phát hành qua mạng internet là đôi khi mất kiểm soát các vấn đề tục tĩu để câu khách, nói về điều này, đạo diễn Bùi Thọ Thịnh cho biết: “Tôi đã có kinh nghiệm biên tập các chương trình hài, giải trí cho Đài Truyền hình Việt Nam – VTV hơn 10 năm. Bất kỳ chương trình nào tôi cũng trực tiếp theo dõi các khâu, từ dàn dựng cho đến biên tập, phát sóng... Tôi có thể tự tin nói rằng, mình biết cần tránh điều gì. Hài hước trong dân gian thì “trong tục có thanh, trong thanh có tục”, phân biệt ranh giới ấy cần một vốn văn hóa đủ dày dặn và cả kinh nghiệm thực tế để tạo ra một “hàng rào” nguyên tắc để tự mình kiểm duyệt trước khi bị các cơ quan quản lý văn hóa hay chính những người xem “tuýt còi””.

Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh sinh năm 1972, anh đồng thời là nhà sản xuất của STCORP. Anh được biết đến qua vai trò đạo diễn các bộ phim nổi tiếng về nông thôn Việt như: Gió làng Kình (2008), Thương nhớ ở ai (2017). Bên cạnh đó Bùi Thọ Thịnh còn được nhiều người biết đến với vai trò đạo diễn các chương trình hài kịch cho VTV như Gặp nhau cuối tuần, Thư giãn cuối tuần, Hỏi xoáy đáp xoay, Copy - Bơm vá, Chém chuối cuối tuần, Gala cười VTV, Gặp nhau Cuối năm – Táo Quân VTV, các phim hài Tết, chương trình truyền hình như Ơn giời cậu đây rồi, Rubic chat, Giao lưu diễn viên TH, Alo 123, Chuyện thám tử…

Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh đang sở hữu ba giải thưởng Cánh diều: Cánh diều bạc cho bộ phim truyền hình “Gió làng Kình” (2008); Hai giải Cánh diều Vàng cho phim truyền hình và đạo diễn xuất sắc phim “Thương nhớ ở ai” (2017).

Tử Hưng

Tin khác

Ra mắt sách “Con đường Văn sĩ - nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng”

Ra mắt sách “Con đường Văn sĩ - nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng”

(CLO) Nhân dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, sáng nay 24/4, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt sách Con đường Văn sĩ - nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ năm 1938 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Đời sống văn hóa
Khai mạc Hội thi Đờn ca Tài tử Nam Bộ tỉnh Long An lần thứ III

Khai mạc Hội thi Đờn ca Tài tử Nam Bộ tỉnh Long An lần thứ III

(CLO) Đờn ca tài tử là nét văn hóa độc đáo của người dân Nam Bộ và Long An là một trong những chiếc nôi của nhạc tài tử Nam Bộ.

Đời sống văn hóa
Khảo cứu về lịch sử 220 năm Quốc hiệu Việt Nam

Khảo cứu về lịch sử 220 năm Quốc hiệu Việt Nam

(CLO) Chặng đường lịch sử 220 năm Quốc hiệu Việt Nam đã khẳng định vị thế của một đất nước độc lập, thống nhất.

Đời sống văn hóa
Khai hội truyền thống Đền Đô năm 2024

Khai hội truyền thống Đền Đô năm 2024

(CLO) Phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh vừa mới tổ chức khai hội Đền Đô truyền thống Xuân Giáp Thìn - 2024, kỷ niệm 1014 năm ngày vua Lý Thái Tổ đăng quang.

Đời sống văn hóa
Bắc Giang: Trưng bày tư liệu, hiện vật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bắc Giang: Trưng bày tư liệu, hiện vật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang vừa mới tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Bảo tàng tỉnh.

Đời sống văn hóa