AI trong tòa soạn: Cách Reuters và Rheinische Post cân bằng cơ hội và rủi ro
(CLO) Dù khác biệt về quy mô, Reuters và Rheinische Post (RP) đang có chung tiếng nói trong cách tiếp cận trí tuệ nhân tạo. Chiến lược AI thực tế và thận trọng của họ mang đến những bài học giá trị cho các tòa soạn báo đang tìm cách ứng dụng công nghệ này một cách hiệu quả.
Reuters, một hãng thông tấn toàn cầu cung cấp tin tức cho các cơ quan truyền thông trên khắp thế giới, và RP, một nhà xuất bản khu vực có trụ sở tại Düsseldorf phát hành bốn tờ nhật báo địa phương, có vẻ như là hai tổ chức tin tức rất khác biệt.
Tuy nhiên, khi nói đến AI, cả hai công ty đều có chung một cách tiếp cận thực tế và thận trọng. Họ tập trung vào việc khám phá những ứng dụng cụ thể của AI, không chỉ giới hạn trong quy trình biên tập, đồng thời đặt sự bảo vệ tính chính trực của báo chí lên hàng đầu.
Hai tổ chức này đã chia sẻ về hành trình ứng dụng AI của mình tại Diễn đàn AI Frankfurt.

Ứng dụng AI để tối ưu hóa dịch vụ khách hàng và hậu cần
Các công cụ AI mới đã giúp RP tối ưu hóa dịch vụ khách hàng của mình. Họ đã triển khai một trợ lý hỗ trợ AI hoạt động suốt ngày đêm, xử lý mọi cuộc gọi từ khách hàng. Bà Margret Seeger, Giám đốc Xuất bản Kỹ thuật số kiêm Trưởng phòng AI tại Rheinische Post Mediengruppe, cho biết những câu hỏi thường gặp nhất là: "Tại sao tôi chưa nhận được báo"? và "Tôi có thể tạm dừng đăng ký trong kỳ nghỉ lễ không?".
Bà Seeger nhấn mạnh rằng điều này đã giúp hoạt động tổng đài của họ trở nên đặc biệt hiệu quả: "Trong ngành truyền thông, chúng tôi là một trong số ít công ty dẫn đầu về mặt này. Và chúng tôi đã đạt được khoản tiết kiệm đáng kể nhờ việc ứng dụng AI".
Một hệ thống tương tự hiện đang được triển khai tại bộ phận hậu cần của RP. Tại đây, một công cụ AI sẽ tiếp nhận cuộc gọi từ những người giao báo và sắp xếp lại lịch trình giao hàng của họ khi cần.
Tập trung vào việc tăng tốc độ
Đối với Reuters, yếu tố tốc độ là giá trị cốt lõi mà AI mang lại.
Bà Sabine Wollrab, Trưởng văn phòng Reuters tại Đức, Áo và Thụy Sĩ, chia sẻ: "Chúng tôi nhận thấy AI có thể giúp chúng tôi hoạt động nhanh hơn. Và Reuters luôn muốn tăng tốc độ - đó là mô hình kinh doanh của chúng tôi".
Một ví dụ điển hình về việc tăng tốc độ là Fact Genie, một công cụ nội bộ có khả năng quét các bản tin trong vài giây và đề xuất những cảnh báo quan trọng để phòng tin tức xem xét trước khi xuất bản. Điều quan trọng cần lưu ý là biên tập viên con người vẫn là người cuối cùng phê duyệt mọi thông tin được công bố.
Bà Wollrab nhấn mạnh: "Đó là chiến lược mà chúng tôi thực sự coi trọng: AI là một công cụ hỗ trợ, nhưng nhà báo vẫn phải chịu trách nhiệm về nội dung được xuất bản".
Bà cũng khẳng định rằng cách tiếp cận 'con người trong vòng lặp' là điều Reuters không bao giờ thỏa hiệp: "Uy tín là một trong những lợi thế cạnh tranh của chúng tôi. Reuters là một thương hiệu rất đáng tin cậy. Và chúng tôi không muốn đánh đổi điều đó cho AI".
Chuyển đổi từ thử nghiệm sang cấu trúc bài bản trong ứng dụng AI
Cả Reuters và RP đều đã tiến một bước dài trong việc ứng dụng AI. Từ những thử nghiệm ban đầu còn rời rạc, họ đã chuyển sang một phương pháp tiếp cận có cấu trúc hơn, tích hợp các công cụ AI vào hoạt động của nhiều tờ báo và từng nhà báo.
Bà Seeger cho biết, ngay cả với cách tiếp cận tập trung hơn, các tòa soạn địa phương của RP vẫn được tự do thử nghiệm các giải pháp AI mới. "Đó là lợi thế khi chúng tôi có bốn tờ báo khác nhau: chúng tôi có bốn bộ phận để thử nghiệm mọi thứ. Và một khi chúng tôi phê duyệt một công cụ nào đó, chúng tôi có thể triển khai nó cho tất cả mọi người", bà nói.
Reuters cũng khởi đầu với việc các nhà báo tự thử nghiệm nhiều công cụ AI khác nhau để giải quyết các vấn đề thực tế. Động lực từ cơ sở này sau đó đã phát triển thành một cách tiếp cận bài bản hơn, bao gồm cả việc phát triển các công cụ AI tùy chỉnh nội bộ, điển hình là Fact Genie.
Bà Wollrab chia sẻ: "Việc là một phần của tập đoàn Thomson Reuters mang lại lợi thế lớn. Chúng tôi có thể tận dụng phòng thí nghiệm của Thomson Reuters để làm việc với các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và các thử nghiệm khác".
Không sử dụng AI cho video hoặc hình ảnh
Cả hai nhà xuất bản đều thận trọng phân biệt rõ ràng giữa việc sử dụng AI như một công cụ nâng cao năng suất và AI như một công cụ sáng tạo nội dung.
Bà Wollrab khẳng định Reuters không sử dụng AI để tạo nội dung báo chí, video hoặc hình ảnh. "Với một bức ảnh, bạn thực sự muốn thể hiện điều gì đó có thật, chứ không phải một dạng thực tế nhân tạo nào đó".
Tính minh bạch là nguyên tắc cốt lõi của Reuters. Mọi nội dung do AI tạo ra trên nền tảng của họ đều được gắn nhãn rõ ràng, bao gồm cả bản ghi âm và bản dịch.
Chính sách của RP cũng tương tự. Bà Seeger cho biết: "Hướng dẫn biên tập của chúng tôi quy định rõ ràng rằng chúng tôi không xuất bản văn bản hoặc hình ảnh do AI tạo ra".
Mặt khác, RP đã thử nghiệm sử dụng hình ảnh do AI tạo ra (có gắn nhãn) trong các chiến dịch tiếp thị, nhưng kết quả cho thấy những chiến dịch này kém hiệu quả hơn so với những chiến dịch sử dụng hình ảnh thật.
Ông Mayer cho rằng không phải lúc nào việc tiết lộ việc sử dụng AI cũng là cần thiết. "Nếu một lượng lớn văn bản được tạo ra bởi AI, bạn cần phải đánh dấu nó. Nhưng nếu AI chỉ hỗ trợ bạn một phần trong quá trình đó, tôi không nghĩ bạn cần phải tiết lộ", ông nói. Theo ông, việc sử dụng AI ở mức độ nhỏ có thể được so sánh với việc sử dụng các công cụ như trình kiểm tra chính tả mà không ai nghĩ đến việc phải thông báo.
Ông cũng lưu ý rằng khán giả có thể ít quan tâm đến tính minh bạch hơn trong một số trường hợp cụ thể, chẳng hạn như các bản tin thời tiết được tự động hóa.
Tập trung vào tối ưu hóa và công cụ dịch thuật nâng cao
Trong tương lai gần, thay vì mải mê tìm kiếm những đột phá AI hoàn toàn mới, cả Reuters và RP đều ưu tiên tối ưu hóa những ứng dụng AI mà họ đã triển khai thành công.
Bà Seeger của RP nhận định: "Đã có rất nhiều trường hợp sử dụng AI tiềm năng. Vấn đề thực sự nằm ở việc áp dụng chúng một cách hiệu quả... Nếu chúng ta làm tốt những điều cơ bản, đó đã là một bước tiến lớn rồi".
Đối với Reuters, vấn đề dịch thuật vẫn là một điểm nghẽn quan trọng. Bà Wollrab giải thích: "Chúng tôi không chỉ cần bản dịch từng chữ một. Chúng tôi cần chuyển thể một nội dung được viết cho độc giả quốc tế bằng tiếng Anh, theo phong cách tin tức Anh, thành một bài báo tiếng Đức".
Bà cho rằng những công cụ dịch thuật có khả năng điều chỉnh mức độ liên quan và cấu trúc câu cho phù hợp với các bối cảnh văn hóa và phương tiện truyền thông khác nhau sẽ vô cùng hữu ích cho họ. "Đó luôn là điều chúng tôi tìm kiếm khi nhận được tin từ một đồng nghiệp quốc tế. Làm thế nào để chúng tôi có thể chuyển đổi nó để khách hàng truyền thông Đức của chúng tôi có thể sử dụng ngay lập tức"?
AI siêu cục bộ: Bước tiến lớn tiếp theo?
Ông Mayer cho rằng một cơ hội AI đầy hứa hẹn khác trong tương lai là tạo ra các quy trình mới để thu thập và xử lý thông tin, đặc biệt là cho các nhà xuất bản địa phương và khu vực.
"Có một cơ hội lớn trong việc thu thập và xử lý thông tin địa phương - từ email, thu thập dữ liệu web, các cuộc họp của thành phố - và phát triển một hệ thống cung cấp cho bạn nguồn cấp dữ liệu thông tin siêu địa phương của riêng bạn. Tôi nghĩ đây sẽ là bước tiếp theo và tôi coi đó là một bước ngoặt thực sự", ông nói.
RP đã thử nghiệm một ý tưởng tương tự cách đây ba năm: tự động phân loại nội dung để khán giả ở các khu vực cụ thể có thể nhận được tin tức phù hợp với vị trí của họ. Tuy nhiên, công nghệ vào thời điểm đó chưa đủ.
Hiện tại, họ đang chuẩn bị tái triển khai tính năng này với một giải pháp tiên tiến hơn, được hỗ trợ bởi AI. Bà Seeger nhận xét: "Đó là một minh chứng rõ ràng cho thấy công nghệ đã thay đổi như thế nào trong vòng ba năm qua".