Ám ảnh tắc đường mỗi dịp nghỉ lễ
(CLO) Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp lễ Tết thì các tuyến đường trục chính, cửa ngõ ra vào thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lại rơi vào quá tải, ùn tắc nghiêm trọng và trở thành nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông.
Tắc khắp các ngả đường
Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và nghỉ lễ 30/4 -1/5 năm nay người lao động được nghỉ 5 ngày liên tiếp. Bên cạnh việc lên kế hoạch cho những chuyến du lịch thì cũng không ít người lựa chọn rời Hà Nội về quê thăm người thân, sum họp gia đình.

Đường Giải Phóng đông đúc phương tiện chiều đi ra khỏi Thủ đô ngày 28/4.
Ngay trong ngày làm việc cuối cùng (28/4) trước kỳ nghỉ lễ, nhiều người đã lỉnh kỉnh đồ đạc lên đường về quê. Các tuyến đường tại cửa ngõ Thủ đô như Vành đai 3, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Giải Phóng... rơi vào tình trạng quá tải, ùn tắc.
Vì có con nhỏ, gia đình anh Đình Tùng (Thanh Xuân, Hà Nội) đã chọn sử dụng xe cá nhân về nghỉ lễ sớm hơn 1 ngày nhưng vẫn không thể tránh được ùn tắc. Ông bà nội ngoại đều ở Nam Định dù khá gần Hà Nội nhưng đợt Tết vừa rồi cả gia đình đã phải di chuyển từ 18h chiều đến gần 11h đêm mới về đến nhà vì tắc đường khắp các ngả.
Rút kinh nghiệm nên đợt này, cả gia đình chọn về sớm hơn 1 ngày để “né ùn tắc” nhưng cũng không khả quan hơn mấy. Từ trưa 28, đường Nguyễn Xiển đã khá đông phương tiện và đến chiều thì phương tiện càng xếp hàng dài hơn, anh Tùng chia sẻ.
Trong khi đó, gia đình anh Thuận (Cầu Giấy, Hà Nội) lại chọn rời Hà Nội về quê ở Nghệ An vào khung giờ sáng sớm. Theo anh Thuận, lý tưởng nhất vẫn là về trước 2 ngày, lên trước 2 ngày trong kỳ nghỉ lễ.
Tuy nhiên, do công việc của hai vợ chồng đều không chủ động được thời gian nên đành phải chọn về sau một chút. Thế nhưng, ngay trong sáng sớm ngày 29, đường Vành đai 3 đã đông đặc phương tiện và khi có sự cố va chạm giao thông thì ùn tắc càng nghiêm trọng hơn.
Chưa có ô tô riêng nên kỳ nghỉ lễ nào cả gia đình 3 người nhà chị Mai (Hà Đông, Hà Nội) cũng phải di chuyển vê quê bằng xe khách. Mỗi lần đến các cửa ngõ là xác định sẽ thấy cảnh hàng dài xe nối đuôi nhau nhích từng chút từng chút một.
Không ít hành khách sốt ruột chấp nhận xuống xe giữa đường. Nên nếu không thể về sớm thì mọi người nên về muộn hơn hẳn và tránh giờ cao điểm để di chuyển sẽ đỡ mệt mỏi hơn, chị Mai bày tỏ.

Nhiều hành khách rục rịch trở về thành phố từ sớm để tránh cảnh đông đúc.
Tình trạng ùn tắc tại các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô không chỉ xảy ra khi người dân về quê mà khi trở lại thành phố sớm hơn 1 ngày, nhiều chủ phương tiện cũng không khỏi ngán ngẩm khi phải nhích từng chút một trên đường.
Ghi nhận thực tế của PV Báo Nhà báo và Công luận, tại đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hướng về trung tâm TP Hà Nội, hàng nghìn phương tiện đổ dồn nên đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài.
Chị Hạnh (quê Ninh Bình) chia sẻ, do lo sợ ngày 3/5 lượng người quay lại Hà Nội đông nên gia đình quyết định di chuyển sớm hơn 1 ngày nhưng vẫn không tránh khỏi tắc đường. Tắc từ đường cao tốc tới khu vực đường gom.
Thông tin từ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, dự báo lượng người và phương tiện di chuyển trên các tuyến cao tốc do đơn vị khai thác sẽ tăng đột biến trong ngày 3/5 do người dân quay lại các thành phố lớn làm việc sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Khoảng 90.000 xe về TP Hồ Chí Minh qua tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; khoảng 70.000 xe về Hà Nội qua tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và 60.000 xe qua tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Để ùn tắc giao thông không còn là nỗi ám ảnh
Tình trạng ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tới từ nhiều nguyên nhân, đó là đô thị hóa nhanh, lượng người tập trung đông kéo theo phương tiện cá nhân tăng quá nhanh, tập trung vào nội đô, hạ tầng chưa đáp ứng, ý thức chấp hành Luật Giao thông chưa tốt,...
Ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, cuối năm 2022 toàn thành phố có 37 điểm ùn tắc, chủ yếu tập trung trong khu vực nội thành với 10 điểm ùn tắc phát sinh mới.
Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt khoảng 10,35%. Tính đến tháng 2/2023, Hà Nội có 7,86 triệu phương tiện giao thông, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông trung bình của Hà Nội khoảng 4 - 5%/năm.
Trong đó có hơn 1 triệu ô tô; 6,6 triệu xe máy và gần 185 nghìn xe máy điện. Ngoài ra trên địa bàn thành phố thường xuyên có khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông.

Dòng phương tiện hướng về Thủ đô tăng cao vào chiều 2/5.

Ùn tắc xảy ra từ cao tốc đến đường gom.
TS. Trần Hữu Minh - Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm ngoái tắc 2 giờ trên đường Vành đai 3 và năm nay tắc tới 2,5 giờ.
Một lần nữa cho thấy cần phát triển đường sắt và vận tải tuyến cố định, nếu không sắp tới tình trạng ùn tắc còn tiếp tục kinh khủng hơn, TS. Trần Hữu Minh khẳng định.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy phân tích, ùn tắc giao thông là hiện tượng đã lường trước được nhưng chưa có giải pháp nào tức thời để ứng phó hiệu quả.
Lực lượng chức năng đã làm hết sức mình, nhiều người dân cũng chủ động lịch đi lại, nhưng vẫn không tránh được, nhiều thời điểm phải bó tay chịu trận.
Trong khi chờ đợi các giải pháp căn cơ như phát triển hạ tầng, hạn chế xe cá nhân, nâng cao ý thức tham gia giao thông,... cần có biện pháp tức thời cho những tình huống cụ thể.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với những kỳ nghỉ lễ dài ngày, cần có các biện pháp khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, chủ động lịch đi lại như giảm giá vé máy bay, tàu hỏa, xe khách liên tỉnh vào các khung giờ thấp điểm.
Mặt khác tăng cường lực lượng chức năng vừa điều tiết vừa xử phạt nghiêm vi phạm gây hỗn loạn giao thông như lấn làn, vượt ẩu, dừng đỗ tuỳ tiện; đặc biệt là trên các tuyến cao tốc, cửa ngõ ra vào thành phố lớn.