Ám ảnh tai nạn giao thông đường sắt tại những lối đi tự mở

10/02/2023 07:58

(CLO) Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), có đến ít nhất 70% các vụ tai nạn giao thông đường sắt trên cả nước xảy ra tại các lối đi tự mở. Trong đó có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản.

Ngay trong thời gian Tết Nguyên đán Quý Mão, đã có liên tiếp 3 vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội. Điều này dấy lên cảnh báo về tình trạng mất an toàn giao thông tại các tuyến đường sắt giao nhau với đường ngang dân sinh và các lối đi tự mở.

am anh tai nan giao thong duong sat tai nhung loi di tu mo hinh 1

Nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản đã xảy ra tại các lối đi tự mở trên phạm vi cả nước. Ảnh: TL.

Ngày 28/1/2023, tàu SE5 chạy tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh khi đến Km 28+805 (khu gian Chợ Tía, Phú Xuyên, Hà Nội) đã va chạm với ô tô đầu kéo chở thép.

Vụ tai nạn làm nhân viên cảnh giới bị thương. Đầu máy bị hư hỏng không thể tiếp tục kéo tàu SE5. Địa điểm xảy ra vụ tai nạn là lối đi tự mở do Hà Nội tổ chức cảnh giới.

Nguyên nhân chính là do thời gian xe đầu kéo qua lối đi tự mở quá lâu, xe lại quá dài, chắn ngang đường tàu nên nhân viên cảnh giới không hạ được cần chắn.

Khi tàu sắp đến, ô tô chưa thoát ra khỏi đường tàu, nhưng nhân viên cảnh giới không làm tín hiệu cho lái tàu dừng tàu khẩn cấp.

Hàng nghìn điểm giao cắt trên toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam dài gần 2.000km luôn là nơi tiềm ẩn sự chết chóc ám ảnh nhân viên lái tàu. 

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 358 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, cả nước mới chỉ xoá bỏ được 292 vị trí trên tổng số 3500 lối đi tự mở hiện có trên các tuyến đường sắt. 

Thống kê của Cục Đường sắt Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 12/2022, trên mạng lưới đường sắt quốc gia có 24 tỉnh, thành phố đầu tư kinh phí tổ chức cảnh giới tại các lối đi tự mở, đường ngang nguy hiểm tại 263 vị trí.

Trong đó, Hà Nội cảnh giới tại 18 vị trí, Bắc Ninh 12 vị trí, Nam Định 12 vị trí, Khánh Hòa 17 vị trí... Nhiều nhất là Hải Dương với 65 vị trí.

Hiện vẫn còn hơn 11.500 điểm vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt chưa được giải toả, tập trung chủ yếu ở Bình Dương, Quảng Trị, Quảng Ninh, Yên Bái, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Huế, Nghệ An, Thái Nguyên, Hà Nội, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hải Phòng...

Theo quy định, đường ngang là giao cắt giữa đường bộ - đường sắt hợp pháp, được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cấp phép hoặc công nhận.

Lối đi tự mở (hay như cách gọi trước đây khi chưa được luật hóa là lối đi dân sinh) là tất cả các điểm giao cắt đường bộ - đường sắt còn lại (tức không được Bộ GTVT cấp phép, không được công nhận).

Với đường ngang hợp pháp, VNR đang được Nhà nước ký hợp đồng đặt hàng quản lý hàng năm nên đội ngũ gác đường ngang (nhân viên gác đường ngang) là chính quy, hưởng lương ngân sách hàng năm. Lối đi tự mở, hiện do địa phương quản lý, theo lộ trình đến năm 2025 sẽ phải xóa bỏ hoàn toàn.

Lối đi tự mở không phải là đường ngang (hợp pháp) nên không có nhân viên gác chắn chính quy. Các lối đi này hiện chưa thể xóa bỏ vì nhiều nguyên nhân nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn và tai nạn giao thông.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ám ảnh tai nạn giao thông đường sắt tại những lối đi tự mở
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO