Ấn Độ cảnh báo tình trạng khẩn cấp về ô nhiễm không khí ở New Delhi
(CLO) Cơ quan kiểm soát ô nhiễm của Ấn Độ cảnh báo về tình trạng khẩn cấp về sức khỏe ở New Delhi khi chất lượng không khí xấu đi nghiêm trọng ở thủ đô khiến bầu trời chuyển thành một màu xám xịt.
Thành phố này được xếp hạng là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, với lượng khí thải nhà máy nguy hiểm, khói thải ô tô và khói từ các đám cháy nông nghiệp đọng lại trên bầu trời của khu đô thị có hơn 20 triệu dân mỗi mùa đông.

Người dân đi làm trên con đường đông đúc trong điều kiện sương mù dày đặc ở New Delhi - Ảnh: AFP
Vào ngày thứ Bảy (13/11), mức độ hạt bụi mịn PM2.5 có hại tăng lên mức 300 trong chỉ số chất lượng không khí. Con số này gấp hơn 10 lần giới hạn an toàn hàng ngày do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra.
Mức độ hạt PM2.5 có chỉ số 300 trong 48 giờ khiến chính quyền buộc phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp ở thủ đô, bao gồm cả việc đóng cửa các trường tiểu học và hạn chế giao thông.
Trong khi sương mù làm giảm tầm nhìn, Chỉ số Chất lượng Không khí (AQI) ở thủ đô và khu vực xung quanh cũng đạt từ 470 đến 490 trên thang điểm 500, theo dữ liệu của Ủy ban kiểm soát ô nhiễm liên bang hôm thứ Bảy (13/11).
Trước đó một ngày, Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Trung ương đã yêu cầu người dân New Delhi "hạn chế các hoạt động ngoài trời, nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh" và khuyến cáo các cơ quan chức năng của chính phủ chuẩn bị thực hiện các biện pháp thuộc danh mục khẩn cấp, trong đó lưu ý các văn phòng tư nhân nên giảm 30% việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.
Yêu cầu nói thêm rằng chất lượng không khí kém có thể sẽ kéo dài đến ngày 18/11 do "gió nhẹ với điều kiện tĩnh lặng trong đêm".
Hôm thứ Bảy (13/11), Tòa án Tối cao đề nghị áp đặt một biện pháp ngăn chặn ô nhiễm đối với thủ đô Delhi để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chất lượng không khí.
"Nếu không thì chúng ta sẽ sống như thế nào?", Chánh án NV Ramana nói.

Bầu trời mịt mù do khói bụi ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ, ngày 12/11 - Ảnh: Reuters.
Việc đốt chất thải nông nghiệp ở các bang lân cận của thủ đô New Delhi, một yếu tố góp phần lớn dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí, vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp lệnh cấm của Tòa án Tối cao. Theo số liệu của chính phủ, số vụ cháy tại các trang trại trong mùa này là cao nhất trong vòng 4 năm qua.
Một báo cáo năm 2020 của tổ chức IQAir của Thụy Sĩ cho thấy 22 trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới nằm ở Ấn Độ, trong đó New Delhi được xếp hạng là thủ đô ô nhiễm nhất trên toàn cầu.
Cũng trong năm 2020, tạp chí khoa học The Lancet cho biết 1,67 triệu người chết là do ô nhiễm không khí ở Ấn Độ vào năm 2019, trong đó có gần 17.500 người ở thủ đô New Delhi.
Nguyễn Hoàng (Theo Channelnewsasia)