Ấn Độ tăng cường phát triển máy bay chiến đấu tàng hình
(CLO) Ngày 27/5, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ thông báo nước này đã chính thức phê duyệt khuôn khổ chế tạo dòng máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất của mình.
Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, chương trình do Cơ quan Phát triển Hàng không quốc doanh đảm trách và sẽ nhanh chóng mời các công ty quốc phòng trong nước tham gia phát triển nguyên mẫu.
Dự kiến đây sẽ là mẫu máy bay thế hệ thứ 5 với hai động cơ phản lực – bước tiến lớn trong tham vọng hiện đại hóa không quân của Ấn Độ.
.png)
Dự án này được đánh giá là thiết yếu trong bối cảnh lực lượng không quân Ấn Độ đang bị "xuống cấp", khi số lượng phi đội đã giảm từ 42 xuống còn 31. Phần lớn trong số đó là máy bay có nguồn gốc từ Liên Xô cũ và Nga.
Trong khi đó, Trung Quốc đang không ngừng tăng cường sức mạnh không quân, còn Pakistan đã đưa vào biên chế các tiêm kích J-10 hiện đại do Trung Quốc sản xuất.
Ấn Độ và Pakistan, hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, đã có 4 ngày giao tranh trong tháng này. Hai bên sử dụng cả máy bay chiến đấu, tên lửa, UAV và pháo binh.
Cuộc đối đầu gần đây cho thấy một bước ngoặt trong học thuyết quân sự của cả hai nước: lần đầu tiên, Ấn Độ và Pakistan sử dụng máy bay không người lái ở quy mô lớn.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng cho biết sẽ hợp tác với một công ty trong nước cho chương trình máy bay tàng hình, mở cửa đấu thầu cho cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, có thể đấu thầu độc lập hoặc theo mô hình liên doanh.
Trước đó, hồi tháng 3, một ủy ban quốc phòng Ấn Độ đã khuyến nghị đưa khu vực tư nhân vào chuỗi sản xuất máy bay quân sự nhằm giảm tải cho Hindustan Aeronautics Ltd (HAL) – doanh nghiệp nhà nước đang đảm nhiệm phần lớn sản xuất máy bay quân sự cho Ấn Độ.
HAL thời gian qua bị chỉ trích vì chậm trễ trong việc bàn giao tiêm kích hạng nhẹ Tejas – mẫu máy bay thế hệ 4.5 của Ấn Độ. Theo lời công ty, nguyên nhân là do General Electric (Mỹ) chậm cung cấp động cơ, xuất phát từ các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu.