An toàn học đường: Đừng chỉ đảm bảo trên giấy!

Thứ năm, 28/05/2020 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Các vụ tai nạn gần đây chính là tiếng chuông cảnh tỉnh về vấn đề an toàn trường học có dấu hiệu bị buông lỏng. Dư luận, báo chí chỉ tập trung phản ánh khi sự việc đáng tiếc xảy ra, rồi việc đâu lại hoàn đó, cho đến khi một cái cây, hay một sợi dây điện tiếp theo đổ xuống sân trường.

“Cây đổ là sự cố đáng tiếc, nhà trường không mong muốn nhưng sự việc đã xảy ra rồi. Nếu nói về trách nhiệm thì tôi xin nhận, vì mình là hiệu trưởng”. Ông Nguyễn Vạn Phúc - hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM - khẳng định như vậy tại buổi họp báo chiều 26/5 về vụ tai nạn do cây bật gốc đổ tại trường ông vào sáng cùng ngày khiến một học sinh tử vong và nhiều em bị thương. Có lẽ, các ông bố, bà mẹ khó tưởng tượng rằng đã trao gửi con đến tận tay những người có trách nhiệm ở nhà trường, thậm chí đưa con vào tận lớp học... mà trong ngày lại nhận được tin báo con tai nạn, thậm chí tử vong trong chính ngôi trường đó. Trường học lẽ ra phải là nơi an toàn nhất đối với các em. Nhưng các vụ tai nạn gần đây chính là tiếng chuông cảnh tỉnh về vấn đề an toàn trường học có dấu hiệu bị buông lỏng. Dư luận, báo chí chỉ tập trung phản ánh khi sự việc đáng tiếc xảy ra, rồi việc đâu lại hoàn đó, cho đến khi một cái cây, hay một sợi dây điện tiếp theo đổ xuống sân trường.

Những tai nạn được báo trước

Chiều 26/5, TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về vụ cây đổ đè nhiều học sinh thương vong tại Trường THCS Bạch Đằng. Buổi họp báo có sự tham dự của ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM và ông Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ông Lê Quang Đạo - đại diện Sở Xây dựng, ông Trần Quang Bá - quyền Chủ tịch UBND quận 3 đại diện lãnh đạo Công an quận 3, Trung tâm cấp cứu thành phố. 

Báo Công luận

Về tình hình sức khỏe của các học sinh, bác sĩ Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 cho biết, tại hiện trường có 13 em bị cây đổ đè vào. Có 4 em chuyển vào Bệnh viện Sài Gòn - ITO, trong đó có 1 em đã được về còn 3 em mổ sườn vào trưa nay. 8 em đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2, trong đó có 5 em đã được ra viện, 3 em gãy tay, chân, chấn thương cột sống còn chờ để mổ. Trường hợp em N.T.K được cấp cứu tại bệnh viện An Sinh đã mất vào 8h sáng nay. 

Ông Trần Quang Bá - Quyền chủ tịch UBND quận 3 cho biết gia đình em N.T.K thuộc diện hộ cận nghèo, mẹ của em K cũng mới sinh em bé được 2 ngày, vẫn còn rất yếu. Phía quận đang phối hợp với các cơ quan chức năng để lo hậu sự cho em K, trước mắt chi tạm ứng hỗ trợ cho gia đình là 40 triệu. 

Trước đó, ngày 22/5, ở Hải Dương học sinh N.T.A. (15 tuổi, lớp 9, trường THCS Quyết Thắng) tử vong sau thời gian điều trị tai nạn điện giật. Theo lý giải nhà trường, A. và các bạn cùng lớp thực hiện lao động theo phân công của giáo viên nhà trường là cắt, tỉa cành cây phi lao sau sân trường. Trong lúc đang chặt cây, cành cây phi lao bị đổ chạm vào dây điện cao thế gần đó khiến em A. bị điện giật ngã xuống đất.

Ngay sau xảy ra sự việc, nhà trường tiến hành sơ cứu và nhanh chóng đưa em N.T.A. đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Do vết thương nặng nên ngay trong chiều tối cùng ngày, em học sinh này được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội. Mặc dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng nam sinh này đã tử vong vào tối 22/5 tại nhà riêng trên địa bàn xã Quyết Thắng.

Trước khi cây phượng đổ ở thành phố Hồ Chí Minh và sợi dây điện cao thế bị đứt ở Hải Dương, báo chí cũng đã phản ánh nhiều đến những tai nạn “tuy bất ngờ nhưng đã được báo trước” trong trường học. Năm 2019 là chuyện học sinh trường Gateway tử vong bị bỏ quên trên xe. Sau đó ít ngày, dư luận lại một phen bàng hoàng với sự việc cháu bé 3 tuổi ở Bắc Ninh nghi bị bỏ quên trong xe đưa đón từ sáng sớm đến chiều, suýt nguy hiểm đến tính mạng. Năm 2018, cổng một ngôi trường tiểu học tại Lào Cai cũng... bất ngờ đổ sập đè chết một học sinh. Điều đau đớn nhất khi người ta phát hiện ra là trụ hoàn toàn không có thép!

Ngay tại Hà Nội, trường Mầm non Vườn Xanh ở Khu đô thị Mỹ Đình bị sập tan hoang trong quá trình thi công. Trời thương, sự cố xảy ra khi công trình chưa đưa vào sử dụng.

Cách đây chưa lâu, tại Đà Lạt, sàn phòng học đột nhiên sập, 10 học sinh trộn với bàn ghế rơi từ độ cao 5m, tất cả phải nhập viện cấp cứu!

Mới năm ngoái, tại Quảng Bình có trường hợp sập sàn bê tông nhà vệ sinh khi đang thi công tại trường THCS Đức Ninh, khiến 1 người chết. Và nếu tiếp tục thống kê, e rằng tốn không ít thời gian!

Xem thử, cụm từ “sập trường học” trên Google cho thấy những gì, nó có tới 14 triệu kết quả, nhưng nổi bật nhất là những trường hợp tai nạn thảm khốc từ châu Phi - nơi được xem chậm phát triển nhất thế giới, và phần lớn Google hướng kết quả về Việt Nam!

An toàn học đường… trên giấy?

Ngày 26/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã gửi lời chia buồn tới gia đình em học sinh tử vong và gửi lời thăm hỏi các em học sinh bị thương trong vụ tai nạn đổ cây tại trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP.HCM. Qua sự việc đau lòng này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng công tác đảm bảo an toàn trường học phải tiếp tục được các nhà trường, địa phương quan tâm hơn nữa. Bộ trưởng đề nghị Sở GD&ĐT TP.HCM, các Sở GD&ĐT trong toàn quốc cần chỉ đạo ngay các nhà trường liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn, tiến hành việc kiểm tra, kiểm kê và cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy đổ… đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về môi trường giáo dục an toàn; các chỉ đạo về bảo đảm an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh, sinh viên.

Báo Công luận

Báo cáo của Bộ GD&ĐT năm 2019 cho thấy, cả nước hiện có gần 75% phòng học kiên cố. Mầm non có tỷ lệ phòng kiên cố thấp nhất, chỉ gần 65%; vùng Tây nguyên chỉ 44%... Điều này đồng nghĩa, những trường lớp tạm đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho HS.

Rà soát lại các văn bản cho thấy, Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan không thiếu cơ sở pháp lý cho việc đảm bảo an toàn trường học. Hệ thống tiêu chuẩn thiết kế trong các công trình giáo dục của ngành xây dựng, trong đó quy định rất rõ về độ cao phòng học, cầu thang, lan can, số tầng, phải dùng vật liệu gì, khe hở ra sao… để đảm bảo HS không bị tai nạn, thương tích do bị ngã, bị rơi từ trên cao xuống…

Năm 2007, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định về “Quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trong trường phổ thông”. Trong đó, quy định trường học an toàn phải có hàng loạt tiêu chí: Có tủ thuốc và các dụng cụ sơ cấp cứu theo quy định; Có quy định về phát hiện và xử lý tai nạn, thương tích ở trường học; có phương án khắc phục các yếu tố nguy cơ gây tai nạn (nếu có) và phương án dự phòng xử lý tai nạn, thương tích; Thiết lập hệ thống ghi chép, theo dõi, giám sát và báo cáo xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích; Thực hiện đánh giá quá trình triển khai và kết quả các hoạt động xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích, đề nghị, công nhận trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích vào cuối năm học.

Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ mỗi đầu năm học mới của Bộ GD&ĐT về cơ sở vật chất trường học cũng đều nêu rõ: “Kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình đã hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn theo quy định khi chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp”.

Sau vụ việc xảy ra ở trường Gateway, bộ này cũng ban hành công văn yêu cầu tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho HS khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng ô tô… Chỉ thị ban hành năm 2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục cũng yêu cầu kiên quyết loại bỏ công trình không đảm bảo chất lượng, không an toàn đối với HS và nhà giáo; bố trí kinh phí để cải tạo, sửa chữa các công trình đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn, xây mới các công trình còn thiếu…

Cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) bị bật gốc đè trúng học sinh tử vong. Ảnh: Ngọc Dương

Cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) bị bật gốc đè trúng học sinh tử vong. Ảnh: Ngọc Dương

Tuy nhiên, không đâu xa, những trường học tại Hà Nội, đặc biệt là khu vực phố cổ, phố cũ..., không ít trường đã có tuổi đời lên tới 40 - 50 năm chỉ sửa chữa, vá víu tạm bợ, vẫn đang tiếp tục hoạt động. Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện về cơ sở vật chất trường học của Bộ dường như chưa sâu sát đến những chi tiết nhỏ nhưng lại có thể nguy hiểm cho HS, mà chủ yếu chỉ kiểm tra thực trạng đủ hay thiếu trường lớp học, trang thiết bị dạy học cần mua sắm, bổ sung... ra sao. Bằng chứng là rất hiếm những cảnh báo từ Bộ GD&ĐT về việc có bao nhiêu cơ sở giáo dục vi phạm hoặc chưa đảm bảo quy chuẩn về an toàn qua mỗi đợt thanh, kiểm tra; nguyên nhân là gì…

Trường học mất an toàn là thế, song, chưa khi nào việc ngăn chặn bạo lực, xâm hại học sinh may mắn trở thành rôm rả như chuyện thu, chi mỗi đầu năm học. Và, có cảm giác rằng, chuyện đó không quan trọng bằng thành tích, năm nay bao nhiêu giỏi, khá, giấy khen các kiểu, tỷ lệ tốt nghiệp, lên lớp...

Đã đến lúc Bộ GD&ĐT đưa ra những quy định mới chặt chẽ hơn, gắn trách nhiệm lớn hơn của nhà trường để có biện pháp phòng tai nạn học đường, để trường học thực sự là một nơi an toàn, xứng đáng là nơi gửi gắm của phụ huynh học sinh tới nhà trường.

Khánh An

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn