Chuyện từ làng cát
Tự hào là một sản phẩm nghệ thuật đậm nét văn hóa Việt Nam, một câu chuyện thuần Việt, do chính người Việt kể, “Ký ức Hội An” là chương trình nghệ thuật thực cảnh độc đáo nằm trong hệ thống Công viên Văn hóa chủ đề “Ấn tượng Hội An” - Hoi An impression Theme Park.
“Ký ức Hội An” được ví như con thuyền lớn đưa khán giả đi qua hơn 400 năm lịch sử của mảnh đất phía nam đèo Hải Vân, từ một làng chài ven biển tới một thương cảng Hội An sầm uất. Du khách tới đây được chứng kiến những thăng trầm của phố Hội, là nơi giao thoa văn hóa, điểm nối quan trọng của con đường giao thương Âu - Á trên biển huyền thoại. Xuyên suốt chương trình thực cảnh này là hình ảnh và âm thanh người phụ nữ dệt cửi. Khung cửi không chỉ là hình ảnh đặc trưng của văn hóa Hội An, vùng thương cảng buôn bán vải vóc sầm uất, mà còn dệt nên những câu chuyện của mảnh đất, con người nơi đây và qua dòng thời gian chạy dài bất tận.
Những điển tích, những câu chuyện đậm nét văn hóa Việt được khái quát qua 5 màn trình diễn:
Màn thứ nhất là buổi đầu mở cõi, dựng làng, lập ấp, nơi con người quần tụ, sinh sôi. Màn thứ hai là đám cưới của Huyền Trần công chúa với Quốc vương xứ Chăm-pa vì nghiệp lớn.
Màn thứ ba là câu chuyện tình yêu của người con gái xứ Quảng thủy chung, khắc khoải đợi chờ chồng đánh cá khơi xa. Đêm đêm nàng thắp đèn lồng sáng rực một bờ sông Hoài, gửi gắm lời nguyện cầu tha thiết. Ánh sáng mà người vợ thắp bên sông Hoài là chỉ dấu để người chồng vượt muôn nghìn sóng dữ, trở về với tình yêu và bình an.
Màn thứ tư là trường đoạn rộn ràng, tươi sáng và đầy màu sắc. Chúng ta sẽ gặp người Anh, người Pháp, người Hà Lan, người Tây Ban Nha, người Trung Đông… và nhiều cư dân từ khắp mọi nơi trên thế giới, tất cả tụ hội ở bờ sông này, để biến nơi làng cát thành một thương cảng phồn hoa, tấp nập.
Màn diễn khép lại bằng hình ảnh hòa bình, nhân ái và cái đẹp dịu dàng - Những thiếu nữ trong tà áo dài trắng, thong thả đạp xe trên con đường ánh sáng của thời gian.
Một sản phẩm du lịch thành công Theo ông Tôn Thất Hướng, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Nam: “Chương trình là sự tổng hòa các yếu tố múa, âm nhạc, trang phục, đồ họa, ánh sáng, sử dụng công nghệ hiện đại du nhập từ nước ngoài khiến cho chương trình biểu diễn thực cảnh rất ấn tượng, đẹp mắt. Nội dung chương trình cũng không nặng yếu tố lịch sử mà mang tính giải trí phục vụ du lịch nhiều hơn. Bên cạnh đó, các yếu tố văn hóa đặc trưng của vùng Quảng Nam như Hò Ba Lý đã được đội ngũ sáng tạo đưa thêm vào chương trình”.
Bà Maria Figa Lopez Palop, Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam sau khi thưởng thức chương trình đã rất hào hứng: “Tôi cảm thấy kinh ngạc với show diễn tuyệt vời này. Ký ức Hội An là một show diễn thực cảnh mới ra mắt nên còn ít người biết tới. Tuy nhiên với tư cách là đại sứ Tây Ban Nha, tôi sẽ hỗ trợ các ban lan tỏa thông tin về show diễn để khách du lịch Tây Ban Nha biết tới và thưởng thức show khi tới Hội An. Tôi cảm thấy thích thú với công nghệ trình diễn, âm nhạc, sự đam mê và chuyên nghiệp của các diễn viên”.
Trong khi đó, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định: “Chúng ta nên tự hào vì đây là một sản phẩm văn hóa - nghệ thuật hoàn toàn có thể sánh tầm với thế giới do chính người Việt tạo ra đồng thời là một trải nghiệm văn hóa mới mẻ sẽ trở thành xu hướng”.
Công viên “Ấn tượng Hội An” mở cửa từ 16h00 đến 21h00 hằng ngày sẽ góp một phần tích cực cho bức tranh du lịch Hội An, thu hút du khách, tăng thời gian sử dụng dịch vụ lưu trú ở địa phương, góp phần tạo động lực để tăng trưởng bền vững.
P.V