Áp dụng mô hình “chính quyền cảng”: Có đưa kinh tế biển lên vị trí số 1

14/09/2015 15:14

Một mô hình quản lý và khai thác cảng biển kiểu “chính quyền cảng” (port authority) sẽ được áp dụng, nếu Quốc hội thông qua dự thảo Bộ luật Hàng hải (sửa đổi) tại kỳ họp tới. Trước đó, Bộ GTVT đề xuất Quốc hội quy định mô hình “Chính quyền cảng”..

(NB-CL) Một mô hình quản lý và khai thác cảng biển kiểu “chính quyền cảng” (port authority) sẽ được áp dụng, nếu Quốc hội thông qua dự thảo Bộ luật Hàng hải (sửa đổi) tại kỳ họp tới. Trước đó, Bộ GTVT đề xuất Quốc hội quy định mô hình “Chính quyền cảng” vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam để tạo đột phá trong đầu tư, kinh doanh và quản lý cảng. Tuy nhiên, UBTV QH đã đề nghị phải giải trình rõ thuật ngữ này.

Chính quyền cảng: Mô hình mới ưu việt

Đây là mô hình tiên tiến, hiện đại đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, thống nhất về quản lý phát triển hệ thống cảng biển tại Việt Nam. Xoay quanh mô hình mới này, ông Nguyễn Mạnh Ứng - Phó Tổng Giám đốc Portcoast cho biết mô hình Chính quyền cảng nhằm thống nhất quản lý các cảng trong khu vực, tránh tình trạng phát triển manh mún, tự phát, không đồng bộ. Chính quyền cảng không thay thế chính quyền địa phương, mà ngược lại trong Chính quyền cảng sẽ có nhân sự của chính quyền địa phương. Chính quyền cảng chỉ điều phối hoạt động kinh doanh cảng và các hoạt động liên quan. Chính từ những ưu điểm này mà xây dựng Chính quyền cảng trở thành lựa chọn tốt nhất hiện nay đối với sự phát triển của hệ thống cảng biển Việt Nam.

Theo Phó Tổng Giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) - ông Nguyễn Xuân Kỳ, mô hình Chính quyền cảng đã hoạt động thành công tại nhiều nước trên thế giới và nó đã giúp chính quyền địa phương điều phối một cách hiệu quả hoạt động cảng biển. Mô hình hoạt động của Chính quyền cảng theo kiểu chủ cảng (Landlord Ports): Nhà nước sở hữu, đầu tư xây dựng cảng và các công trình hạ tầng phục vụ cảng (luồng hàng hải và hệ thống VTS, đường vào cảng,...); các công ty tư nhân đấu thầu khai thác quản lý cảng và đầu tư các công trình trên cảng.

[caption id="attachment_44187" align="aligncenter" width="800"]Chỉ thành lập Chính quyền cảng ở những cảng lớn. Chỉ thành lập Chính quyền cảng ở những cảng lớn.[/caption]

Chính quyền cảng chịu trách nhiệm toàn bộ các yêu cầu về cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật trong vùng cảng (trên bờ và dưới nước) bảo đảm cho hoạt động tiếp nhận tàu và vận chuyển hàng hóa; kết nối với mạng giao thông quốc gia và mạng hạ tầng kỹ thuật; bảo đảm mọi vấn đề liên quan đến môi trường.

Ông Hồ Kim Lân, Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) cho biết điểm yếu của hệ thống cảng biển Việt Nam hiện nay là quy hoạch không đồng bộ, manh mún. Đặc biệt từ trước đến nay, việc quản lý cảng biển của Việt Nam khá khác biệt so với hầu hết các nước trên thế giới, dẫn đến hệ quả đầu tư, khai thác manh mún, vừa thừa vừa thiếu, gây lãng phí nhiều mặt. Để xóa bỏ thực trạng này, tiến tới điều phối một cách hiệu quả đồng bộ các dự án cơ sở hạ tầng cảng biển và mạng lưới hạ tầng kết nối với cảng, rất cần vai trò điều tiết của Nhà nước, thông qua cơ chế Chính quyền cảng mới có đủ tư cách và thẩm quyền giải quyết rốt ráo những bất cập trong phát triển cảng biển hiện nay. Theo đó cần có lộ trình cải tiến sang cơ chế Chính quyền cảng như thông lệ quốc tế, trong đó có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương và khối các doanh nghiệp cảng.

Phải tạo sự đột phá

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng giao thông vận tải hàng hải của nước ta vẫn còn yếu so với yêu cầu của thực tế và tiềm năng của một quốc gia ven biển. Chính phủ đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thực hiện chủ trương tái cơ cấu, cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp, đổi mới công tác quản lý nhà nước về hàng hải nhưng chưa đủ đáp ứng yêu cầu phát huy vai trò của ngành vận tải hàng hải góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của nước ta trong giai đoạn mới. “Cần nghiên cứu, xác định nguyên nhân, lý do tại sao giao thông hàng hải nước ta chưa thể phát triển tương xứng so với tiềm năng, thế mạnh; phân tích, làm rõ hơn những bất cập, hạn chế về mặt thể chế của pháp luật hiện hành cần được tháo gỡ, nhằm tạo chuyển biến căn bản, đột phá cho ngành hàng hải nước ta phát triển tương xứng với vị trí, tiềm năng biển, biến nước ta trở thành “quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”, ông Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, thứ hạng giao thông vận tải Việt Nam tăng dần theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), từ vị trí 90 năm 2012 lên 74/138 năm 2014. Nhưng thứ hạng đó cũng thể hiện hạ tầng của chúng ta còn thấp kém. Cũng theo đánh giá của WB, xếp hạng logictics Việt Nam tăng 5 bậc lên vị trí 48 vào năm 2014 và chỉ đứng trên 3 nước Lào (không có biển), Campuchia, Myanmar ở khu vực Đông Nam Á. “Ngành giao thông vận tải nung nấu khi sửa Bộ luật này là cơ hội tạo sự đột phá về thể chế chính sách để phát triển kinh tế biển. Theo chiến lược biển, đến 2020 dầu khí xếp vị trí thứ nhất về kinh tế, nhưng từ 2021, kinh tế hàng hải sẽ xếp đầu. Để làm được điều đó, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm và một trong những việc quan trọng là sửa được Bộ luật Hàng hải”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến là quy định tại Điều 64b: Chính quyền cảng là tổ chức có chức năng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng; được thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi vùng đất, vùng nước được giao. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không nên dùng cụm từ “Chính quyền cảng” và nội dung thể hiện chưa rõ thuộc ai, cơ cấu thế nào, trong khi chức năng theo dự thảo là lớn.“Thể hiện từ ngữ, nội hàm phải thống nhất để không thể hiểu khác. Theo tôi, không nên dùng từ “chính quyền” vì nếu có sẽ dẫn đến “đẻ” ra một loạt “chính quyền” ở các khu công nghiệp, cảng hàng không”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu quan điểm.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá đây là điểm đột phá nhất trong các nội dung sẽ sửa đổi lần này. Chính quyền cảng không nằm trong hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương mà là tổ chức thống nhất sự phối hợp từ đầu tư, kinh doanh đến khai thác có hiệu quả cảng biển. Tuy nhiên, ban soạn thảo sẽ tiếp thu, dùng từ cho phù hợp để tránh gây hiểu nhầm. “Hầu hết các nước đều có mô hình tổ chức chính quyền cảng. Những tồn tại bất cập nhất của ta là tổ chức phối hợp đầu tư cảng ở những khu vực nhất định, dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả, tổ chức logicitics kém nên giá cao mà năng suất thấp. Chính vì vậy phải có mô hình tổ chức cho phù hợp để thống nhất được tất cả các lực lượng. Không phải cảng nào cũng có chính quyền cảng, mà chỉ tổ chức ở những cung cảng lớn như ở Hải Phòng”, Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.❏

Trước yêu cầu cấp thiết phải thành lập một tổ chức đầu não trong việc quản lý mọi hoạt động của các cảng, Chính phủ đã chấp thuận cho phép Cục Hàng hải Việt Nam triển khai thí điểm mô hình Chính quyền cảng. Cục Hàng hải đang nghiên cứu phương thức hoạt động của mô hình này một cách gấp rút và trước mắt sẽ nghiên cứu áp dụng thí điểm đối với cụm cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) cùng hai cảng trọng điểm là cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) và cảng Vân Phong (Khánh Hòa). Sau đó sẽ triển khai thí điểm rộng hơn ở một số cảng có điều kiện để từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thực hiện đồng bộ trên toàn quốc; tạo môi trường thông thoáng trong thu hút đầu tư phát triển và kinh doanh khai thác cảng biển. Đây có thể được xem như bước ngoặt quan trọng đưa cảng biển Việt Nam hội nhập sâu vào thông lệ ngành thương mại hàng hải thế giới, để cảng biển Việt Nam trở thành một trong những trung tâm cảng biển lớn không những của nước ta mà còn của các nước trong khu vực và thế giới, nhằm đưa đất nước trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển.

NGUYÊN HUY

ÔNG NGUYỄN NGỌC BẢOÔNG NGUYỄN NGỌC BẢO, ĐB QH TỈNH VĨNH PHÚC: Hiện nay, việc quản lý cảng biển chưa tốt, có những cơ chế rất chồng chéo, bất cập nhưng vai trò quản lý của Nhà nước đối với cảng biển chưa rõ. Trong khi chính quyền cảng là mô hình tiến bộ trên thế giới, nên tôi ủng hộ thành lập tổ chức này song có thể gọi là ban quản lý cảng.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                  .

ÔNG NGUYỄN HẠNH PHÚCÔNG NGUYỄN HẠNH PHÚC, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI: Tôi chưa rõ chỗ Ban quản lý khai thác cảng. Ta phải tách bạch quản lý nhà nước và hoạt động của doanh nghiệp. Tránh trường hợp "đá bóng thổi còi”. Theo ông Phúc vấn đề quy hoạch còn liên quan đến quản lý của chính quyền địa phương nên rất khó. Đề nghị Ban quản lý khai thác cảng chỉ làm chức năng của mình thôi, nếu làm cả đầu tư, quản lý thì chồng lên chức năng của Nhà nước. Đây là vai Nhà nước, anh là doanh nghiệp nhà nước mà làm thế thì cũng không được. Tốt nhất, để quản lý hiệu quả thì nên tách ra. Ban quản lý cảng chỉ khai thác, còn quản lý đầu tư thì phải do Nhà nước làm.

ÔNG NGUYỄN NHẬTÔNG NGUYỄN NHẬT, CỤC TRƯỞNG CỤC HÀNG HẢI VN: Mô hình Chính quyền cảng biển được nhiều nước đang áp dụng thành công. Điều này giúp cho trật tự cũng như luồng hàng được điều tiết một cách hợp lý hơn. Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi rất nhiều với điều này. Các cụm cảng ở Việt Nam rất cần một chính quyền cảng để có thể tập hợp sức mạnh của các cảng, đồng thời phân bổ luồng hàng phù hợp chức năng của từng khu vực, từng cảng. Đặc biệt, các cảng sẽ có được mức phí, giá dịch vụ hợp lý, thống nhất để đủ sức cạnh tranh với cảng nước ngoài.

ÔNG ĐỖ XUÂN QUỲNHÔNG ĐỖ XUÂN QUỲNH, TỔNG THƯ KÝ HIỆP HỘI CHỦ TÀU VN: Cần hình thành cơ chế chính quyền cảng đi kèm khuyến khích hợp tác công tư, để thu hút đầu tư phát triển cảng lên quy mô lớn vùng miền có trọng điểm và hiệu quả.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                      .

Chỉ thành lập “chính quyền cảng” ở cảng lớn như Hải Phòng

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết Chính quyền cảng nhằm giải quyết những tồn tại, bất cập hiện nay trong việc tổ chức phối hợp đầu tư cảng. Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng có chính quyền cảng mà chỉ thành lập ở những cảng lớn như tại Hải Phòng.

[caption id="attachment_44180" align="aligncenter" width="660"]Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng[/caption]

Bộ Giao thông - Vận tải, cho rằng, hầu hết các nước đều có mô hình tổ chức chính quyền cảng. Chính quyền cảng không nằm trong hệ thống chính quyền từ Trung ương tới địa phương mà tổ chức thống nhất về đầu tư kinh doanh, khai thác cảng biển có hiệu quả, vừa có có chức năng quản lý Nhà nước, vừa hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính quyền cảng sẽ đóng vai trò là “chủ đất”, trực tiếp đầu tư hoặc đứng ra kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng, hạ tầng cơ bản, sau đó cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thuê để kinh doanh, khai thác.

Chính quyền cảng nhằm giải quyết những tồn tại, bất cập hiện nay trong việc tổ chức phối hợp đầu tư cảng, dẫn đến tình trạng giá thành cao, hiệu quả thấp. Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng có chính quyền cảng mà chỉ thành lập ở những cảng lớn như tại Hải Phòng.

Trên thực tế, từ hai năm qua, Bộ GTVT đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập chính quyền cảng tại cảng Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng. Mô hình này là cơ quan Nhà nước đặc biệt, hoạt động theo mục đích công và lợi nhuận.

PV

“Chính quyền cảng” đưa kinh tế biển lên vị trí số 1

Việt Nam là một quốc gia có bờ biển dài, với phần lớn lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển, vận tải biển trở thành huyết mạch chính trong hệ thống lưu thông của nền kinh tế. Nằm ở vị trí có điều kiện tự nhiên thuận lợi, lại gần các tuyến đường hàng hải quốc tế là điều kiện tốt để Việt Nam phát triển cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu và cảng trung chuyển quốc tế. Đặc biệt để đưa nền kinh tế biển lên vị trí số một thì việc phát triển hệ thống cảng biển có vai trò hết sức quan trọng. Qua nghiên cứu thực tế các mô hình tổ chức quản lý cảng biển của các nước trên thế giới cho thấy mô hình Chính quyền cảng có nhiều ưu điểm và được đa số các nước phát triển áp dụng.

Theo mô hình này, Chính quyền cảng được quyền sở hữu toàn bộ vùng đất, vùng nước cảng biển và khu hậu cần sau cảng, chủ động phân kỳ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cầu bến cảng biển theo từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu thông qua hàng hóa tại khu vực; tổ chức cho các thành phần kinh tế tư nhân thuê khai thác kết cấu hạ tầng cầu bến cảng đồng thời thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước theo phân cấp. Để phù hợp với thể chế nhà nước hiện nay, Việt Nam cần tổ chức Ban quản lý khai thác cảng theo mô hình Chính quyền cảng có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Theo đó Ban quản lý khai thác cảng cần có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể. Đó là được giao quyền sử dụng vùng đất, vùng nước cảng biển và khu hậu cần sau cảng. Lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng theo từng giai đoạn trình Bộ GTVT phê duyệt. Lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng phát triển khu hậu cần sau cảng theo từng giai đoạn trình UBND tỉnh, thành phố nơi có cảng biển phê duyệt; Tổ chức đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng theo quy hoạch được duyệt. Ngoài ra cũng được quyền huy động các nguồn vốn hợp pháp trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng theo quy định của pháp luật. Tổ chức đấu thầu cho thuê khai thác hoặc các hình thức khai thác khác kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng và khu công nghiệp phụ trợ theo quy định của pháp luật. Ngoài ra cũng cần kiểm tra, giám sát việc xây dựng và khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng và khu công nghiệp phụ trợ theo quy hoạch và công năng được duyệt. Tổ chức khai thác cảng biển, khu hậu cần sau cảng trong vùng đất, vùng nước được giao; Tổ chức duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng và khu công nghiệp phụ trợ...

Việc áp dụng mô hình quản lý khai thác cảng như trên sẽ khắc phục được những bất cập, tồn tại hiện hữu, bảo đảm xây dựng và phát triển cảng biển theo đúng quy hoạch, định hướng chiến lược. Đặc biệt sẽ khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, cung vượt cầu; từ đó phát huy tối đa hiệu quả trong hoạt động khai thác cảng biển, khu đất sau cảng. Huy động được nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển; Phát huy ưu thế và tính linh hoạt trong quản lý và khai thác cảng biển, đặc biệt từ thành phần tư nhân. Thu hồi được toàn bộ nguồn thu phí, lệ phí cảng biển và giá trị có được từ lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của cảng biển; Bảo đảm lựa chọn được nhà khai thác cảng có năng lực, hiệu quả với giá cho thuê tối ưu nhất.

Tuy nhiên, Chính quyền cảng trong giai đoạn trước mắt chỉ áp dụng tại các khu vực cảng biển trọng điểm quốc gia, bắt đầu được đầu tư xây dựng như Lạch Huyện - Hải Phòng, Vân Phong - Khánh Hòa, từng bước hoàn thiện và áp dụng đối với các cảng biển trọng điểm khác trong tương lai.

Việc xây dựng hệ thống cảng biển hiện đại với mô hình và tổ chức quản lý cảng biển hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và điều kiện thực tế tại Việt Nam là cần thiết nhằm bảo đảm lưu thông hàng hoá, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

TH.S VŨ THẾ QUANG

    Nổi bật
        Mới nhất
        Áp dụng mô hình “chính quyền cảng”: Có đưa kinh tế biển lên vị trí số 1
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO