Áp lực… siêu nhân, gánh nặng… người hùng

Thứ ba, 02/03/2021 09:48 AM - 0 Trả lời

(CLO) Người bình thường trở thành người hùng đã khó, người hùng trở về người bình thường còn khó hơn. Ca ngợi một hành động dũng cảm, lan tỏa những điều tử tế là điều cần thiết và xứng đáng nhưng tung hô quá đà lại là trò lố.

Hành động của anh Nguyễn Ngọc Mạnh đã được Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành ủy Hà Nội gửi thư khen; được các cấp, các ngành tuyên dương, khen thưởng kịp thời. Ảnh: TL

Hành động của anh Nguyễn Ngọc Mạnh đã được Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành ủy Hà Nội gửi thư khen; được các cấp, các ngành tuyên dương, khen thưởng kịp thời. Ảnh: TL

Vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ có một câu chuyện liên quan đến cứu hộ, cứu nạn được nhắc đi nhắc lại như một “giá trị Mỹ” trong cơn khủng hoảng. Chuyện kể về một người lính cứu hộ vừa trở ra từ đống đổ nát phía trong tòa nhà bị đánh sập trong bộ dạng lấm lem, bê bết bùn đất, khói bụi. Khi được phỏng vấn rằng động lực nào khiến anh ta dũng cảm lao mình vào đám cháy cứu người, bất chấp nguy hiểm. Thay vì những mỹ từ cao siêu về sứ mệnh, nhiệm vụ cao cả,… anh lính đã trả lời rằng: Tôi được nước Mỹ trả lương để làm việc này.

Đó đã là một câu trả lời đầy tự trọng, thể hiện thái độ chuyên nghiệp, là câu chuyện đẹp nảy nở trong những ngày nước Mỹ trải qua thảm khốc kinh hoàng.

20 năm sau, tại Việt Nam, anh Nguyễn Ngọc Mạnh, một lái xe chở hàng ở Đông Anh, Hà Nội, thậm chí không phải lính cứu hộ chuyên nghiệp, không được… trả lương nhưng đã mưu trí, dũng cảm nhảy lên mái tôn cứu cháu bé 3 tuổi, rơi từ tầng 12 một chung cư. Trả lời phỏng vấn, Mạnh nói anh không phải siêu nhân hay người hùng, anh làm việc đó như tạo phúc cho đời.

Những điều tử tế luôn không có biên giới, nó sẵn sàng mọc mầm ở đâu đó bên kia bán cầu hay ở ngay dải đất hình chữ S chừng nào còn có những con người tốt và dũng cảm như thế.

Bạn, tôi và chúng ta, đã bao giờ từng một lần nhìn thấy ai đó gặp nguy mà không cứu giúp. Tôi tin là ít nhất từng có một lần như thế. Có muôn ngàn lý do để biện minh: muộn giờ làm, chậm giờ đón con. Thậm chí tặc lưỡi: Đó không phải là việc của mình, can dự vào làm gì kẻo “đầu không đầu phải tai”.

Cơ hội để làm việc tử tế cứ thế trôi qua, chúng ta cũng chẳng mảy may tự vấn lương tâm về sự vô cảm của bản thân.

Và, nếu anh Nguyễn Ngọc Mạnh, 31 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội cũng tặc lưỡi bước đi khi nghe tiếng kêu cứu, cơ hội sống sót của cháu bé rơi từ tầng 12 chung cư sẽ cực kỳ mong manh. Khi đó, một khoảng trống mênh mông được tạo ra còn đáng sợ hơn cả tai nạn hy hữu trên ấy là lòng tốt và tình người. Điều mà trong các sách giáo khoa đạo đức từ tiểu học đến… cao học luôn được nhắc đi nhắc lại. Anh Mạnh làm nghề lái xe chở hàng, chỉ là lao động tự do nhưng hành động cứu người của anh xứng đáng trở thành một câu chuyện giáo khoa đạo đức trong bất kỳ một cấp học nào.

Dù được ca ngợi như người hùng nhưng anh Mạnh chỉ mong muốn là người bình thường và trở về với công việc lái xe hằng ngày. Ảnh: TL

Dù được ca ngợi như người hùng nhưng anh Mạnh chỉ mong muốn là người bình thường và trở về với công việc lái xe hằng ngày. Ảnh: TL

Không được đào tạo về cứu hộ chuyên nghiệp, không có dụng cụ bảo hộ, chỉ cần một sơ suất nhỏ, không chỉ cháu bé mà tính mạng của Mạnh cũng bị đe dọa. Ngay cả khi nhớ lại sự việc, Mạnh cũng không hình dung nổi tại sao vào lúc ấy, anh có thể trèo lên được mái tôn và cứu được cháu bé rơi từ độ cao như thế. Phải chăng vào phút giây huyền diệu ấy, có một thứ “ngoại lực” nào đó từ “cõi người” tác động vào tâm trí Mạnh, giúp anh có đủ tình yêu thương, lòng dũng cảm và sự sáng suốt để cứu cháu bé thành công.

Càng trân quý hơn khi biết lý do “người hùng” Nguyễn Ngọc Mạnh cứu cháu bé chỉ đơn giản vì trong giây phút ấy, anh nghĩ đến con gái mình. Rằng cứu người để làm phúc cho con cái, rằng cho đi là còn mãi.

Mạnh nói anh không muốn làm người hùng, không phải “siêu nhân” mà chỉ muốn làm người bình thường. Anh chàng lái xe cho biết, có khi phải tắt điện thoại bởi có quá nhiều người liên hệ bày tỏ sự khâm phục, thậm chí có ý định hỗ trợ vật chất. Cái sự bình thường ấy mới thực sự đáng quý. Bởi thường thì những người dám làm điều phi thường, khác thường không bao giờ muốn ồn ào.

Thế nhưng cư dân mạng thêm một lần nữa lại bày tỏ sự ngưỡng mộ quá đà. Trong một Group nọ, người ta kêu gọi quyên góp ủng hộ Mạnh, thậm chí... dựng tượng anh.

Sau khi được các cấp, các ngành tuyên dương, khen thưởng, Nguyễn Ngọc Mạnh lái xe chở hàng ở Đông Anh bỗng dưng trở thành Mạnh “siêu nhân”, Mạnh “người hùng”. Quả thật, từ người bình thường trở thành người hùng đã khó, từ người hùng trở về người bình thường còn khó hơn.

Ca ngợi một hành động dũng cảm là điều cần thiết và xứng đáng nhưng tung hô quá đà kiểu như kêu gọi dựng tượng hay so sánh với… huyền thoại kiếm hiệp lại là trò lố. Kể cả việc soi xét hết góc quay này đến góc quay khác để xem tay của Mạnh có đỡ được cháu bé hay cháu bé rơi xuống mái tôn lúc này cũng là điều không cần thiết. Nó càng cho thấy lòng dạ hẹp hòi của những kẻ chỉ ưa phán xét, rao giảng đạo đức.

Hành động của Mạnh, dĩ nhiên không nhiều người làm được, bởi bên cạnh lòng tốt, nó còn cần đến sự dũng cảm, mưu trí. Nhưng cách anh chia sẻ cho thấy, ai cũng có thể làm được việc tử tế, được làm việc tử tế là hạnh phúc. Việc tử tế phải trở thành điều bình thường trong cuộc sống, diễn ra thường xuyên, liên tục hằng ngày chứ không phải chuyện hy hữu để tạo ra những… người hùng.

Quang Duy

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn