Từ dữ liệu của trang Patently Apple – một trang chuyên theo dõi Quả táo cắn dở về mặt pháp lý, tờ ZDNet tiết lộ Tim Cook và đồng bọn đang chìm giữa 32 vụ kiện tập thể chỉ riêng ở Mỹ vì làm chậm iPhone.
Ngay trong tuần này đã có thêm 5 vụ mới, trong đó bao gồm đơn kiện từ Hagens Berman – công ty luật đã khiến Apple chịu phạt 450 triệu USD vì đặt giá eBook quá đắt.
Trong đơn đệ lên tòa án, hãng này nêu ra 6 nguyên nhân tố tụng của mình, và đáng chú ý hơn cả trong số đó chính là hành vi phá hoại tài sản. Từ năm 1990, việc gây gián đoạn, làm hư, làm chậm máy tính hoặc thiết bị của người khác cũng được tính là hành vi phá hoại tài sản để áp dụng xử phạt những hacker hay spammer.
Những người sở hữu iPhone cũ ở San Jose đã đâm đơn kiện Apple vì phá hoại tài sản của họ thông qua những bản cập nhật phần mềm, bởi chúng làm giảm hiệu năng và trải nghiệm sử dụng của họ:
“Apple đã cố tình tung ra những bản nâng cấp phần mềm cho iOS, cụ thể là iOS 10 và 11, bất chấp việc biết rằng chúng sẽ có yêu cầu phần cứng cao hơn mà iPhone cũ không thể đạt được, dẫn đến tình trạng giảm hiệu năng và gây ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm người dùng của nó.
Hậu quả của việc Apple can thiệp vào những chiếc iPhone này là nguyên đơn bị chịu thiệt, trong đó phải kể tới việc iPhone của họ bị giảm sút hiệu năng, tính hữu dụng, chất lượng và giá trị. Từ đó kéo theo việc những khách hàng này buộc phải mua iPhone mới/ hoặc pin mới. Sự thừa nhận của Apple cũng là hành động cho thấy hãng chèn ép người dùng nâng cấp iPhone mới như thế nào nhằm chuộc lợi một cách bất chính.”
Chắc chắn rằng Apple sẽ rất chật vật khi phải giải quyết sao cho ổn thỏa những vụ kiện ở cả trong nước lẫn nước ngoài.Theo
Koreatimes
, công ty luật Hannuri tại Hàn Quốc đã nhận được đơn kiện từ 240.000 người dùng iPhone và con số này tiếp tục tăng lên. Dự kiến, có thể sẽ có khoảng 300.000 người tham gia vụ kiện. Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc cũng đã yêu cầu Apple đưa ra lời giải thích về sự việc này, nhưng công ty Mỹ vẫn đang chọn giải pháp im lặng.
Tuấn Hưng (Theo BGR)