Australia: Cam kết giảm phát thải khí nhà kính, cơ hội lớn hơn thách thức
(CLO) Các nhà lãnh đạo của Australia có thể phủ nhận về mối liên hệ giữa nồng độ carbon và thời tiết khắc nghiệt. Nhưng họ sẽ khó có thể phủ nhận thực tế ngay lập tức về các hành động kinh tế và chính trị đang được thực hiện bởi các đối tác thương mại chính của đất nước.

Australia vẫn chưa đưa ra cam kết giảm phát thải khí nhà kính như hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới - Ảnh: Getty
Những cam kết quốc tế
Trong vài tháng qua, mỗi cường quốc kinh tế lớn trên thế giới đều cam kết hành động chống lại biến đổi khí hậu. Vào tháng 7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gây bất ngờ cho thế giới khi tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ đạt được mức độ trung lập carbon (phát thải khí nhà kính bằng 0) vào năm 2060.
Vào tháng 10, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố rằng Hàn Quốc sẽ tiến tới cùng mục tiêu vào năm 2050. Cam kết này đã được Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga lặp lại. Những thông báo này đã đưa các nền kinh tế quan trọng của châu Á phù hợp với xu hướng và cam kết giảm phát thải khí nhà kính của EU và Vương quốc Anh.
Vào tháng 11, Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ Joe Biden cũng tuyên bố về chính sách đầu tiên của mình là cam kết đưa Mỹ tham gia trở lại với Thỏa thuận khí hậu Paris, điều mà chính quyền của Tổng thống Trump đã quyết định rút khỏi năm nay.
Tất cả những điều đó khiến Australia trở thành nền kinh tế phát triển quan trọng cuối cùng trên thế giới từ chối đặt mục tiêu loại bỏ khí thải nhà kính để chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Australia tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới và thúc đẩy sự chuyển dịch sang khí đốt tự nhiên thay vì năng lượng tái tạo.
Chắc chắn, nhiều cam kết đang được thực hiện trên khắp thế giới vẫn còn mơ hồ khi mà không có cam kết nào đưa ra một kế hoạch đầy đủ và thực tế để chuyển sang nền kinh tế không carbon. Tuy nhiên, hướng thay đổi là rõ ràng và đang bắt đầu được hỗ trợ bởi các quy định nghiêm túc và được hỗ trợ bởi đầu tư công và cả tư nhân.
Tại Vương quốc Anh, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã thông báo vào tháng 11 rằng sẽ không có thêm xe ô tô động cơ đốt trong nào được cấp phép sau năm 2030. Đức đã cam kết 9 tỷ euro cho sự phát triển của nền kinh tế hydro (dùng hydro làm nhiên liệu carbon thấp).
Trung Quốc đã bắt đầu giảm lượng khí thải từ các ngành công nghiệp nặng của mình và rõ ràng là nước dẫn đầu toàn cầu trong việc phát triển công nghệ pin.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 mới đây, các nền công nghiệp mới nổi khác như Brazil, Nam Phi hay Saudi Arabia cũng đều có những mục tiêu cụ thể trong việc giảm phát thải khí nhà kính.

Australia vẫn tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới
Áp lực đối với Australia
Australia có vẻ đang cô đơn. Sự thật bất tiện đối với họ lúc này là các quốc gia đang bắt đầu hành động vì nền kinh tế không carbon đều là các đối tác thương mại chính của nước này. Sẽ không nước nào có thể chấp nhận rằng họ phải chịu chi phí cho sự thay đổi mà họ muốn thấy, trong khi tiếp tục kinh doanh với một quốc gia mà họ tin rằng có thể đứng sang một bên.
Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với Australia trong mối quan hệ với Trung Quốc, khi mà những bất đồng trong vấn đề an ninh đã được mở rộng thành tranh chấp thương mại. Tức là, Bắc Kinh có thể trừng phạt Canberra vì ngoan cố từ chối hành động chung đối với vấn đề phát thải khí nhà kính.
Trung Quốc có thể dễ dàng thay thế nhập khẩu rượu vang của Australia bằng nguồn cung cấp từ nhiều nhà sản xuất khác mong muốn bán vào một thị trường đang phát triển nhanh chóng. Australia sẽ khó tìm được người mua thay thế cho sản phẩm của mình. Sự cô lập sẽ là một viễn cảnh không hề xa vời.
Canberra dường như không từ bỏ niềm tin gần như tôn giáo của mình đối với nguồn năng lượng hydrocacbon, nhưng không phải ai cũng chia sẻ niềm tin đó. Trên khắp đất nước Australia, các bang khác nhau đã áp dụng các chính sách hoàn toàn khác nhau.
Trong khi Queensland và New South Wales đang tụt hậu, 52% sản lượng điện ở miền Nam Australia năm ngoái đến từ năng lượng tái tạo. Ở Tasmania, con số này là 95%. Trên khắp đất nước, năng lượng tái tạo hiện cung cấp 1/4 tổng số nguồn cung cấp điện.
Các hành động đã được thực hiện cũng đang bắt đầu xây dựng hoạt động kỹ thuật và kỹ năng quan trọng có thể mang lại cho Australia không chỉ một nguồn hỗn hợp năng lượng rất khác, mà còn có cơ hội cạnh tranh trong thị trường đang phát triển cho các sản phẩm và dịch vụ carbon thấp.

Một tuabin gió tại Trang trại gió Hornsdale ở Adelaide. 52% tổng sản lượng điện ở Nam Úc năm ngoái là từ năng lượng tái tạo - Ảnh: Getty
Nguồn năng lượng mới sẽ là hydro có nguồn gốc từ than nâu được khai thác ở Thung lũng Latrobe phía đông Melbourne sử dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon sẽ giúp Australia đạt được mục tiêu khử carbon.
Ngay cả khu vực tư nhân của Australia cũng đi trước chính phủ liên bang khi thừa nhận rằng thế giới đang thay đổi. Với tiềm năng khổng lồ về năng lượng mặt trời và gió và khả năng sử dụng công nghệ lưới điện tiên tiến, Australia sẽ thấy việc khử cacbon dễ dàng hơn nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Vấn đề của Australia lúc này mang tính thời điểm, nhưng họ cần có câu trả lời rõ ràng hơn. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp hơn đang bắt đầu ở Úc và sẽ tiếp tục tăng tốc, nhưng lập trường chính thức đi sau thực tế đang thay đổi. Thủ tướng Scott Morrison, đã hoàn thành nửa nhiệm kỳ 3 năm sau chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử cách đây 18 tháng, dường như không thay đổi hướng đi đối với một vấn đề mà ông đã xác định rõ ràng.
Hội nghị khí hậu lớn được tổ chức vào năm tới tại Scotland sẽ giải quyết vấn đề bằng cách tập trung vào các nỗ lực thiết lập một mức độ ràng buộc mới của các cam kết quốc tế.
Với việc Mỹ và Trung Quốc cùng lập luận, một kết quả quan trọng có thể xảy ra, khiến Australia đứng ngoài cuộc và dễ bị ảnh hưởng bởi các chính sách thương mại mới, như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon theo kế hoạch của EU, trong tiếng Anh đơn giản có nghĩa là thuế quan đối với những người không tuân theo tiêu chuẩn môi trường Châu Âu.
Câu hỏi đặt ra lúc này là, liệu vào thời điểm này năm sau, Australia đã sẵn sàng tham gia vào sự đồng thuận mới của thế giới hay chưa? Thách thức là rất lớn, nhưng cơ hội cũng không phải là nhỏ đối với một quốc gia giàu tiềm năng như Australia.