Azerbaijan và Armenia: Bóng dáng một cuộc chiến khốc liệt?

Thứ năm, 01/10/2020 10:23 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Những ngày qua, bên cạnh “cuộc chiến” trên chính trường nước Mỹ, báo chí thế giới đang dồn sự chú ý về cuộc đụng độ quân sự ngày một gay gắt giữa Azerbaijan và Armenia.

Cuộc đụng độ khởi điểm từ việc tranh chấp quyền kiểm soát vùng núi Nagorno-Karabakh đang không chỉ khiến báo giới lo ngại về tính ổn định của khu vực nằm ở phía Nam dãy Caucasus mà còn báo hiệu về một cuộc chiến khốc liệt rất có thể sẽ lại bắt đầu.

“Thùng thuốc súng” âm ỉ

Trước hết phải nói ngay rằng, xung đột giữa Azerbaijan và Armenia từ lâu đã không còn là chuyện gì đó mới mẻ. Nagorny Karabakh nhiều năm qua đã được báo giới và các nhà quan sát coi đây là “điểm nóng”, thậm chí là “thùng thuốc súng”, luôn tiềm ẩn bùng nổ những cuộc đụng độ khốc liệt bất cứ lúc nào.

reuters

Lần lại lịch sử để thấy vùng núi Nagorny Karabakh đã trở thành vùng đất tranh chấp như thế nào. Chuyện bắt đầu từ thời kỳ Liên bang Xô viết cũ. Khi đó, dù Nagorny Karabakh là một tỉnh tự trị của nước CHXHCH Xô viết Azerbaijan, song phần lớn dân tỉnh này là người Armenia. Điều trớ trêu nữa là Azerbaijan là một quốc gia Hồi giáo song người dân Nagorny Karabakh lại theo Thiên chúa giáo như ở Armenia. Đó là căn nguyên lý giải vì sao người dân Nagorny Karabakh luôn tìm cách ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia.

Mâu thuẫn Azerbaijan-Armenia đến đỉnh điểm vào cuối những năm 1980 khi cơ quan lập pháp tỉnh tự trị Nagorny Karabakh tiến hành bỏ phiếu ủng hộ việc ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia. Như một lẽ đương nhiên, Azerbaijan kiên quyết bác bỏ việc sáp nhập, trong khi Armenia lên tiếng đòi chủ quyền đối với Nagorny Karabakh. Thời điểm đó, xung đột vũ trang đã xảy ra như một lẽ tất yếu. Suốt 6 năm, từ năm 1988 đến năm 1994, đã có khoảng 30.000 người thiệt mạng và gần 1 triệu người mất nhà cửa do các cuộc xung đột bạo lực. Mãi đến ngày 12/5/1994, máu mới bớt đổ xuống vùng đất này khi lãnh đạo của Armenia, Azerbaijan, Nagorno-Karabakh và Nga cùng ký hiệp định ngừng bắn.

Tuy nhiên, máu chỉ bớt chứ không thể ngưng đổ xuống vùng đất này. Bởi dù Hiệp định đã ký, vùng Nagorno-Karabakh dù đã được công nhận là lãnh thổ thuộc Azerbaijan, nhưng nước này gần như không thể thực thi quyền quản lý thực tế với vùng lãnh thổ đó. Cộng đồng người Armenia tại đây vẫn cứ khát khao cái gọi là một nhà nước độc lập, vẫn một mực đòi ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia. Sự ra đời của “Cộng hòa Nagorno-Karabakh” với lực lượng quân đội riêng đã ra đời từ sự khao khát ấy. Tuy nhiên, như một lẽ đương nhiên, Azerbaijan không bao giờ chịu công nhận nhà nước này, luôn bày tỏ quyết tâm thu hồi lãnh thổ. Một bên không muốn trả, một bên không muốn trao. Tình cảnh ấy đã khiến “thùng thuốc súng” Azerbaijan-Armenia cứ âm ỉ suốt bao năm qua và đến tháng 7/2020, “thùng thuốc súng” ấy lại có cơ hội bùng nổ.

Tránh để xảy ra một cuộc chiến quy mô lớn

Đó là mong muốn của nhiều nhà lãnh đạo thế giới khi chứng kiến bước sang tháng 9, xung đột Azerbaijan-Armenia tiếp tục diễn ra gay gắt, con số thương vong ngày càng tăng nhanh. Sự quan tâm của thế giới, đặc biệt là phương Tây tới khu vực này là có cơ sở bởi đây cũng chính là hành lang cho đường ống dẫn dầu và khí đốt từ biển Caspi đến thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, mong muốn này có vẻ đang trở nên khó thành hiện thực khi liên tiếp những động thái cực đoan đã xuất hiện từ cả hai phía. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hôm 28/9 đã huy động một phần lực lượng quân đội dự bị với mục tiêu “tiêu diệt kẻ thù và giải phóng những vùng đất bị chiếm đóng”.

Nagorno-Karabakh

Chính quyền Armenia cũng tuyên bố sẽ phản công và quyết tâm bảo vệ lãnh thổ. “Chúng ta hãy vững vàng đồng hành với nhà nước và quân đội, và chúng ta sẽ chiến thắng” - Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan viết trên Facebook.

Theo lo ngại của các nhà quan sát, cuộc xung đột Azerbaijan-Armenia đang có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến toàn diện, với tiềm năng lôi kéo đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này lên tiếng công khai ủng hộ Azerbaijan và lên án Armenia. “Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng người dân và chính phủ Azerbaijan chống lại mọi hình thức xâm lược của Armenia hay bất kỳ quốc gia nào khác” - Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng.

Cũng không loại trừ cả sự góp mặt của Nga. Nga luôn có mối quan hệ gần gũi với Armenia và là trung gian hòa giải chính trong khu vực. Nga còn đứng đầu liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), trong đó có Armenia. 

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết ông “cực kỳ quan ngại”, kêu gọi cả hai bên ngừng giao tranh và “quay trở lại các cuộc đàm phán có ý nghĩa” trong khuôn khổ Tiến trình Misnk. Tuy nhiên, ngừng giao tranh là một điều rất khó khả thi lúc này.

Hà Trang

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế