Bà "trùm" truyền hình đất miền Tây

Thứ sáu, 03/04/2015 11:47 AM - 0 Trả lời

Bà "trùm" truyền hình đất miền Tây



Vẫn giữ cái chất đôn hậu của người miền Tây, dù đã lên phố sống từ lâu, ngoại hình, phục sức của Nguyễn Thị Bảo Trâm khiến người đối diện liên tưởng đến hình ảnh của phụ nữ miệt vườn, nhưng sự hiện đại lại hiện diện trong từng lời nói, hành động của chị. Xây dựng thương hiệu Vietcom khi truyền hình mới bắt đầu được phép xã hội hóa, đến nay chị có tám chương trình truyền hình thuần Việt và mới đây là hơn 100 tập phim đang lên sóng trên 15 kênh truyền hình trong nước.

Làm phim khó trăm bề”

* Việt Nam đang ở trong giai đoạn có thể gọi là nhà nhà, người người làm phim truyền hình. Theo chị, nhu cầu thực sự của thị trường này thế nào?

- Hiện nay thời lượng phát sóng phim truyền hình Việt trên các kênh đạt 30%. Bộ Thông tin - Truyền thông dự kiến sẽ nâng con số này lên 40%, 50% rồi 60% trong những năm tiếp theo. Từ quy định này, mỗi năm, như đài truyền hình VTV, HTV cần đến hàng ngàn tập phim để phát sóng.

* Phim truyền hình Việt dễ lấy quảng cáo, dễ phát sóng vào “giờ vàng”, dễ làm và dễ có người xem. Quá nhiều thuận lợi như thế, phải chăng đó là động lực để chị từ sản xuất chương trình truyền hình lấn sân sang sản xuất phim truyện?

- Quả thật phim Việt đang được nhiều ưu ái nhưng làm phim để người ta xem xong rồi chê mới dễ. Làm phim hay khó trăm bề. Hơn chục bộ phim truyền hình làm ra thì may có được một phim tương đối ổn chứ chưa gọi là tốt.

* Chất lượng Phim do Vietcom sản xuất thì...?

 
- Trung bình. Chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm làm phim truyền hình, vẫn đang vừa làm vừa học với mục tiêu là ngày càng nâng chất lượng.

* Theo chị, lý do nào khiến phim truyền hình Việt yếu kém?

- Mỗi năm trung bình có đến 2.000 tập phim truyền hình được chiếu trên tất cả các đài. Hãng phim mọc lên như nấm nhưng nguồn nhân lực thì ít người giỏi. Chủ yếu là chèo kéo, thu hút nhân viên lẫn nhau bằng tiền lương, tiền thưởng. Ai chẳng muốn sản phẩm làm ra có chất lượng cao, nhưng sức người như thế, cũng khó lắm!

* Chị đang nói đến nhân lực không có chuyên môn?

Đúng! Hiện nhân lực trong ngành sản xuất phim rất ít người được đào tạo bài bản. Ở các nước, mỗi bộ phận trong đoàn làm phim, như thư ký trường quay, ánh sáng, phục trang, hóa trang... đều phải trải qua ít nhất bốn năm ở trường lớp, rồi thực hành nhiều năm. Hiện nay, các trường điện ảnh của nước ta chỉ đào tạo đạo diễn, diễn viên, quay phim. Những bộ phận khác, chủ yếu là nghề dạy nghề. Tôi trăn trở nhiều nhất là việc nhân viên trong đoàn làm phim tự nâng chức cho nhau.

* Nghĩa là...?

- Khi có nhân viên nghỉ việc, trống chỗ thì đoàn làm phim tự “bốc người” ra đảm nhận. Quen biết việc của nhau rồi nên “người nhà” làm vẫn hơn mướn người ngoài. Thế mới có chuyện, một anh tài xế lần hồi cũng lên đến chức chủ nhiệm phim và còn có thể hơn như thế. Chuyện này phổ biến nên mỗi khi nghe khán giả phàn nàn phim Việt chẳng ra gì, tôi cũng không thể phản đối!

* Nếu vậy, cứ đà này, phim Việt khó giữ khán giả?

- Rất mừng là khán giả hiện nay thích xem phim Việt. Nhiều người xem để biết nó... dở thế nào. Qua rồi thời của game show. Phim Hàn, phim Hồng Kông, Trung Quốc... nhiều, gần gũi nhưng coi mãi, khán giả cũng đã ngán. Các doanh nghiệp hiện nay đổ tiền vào làm phim Việt vì lẽ đó.

Nói như vậy, không có nghĩa là khán giả không biết chọn lựa. Trong giai đoạn này, nhà sản xuất nào tìm được con đường riêng và biết đầu tư đúng mức cho sản phẩm của mình, đơn vị ấy sẽ thành công nhanh.

* Vậy Vietcom của chị đã đầu tư đúng mức chưa?

- Nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất phim và các chương trình truyền hình, Vietcom đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, như máy quay Sony HDV Pal, HD Panasonic P2, hệ thống switcher thu hình đồng bộ nhiều camera, hệ thống thu âm đồng bộ, hệ thống xử lý hình ảnh, âm thanh và phim trường rộng hơn 1.000m2. Có thể nói, các trang thiết bị này cơ bản thỏa mãn yêu cầu khắt khe về mặt kỹ thuật để có thể hoàn thành một bộ phim.

* Đó chỉ là vật chất, thưa chị?

- Bên cạnh nguồn nhân lực nòng cốt, Vietcom đang tự đào tạo người của mình, như mở các lớp đào tạo thư ký trường quay, quay phim, ánh sáng... Mỗi lớp học chỉ có năm người. Họ vừa học, vừa thực hành, va chạm thực tế và bị kiểm tra năng lực thường xuyên. Kết thúc khóa học, nếu đáp ứng được nhu cầu, chúng tôi sẽ mời làm việc với Vietcom.

* Nhưng chị vừa nói Việt Nam chưa có trường đào tạo chính quy những vị trí đó, giáo trình đâu để Vietcom sử dụng?

- Giáo trình do những người đã có kinh nghiệm làm phim lâu năm cùng ngồi lại soạn thảo. Phối hợp với các cố vấn chuyên môn tại các vị trí, chúng tôi cho ra bảng quy chuẩn của riêng mình. Tôi cũng đã sang Trường Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ trau dồi kiến thức chuyên môn và dùng một phần giáo trình của trường này để giảng dạy. Có thể, việc đào tạo ấy chưa thật bài bản nhưng phần nào đáp ứng nhu cầu trước mắt.

* Nghĩa là đào tạo bài bản sẽ giải quyết được vấn đề nhân lực?

- Chưa hẳn. Thật đau lòng khi mình bỏ công đào tạo một nhân viên xong thì chứng kiến nhân viên ấy ra đi.

Ngoại đạo có sáng tạo

 
Làm việc với nhân viên
* Với lĩnh vực sản xuất phim và chương trình truyền hình, chị cũng chỉ là người “ngoại đạo”?

- Tôi lớn lên ở An Giang, xuất thân trong một gia đình có thể nói là có “điều kiện”, nên dễ dàng có việc làm và mức lương đáng để người khác ganh tị ở Sở Giao thông - Vận tải tỉnh nhà, nhưng tôi lại lập nghiệp ở TP.HCM, bắt đầu từ vị trí nhân viên quan hệ cộng đồng. Nói “ngoại đạo” cũng đúng, nhưng tôi có đam mê và có khả năng sáng tạo. Năm năm lăn lộn ở phim trường, tôi hiểu quy trình làm phim.

Trong vai trò kẻ đứng ngoài quan sát, tôi nắm được những đòi hỏi tổng quát mà người làm nghề, có vị trí bắt buộc của mình, khó mà bao quát hết được. Khi tham gia khóa đào tạo Nhà sản xuất phim tại Mỹ, tôi mới biết, việc đứng ngoài quy trình làm phim cũng có tác dụng riêng của nó. Nhà sản xuất đầu tư và kinh doanh sản phẩm nghệ thuật chứ không phải là người làm nghệ thuật.

* Vậy cơ duyên nào khiến chị chọn con đường này?

- Cơ hội đến với tôi khi các chương trình truyền hình được xã hội hóa. Công việc của tôi trước đây vốn tiếp xúc nhiều với đội ngũ sản xuất chương trình truyền hình. Sẵn có kịch bản Sóng nước Phương Nam, một chương trình vận động trường do tôi cùng các đồng sự sáng tác, tôi “liều mình” thành lập công ty để làm rồi bán lại cho nhà đài. Nói ra vẫn còn ngượng, mọi người bảo, tôi thành lập công ty chỉ có trái tim, lòng dũng cảm và một đống nợ!

* Trong tay chỉ có duy nhất một chương trình là Sóng nước Phương Nam, yếu tố nào khiến chị tự tin rằng mình sẽ không thất bại?

- Giai đoạn 2004 hầu như chưa có đơn vị tư nhân nào làm chương trình truyền hình nên Vietcom có lợi thế về cạnh tranh. Quan trọng nhất, trong khi đài truyền hình liên tục phát sóng những game show mua bản quyền của nước ngoài thì Sóng nước Phương Nam là chương trình game show thuần Việt đầu tiên được xây dựng. Kết cấu chương trình là những phần thi đấu vận động giữa các đội chơi nên rất hấp dẫn. Truyền hình là lĩnh vực đòi hỏi sự mới mẻ, chỉ cần tạo được thích thú cho người xem đài là nhà sản xuất đã có thể tự tin.



Năm 2005, game show này thành công ngoài mong đợi, thu hút được lượng lớn khán giả, đoạt giải thưởng Game show Việt Nam hay nhất của năm. Khởi đầu thuận lợi đã giúp tôi rất nhiều trong việc định hướng đi sau này.

* Hướng đi đó là...?

- Trung thành khai thác ý tưởng của người Việt. Làm chương trình phục vụ cho người Việt. Tính đến nay, Vietcom đã cho ra đời tám chương trình truyền hình thuần Việt.

* Chương trình của Vietcom đã phát sóng trên 15 đài truyền hình. Theo chị, mấu chốt của thành công này là gì?

- Chỉ có thể là nội dung. Tôi không thích dùng kịch bản nước ngoài, vừa tốn kém chi phí bản quyền, vừa xa lạ. Một ví dụ đơn giản nhé, đa phần các chương trình vay mượn từ kịch bản nước ngoài chỉ tồn tại vài năm, trong khi Kính đa tròng, một chương trình truyền hình tình huống của Vietcom, tính đến nay đã tồn tại hơn năm năm với nhiều phiên bản khác nhau và vẫn cuốn hút được khán giả.

* Tiếp tục trung thành với các kịch bản thuần Việt, như Chuyện cổ tích bây giờ, Lăng kính thông minh, Nụ cười vàng... nhưng Vietcom chắc là có định hướng mới, phải không chi?

- Phần lớn chương trình, đội ngũ xây dựng kịch bản của Vietcom đều cố gắng lồng tiếng cười vào những vấn đề đang nổi cộm của xã hội hiện nay. Chúng tôi cố gắng đẩy mạnh dòng giải trí thời sự.

* Nếu tự đánh giá, chị thấy thành quả của mình thế nào?

- Tôi còn muốn có thêm nhiều chương trình đặc sắc hơn và gần gũi hơn với đời sống của người Việt. Tôi hiểu sự sáng tạo không ngừng chính là thước đo mức độ thành công của mỗi người cũng như mỗi công ty.

Áp lực

* Tiếp tục lao vào công việc, đồng nghĩa với chị sẽ còn phải làm việc đến tận khuya tại Công ty như bây giờ?

- Tôi có một mái ấm với chồng và đứa con gái ngoan hiền. Kết thúc công việc, tôi cũng muốn về sớm, chăm chút cho chồng, cho con nên lúc nào cũng cố gắng đẩy công việc đi nhanh hơn khiến nhiều nhân viên bảo tôi là đòi hỏi cao quá. Biết làm sao... Chu toàn giữa kinh doanh và gia đình thực sự là áp lực với người phụ nữ.

* Bạn đời của chị có thể chia sẻ điều này?

- Chồng tôi là phóng viên của đài truyền hình. Anh ấy gần như không liên quan gì đến công việc của tôi nhưng lại là một chỗ dựa tinh thần vững chắc. Anh ấy tạo điều kiện để tôi dốc sức cho công việc...

* Với chị, chỉ tạo điều kiện thôi là đã đủ?

- Chồng con tôi khiến tôi hạnh phúc. Đôi khi tôi cũng cảm thấy chơi vơi khi phải quyết định công việc một mình, nhưng phải biết chấp nhận vì sự hoàn hảo rất hiếm hoi trên thế gian này. Tôi hay tự nhắc, phía sau mình là những người trong Công ty và gia đình những thành viên ấy... Tính cầu toàn khi đem vào kinh doanh thành trách nhiệm, và nó tạo cho tôi sức mạnh để bước tiếp con đường mình đã chọn.

(Theo Doanh nhân Sài Gòn)

Tin khác

SeABank kết nối hưng thịnh, tri ân khách hàng doanh nghiệp nhân dịp 30 năm

SeABank kết nối hưng thịnh, tri ân khách hàng doanh nghiệp nhân dịp 30 năm

(CLO) Khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, SSB) có cơ hội nhận e-Voucher trị giá tối đa 3 triệu đồng, 01 lượng vàng AJC kèm nhiều ưu đãi hấp dẫn. Tổng trị giá giải thưởng lên tới hàng tỷ đồng.

Tài chính - Bảo hiểm
Những lý do để cài đặt gấp MobiFone Smart Travel ngay trong tháng 4

Những lý do để cài đặt gấp MobiFone Smart Travel ngay trong tháng 4

(CLO) Trong thời đại 4.0, những chuyển đi của người trẻ không chỉ dừng ở điểm bắt đầu và điểm, đó còn là cuộc hành trình của những cuộc vui cùng công nghệ. Tháng 4, tháng khởi đầu thời gian sôi động nhất trong năm bằng những kỳ nghỉ lễ, còn ngần ngại gì để bạn trẻ bỏ qua ứng dụng khám phá du lịch cực chất, cực chill MobiFone Smart Travel.

Thị trường - Doanh nghiệp
3 giải pháp số của Vietcombank nhận giải thưởng Sao Khuê 2024

3 giải pháp số của Vietcombank nhận giải thưởng Sao Khuê 2024

(CLO) 3 giải pháp số của Vietcombank là VCB CashUp, Host to Host/API Intergration và VCB i-School được đánh giá cao và vinh danh tại lễ trao giải thưởng Sao Khuê 2024.

Tài chính - Bảo hiểm
EU mở cuộc điều tra thị trường thiết bị y tế Trung Quốc

EU mở cuộc điều tra thị trường thiết bị y tế Trung Quốc

(CLO) Liên minh châu Âu hôm thứ Tư (24/4) công bố một cuộc điều tra thị trường thiết bị y tế của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh ngay lập tức cáo buộc rằng khối này đang tham gia vào "chủ nghĩa bảo hộ".

Thị trường - Doanh nghiệp
Sát lễ 30/4 - 1/5, dịch vụ cho thuê xe tự lái “nằm dài” đợi khách

Sát lễ 30/4 - 1/5, dịch vụ cho thuê xe tự lái “nằm dài” đợi khách

(CLO) Chỉ còn vài ngày sẽ đến dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, không ít cửa hàng và ứng dụng (app) cho thuê xe tự lái vẫn còn nhiều xe trống lịch dù đã giảm giá 15-20% so với dịp lễ năm ngoái.

Thị trường - Doanh nghiệp