Bắc Ninh: Hiệu quả kinh tế cao từ việc trồng nho không hạt

09/12/2021 19:51

(CLO) Nhận thấy hiệu quả và giá trị kinh tế mà quả nho mang lại, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Liêm Anh (xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) đã chuyển từ trồng rau sang trồng nho. Đến nay, sản phẩm đã dần có chỗ đứng trên thị trường.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng trong suốt quá trình thực hiện mô hình, Hợp tác xã đã chỉ đạo cán bộ thường xuyên phối hợp với đơn vị chuyển giao từ phần kỹ thuật, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ bệnh trên cây trồng bằng các hình thức trao đổi qua điện thoại, mạng xã hội nhằm giúp các hộ dân yên tâm sản xuất.

Cũng nhờ đó, mô hình được triển khai kịp tiến độ, các hộ nắm bắt được kỹ thuật, cây phát triển tốt. Năm 2021, nho tím không hạt và nho xanh không hạt của hợp tác xã đã được tỉnh Bắc Ninh lựa chọn tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó, tạo hướng đi mới cho sản phẩm này.

bac ninh hieu qua kinh te cao tu viec trong nho khong hat hinh 1

Năm 2021, nho tím không hạt và nho xanh không hạt của hợp tác xã đã được tỉnh Bắc Ninh lựa chọn tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Theo anh Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Liêm Anh, hợp tác xã được thành lập năm 2017 với 7 thành viên. Ban đầu, cùng với diện tích đất vốn có của các thành viên, hợp tác xã đã thuê thêm đất để trồng dưa lưới, dưa chuột và cà chua trái vụ. Mô hình này đã mang lại giá trị kinh tế cao gấp 5 lần trồng lúa cho nông dân địa phương. Tuy nhiên, cùng với sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, anh Liêm đã tìm hiểu những giống cây trồng mới góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho các thành viên trong hợp tác xã.

Sau thành công bước đầu, năm 2021, hợp tác xã của anh đã mở rộng diện tích, trồng thêm 1.500 gốc nho gồm nho xanh không hạt, nho tím không hạt, nho mẫu đơn và nho ngón tay với quy mô 3 trang trại, tổng diện tích 3.500m2.

Chia sẻ về quá trình chăm sóc nho, ông Nguyễn Thanh Hòa, thành viên hợp tác xã cho biết, khi chăm sóc nho, đòi hỏi người trồng cần tỉ mỉ trong từng công đoạn. Đặc biệt, hiểu được từng đặc tính, giai đoạn sinh trưởng và phát triển của nho để có chế độ chăm sóc hợp lý.

Với chất đất pha cát, thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây, hợp tác xã xây dựng nhà màng, mái vòm và bắc giàn, vun luống nhằm giảm mức độ nhiễm sâu bệnh, vừa hạn chế nước mưa để nho không bị úng, thối rễ. Đặc biệt, muốn thành công, người trồng nho phải làm chủ được công nghệ, kỹ thuật chăm sóc; trong đó, giai đoạn quan trọng nhất là xử lý cho cây ra hoa.

Theo ông Hòa, nho thường ra hoa mỗi năm hai vụ, vì vậy, hợp tác xã lựa chọn thời điểm có thời tiết tốt nhất, nhiệt độ không cao cho cây ra hoa như vào tháng Giêng và tháng 8 âm lịch hàng năm. Trước thời điểm đó 1 tháng, hợp tác xã tăng cường bón phân và cắt cành. Nhờ vậy, sẽ kích thích nho ra hoa và đậu quả đạt tỷ lệ cao. Từ khi ra hoa đến thu hoạch mất thời gian 3 tháng.

Trong thời gian cây lớn, thành viên hợp tác xã thường xuyên ngắt ngọn, đồng thời tỉa chồi nách để thân cây to thêm. Đặc biệt, nho là giống cây rất dễ bị sâu bệnh như bọ trĩ, bọ cánh cứng, thối cuống quả, phấn trắng... nên khi chăm sóc cây, các thành viên trong hợp tác xã đều chú ý. Để hạn chế tình trạng này, hợp tác xã sử dụng các loại thuốc từ chế phẩm sinh học để bảo đảm cung cấp cho thị trường những thực phẩm sạch, ông Hòa nhấn mạnh.

Theo ông Hòa, muốn nho quả to, tròn đều, người nông dân phải tỉ mỉ dùng kéo cắt tỉa từng quả từ khi còn nhỏ. Khi đến khi thu hoạch, nho có màu đặc trưng của từng giống, vỏ mỏng, vị thanh ngọt, giòn chất lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt có hương thơm cuốn hút.

Trung bình, nho cho năng suất 5kg/gốc/vụ. Với giá thành 120.000 đồng/kg, mỗi năm hợp tác xã cho doanh thu hơn 800 triệu đồng từ trồng nho, gấp 5 lần trồng rau trước đây.

Đánh giá về mô hình trồng nho của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Liêm Anh, ông Nguyễn Xuân Chức - Phó Chủ tịch UBND xã Việt Đoàn cho biết, mô hình trồng rau sạch, cây ăn quả của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Liêm Anh là một trong những mô hình điển hình, đã mở ra hướng đi mới cho nông dân phát triển kinh tế ở địa phương.

Từ mô hình này, có rất nhiều hộ nông dân, hợp tác xã đến học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật. Điều đó khẳng định sự năng động, sáng tạo, nhiệt huyết của nông dân Bắc Ninh.

Bắc Ninh cũng đã xây dựng quy chế hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh tham gia vào chương trình OCOP. Đặc biệt, khi tham gia vào chương trình OCOP, những sản phẩm này được tạo điều kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhất là trong những cuộc triển lãm.

Minh Hằng

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bắc Ninh: Hiệu quả kinh tế cao từ việc trồng nho không hạt
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO